Thân thương hình ảnh 'hồn quê' qua từng nét vẽ của họa sĩ 7X
Mái nhà cũ kỹ, con đường làng đơn sơ, cảnh sinh hoạt bình dị hay những cánh đồng lúa chín rộ bát ngát… Tất cả những thứ thân thương, quen thuộc ấy được “gói” lại trong bộ tranh quê hương của họa sĩ 7X.
“Tôi chỉ có một nơi để trở về”
Gặp họa sĩ Lê Anh Thanh (45 tuổi, quê Thanh Hóa) trong một buổi chiều Thu, bên giá tranh, nhìn qua khung cửa sổ, họa sĩ Lê Anh Thanh vẫn đang miệt mài hoàn thiện nét vẽ cuối cùng cho bức tranh lấy bối cảnh mùa Thu bên bìa làng.
Rời quê hương gần 20 năm, họa sĩ Lê Anh Thanh chỉ biết ngắm nơi mình sinh ra qua từng nét vẽ. Anh nói, quê hương nơi anh sinh ra thanh bình và thơ mộng, anh nhớ cái mùa thu nhẹ nhàng tinh khiết, êm đềm như một bài thơ. Những sợi nắng nhẹ mỏng tanh lách mình qua kẽ lá, rơi khẽ giữa bụi cây…
Chia sẻ với Đại Đoàn Kết Online, anh Thanh cho biết, anh có năng khiếu và đam mê vẽ tranh từ nhỏ. Những ngày học cấp 2 ở trường làng, anh đã nuôi nấng ước mơ trở thành họa sĩ. Cứ thế, cái duyên với nghề vẽ mỗi lúc một lớn, xa quê lập nghiệp chính là cơ hội để anh hiện thực hóa giấc mơ ấp ủ bấy lâu nay.
“Cách đây hơn hai chục năm, tôi vào Sài Gòn mưu sinh bằng nghề vẽ tranh cho một xưởng của họa sĩ Pháp, sau này chủ của tôi mất đi. Năm 2019, tôi ra ngoài làm họa sỹ tự do, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, bức tranh sơn dầu trên vải tái hiện khung quanh quê hương ra đời”, anh Thanh nhớ lại.
Tận dụng thời gian giãn cách xã hội không thể đến phòng tranh, anh Thanh hoàn thiện bộ tranh gồm 50 bức tái hiện ký ức quê hương. Bộ tranh khắc họa lại khung cảnh làng quê, con đường, ngõ xóm, những miền nỗi nhớ từng gắn bó với anh cả quãng thời gian tuổi thơ.
Anh Thanh tâm sự: “Tôi là một người con xa quê luôn hướng tấm lòng, nỗi nhớ về quê nhà, bởi vậy thông qua bộ tranh lần này, tôi muốn gửi gắm tình thương nơi đã lưu giữ ký ức thời thơ bé một thời của tôi. Ở nơi đó, tôi đã có những ký ức tươi đẹp”.
“Tôi chỉ có một nơi để trở về và đó chính là quê hương”, anh nói.
Thông qua 50 bức tranh tái hiện khung cảnh quê hương, anh Thanh muốn khơi dậy miền ký ức nơi anh sinh ra. Ở đó có những ngôi nhà, những buổi chiều đi chăn trâu, có triền đê, những căn nhà với mái ngói cũ kỹ. Tất cả thật tươi đẹp.
Anh giãi bày tâm tư, anh sinh ra và lớn lên ở quê, vì thế "quê hương" luôn là chủ đề mà anh có nhiều chất liệu để sáng tạo, vùng vẫy.
Vơi đi nỗi nhớ quê
Dù chưa từng tiếp xúc với hội họa nhưng chính niềm đam mê với cây cọ đã giúp anh Thanh khơi nguồn cảm hứng cho việc sáng tác tranh. Bộ tranh "quê hương" của họa sĩ Lê Anh Thanh ra đời đã chạm đến trái tim của nhiều cư dân mạng.
Qua nét vẽ sáng tạo, đầy xúc cảm, những vẻ đẹp xưa cũ, trong trẻo, hình ảnh quê hương hiện lên thật gần gũi, thân thương khiến người xem như lắng đọng về cuộc sống bình yên, dung dị một thời.
Bộ tranh sau khi đăng tải lên mạng xã hội đã nhận về hàng trăm lượt yêu thích, bình luận cùng hàng nghìn lượt chia sẻ. Ai nấy đều tỏ ra vui thích trước những bức tranh anh Thanh tự tay khắc họa vì đã giúp họ phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Tài khoản Quỳnh Chi xúc động bày tỏ: “Bộ tranh này đã giúp tôi hồi tưởng lại ký ức quê nhà, nhớ lại những ngày xưa cũ ngồi lê la với đám bạn nơi triền đê, những ngày mải chơi để trâu gặm cỏ nhà hàng xóm và cả những ký ức ấy càng hiện lên rõ nét hơn và giúp tôi quên đi nỗi nhớ quê nhà”.
Chị Doãn Thùy Trang (28 tuổi, TP HCM) rưng rưng nước mắt khi xem những bức ảnh của họa sĩ Lê Anh Thanh. Chị Trang nói, do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên suốt gần 1 năm nay chị chưa được về quê.
“Xem xong bộ tranh vẽ này tôi như được ‘xuyên không’ trở về quê hương. Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn nên những hình ảnh, chi tiết trong tranh đối với tôi rất quen thuộc. Nó vừa gợi nhớ nhiều về ký ức tuổi thơ vừa giúp tôi vơi đi nỗi nhớ quê nhà”, chị Trang tâm sự.
Biết được những bức tranh của mình được cộng đồng mạng hưởng ứng nhiệt tình, họa sĩ Lê Anh Thanh không khỏi xúc động. Bàn tay thoăn thoắt đã vương màu, anh lấy vội cây cọ nhúng vào hộp màu sẵn có, anh nói: “Qua những bức tranh về quê hương, tôi muốn tái hiện lại khung cảnh nên thơ một thời của đất nước, từ đó giáo dục con người về lòng yêu quê hương, đât nước”.