Gia tăng mối lo thất nghiệp

Tâm Như 14/10/2021 00:28

Số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới nhất cho biết, có khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9.

Trong số 1,3 triệu lao động nêu trên, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Trong số 930.000 người từ 15 tuổi trở lên đã trở về địa phương, khoảng 34% đang có việc làm; 38% mất việc, không tìm được việc làm do cách ly, giãn cách và số còn lại không có nhu cầu làm việc do e ngại dịch bệnh.

Nhìn vào những số liệu này có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh và ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực lao động, việc làm.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) những con số về tỷ lệ thất nghiệp là nhóm đối tượng hoàn toàn không có việc làm. Còn trên thực tế, có những lao động vẫn trong diện hợp đồng, không thông báo mất việc nhưng không hề có việc làm...

Tổng cục Thống kê cũng cho biết, hiện có khoảng 17 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19. Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng phục hồi thị trường lao động những tháng cuối năm 2021 phụ thuộc rất lớn vào kịch bản chống dịch của Việt Nam. Hiện nay, các địa phương đang từng bước mở cửa trở lại, đây là tín hiệu đáng mừng sau một thời gian dài gần như dừng sản xuất. Nhưng việc ổn định sản xuất không đồng đều giữa các vùng sẽ khiến xã hội đối mặt với vấn đề cung - cầu lao động.

Trên thực tế, nhiều công nhân đang đổ về quê với số lượng lớn. Tại sao nhiều doanh nghiệp (DN) đang lo thiếu nhân lực, thậm chí tìm nhiều phương án tuyển dụng và giữ chân người lao động mà tình trạng thất nghiệp vẫn nan giải? Lý giải nguyên nhân, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc điều hành Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, DN khi quay trở lại nhịp độ sản xuất cần thời gian để chuẩn bị và phục hồi. Trong thời gian này, người lao động đã không còn đủ tài chính để chi tiêu, sinh hoạt, khó có thể trụ được để chờ các DN khôi phục sản xuất. Hơn nữa một số DN có chính sách hỗ trợ chưa tốt, không có giao kết hợp đồng… khiến người lao động gặp khó về tiền bạc lẫn tinh thần. “Trước đây chúng ta bàn đến việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố, giờ đây có tình trạng lực lượng lao động đang ở các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê”- bà Thuỷ nói và cho rằng, đây là một vấn đề cần giải quyết thấu đáo.

Bất cập thừa - thiếu lao động thời điểm nào cũng có. Thất nghiệp là hiện tượng khách quan trong nền kinh tế thị trường. Song, ở vào thời điểm cả nước đang bước vào trạng thái “bình thường mới” tỷ lệ thất nghiệp tăng dễ trở thành vấn đề xã hội gay cấn, để lại hậu quả nhiều mặt. Vì thế chính sách để an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động thời điểm này là vô cùng quan trọng. Bởi, cứu người lao động cũng chính là cứu động lực tăng trưởng.

Tâm Như