Đề phòng kiến ba khoang

H.L. 14/10/2021 12:44

Kiến ba khoang xuất hiện vào đầu mùa mưa khi có độ ẩm cao. Độc tố của chúng chạm vào da, gây kích ứng, phồng rộp da... Nếu không được điều trị kịp thời, thương tổn trên diện rộng có thể gây ra sốt nhẹ, nổi hạch lân cận, thậm chí có thể tử vong.

Kiến ba khoang có thân mình thon dài, có khoang đen cam xen kẽ. Loại kiến này thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng, cũng thường bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.

Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.

Nếu chẳng may tiếp xúc với dịch cơ thể của kiến ba khoang có thể gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó...

Hàng năm rất nhiều người phải nhập viện do kiến ba khoang trong tình trạng nguy kịch, một phần do những sai lầm khi tự xử lý vết thương. Sau khi bị viêm da do độc tố kiến ba khoang, nhiều người đã tìm đến các bài thuốc, mẹo vặt dân gian như: Đắp lá, dùng gạo, đậu xanh xay lấy nước bôi,... hay mua các loại thuốc trị côn trùng cắn, thuốc chữa viêm da, dị ứng tại các hiệu thuốc mà không qua kê đơn.

Ngoài ra, sau khi tiếp xúc với kiến ba khoang, nhiều người theo thói quen dùng tay đập kiến, điều này đã vô tình làm độc tố của kiến được giải phóng ra và tiếp xúc với da, gây ngứa rát, sưng đau, nổi mụn mủ. Vì vậy khi phát hiện kiến khoang, chúng ta không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên dùng giấy hoặc đeo găng tay lấy kiến đi…

Xử trí khi bị đốt:

- Bước đầu tiên nên rửa vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước muối sinh lý, nước sạch trong 5-10 phút để loại bỏ độc tố pederin.

- Sau khi làm sạch, hãy chườm mát và bôi kem làm dịu da.

- Cồn iốt có thể giúp khử trùng và trung hòa độc tố paederin.

- Có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân (theo chỉ định của bác sĩ da liễu).

Khi bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang người dân cần lưu ý:

+Hạn chế sử dụng xà phòng lên vùng da này, tránh tiếp xúc với ánh sáng vì sẽ gây tình trạng viêm da tiếp xúc nặng hơn.

+ Không sờ, cào gãi vùng da này vì nếu không rửa tay sẽ làm lan độc tố sang vùng da khác.

+ Nếu điều trị không đúng cách có thể dẫn tới nhiễm trùng, để lại sẹo xấu và trong trường hợp viêm da tiếp xúc nặng, lở loét nhiều…

- Người dân không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần đến các bệnh viện có chuyên khoa da liễu uy tín để được điều trị.

Sự khác nhau giữa viêm da do tiếp xúc kiến ba khoang và bệnh Zona.

Phân biệt viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang gây ra với bệnh Zona:

-Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang: Thường biểu hiện là thương tổn hồng ban, hơi phù nề, mụn nước, mụn mủ, thường ở vị trí vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân.

+ Tổn thương đi theo thành từng vệt, đường hoặc thương tổn đối xứng có thể thấy ở vùng nếp gấp như nách, bẹn, nếp gấp khuỷu tay hoặc kheo chân. Khi bệnh nhân gãi chà xát thì lan sang các vị trí khác.

- Zona: là bệnh gây ra bởi virus, ảnh hưởng đến da và thần kinh.

+ Biểu hiện ban đầu là rát, sẩn hồng ban, sau đó xuất hiện những mụn nước mọc thành chùm chứa dịch trong, căng, vị trí thường ở một bên cơ thể, dọc theo đường đi của dây thần kinh. Kèm theo bệnh nhân có thể sốt, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, đau nhức…

H.L.