Loạn kit xét nghiệm Covid-19
Hiện, trên các trang mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử, nhiều shop bán hàng công khai quảng cáo các loại kit xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt thay vì “chọc họng”, “ngoáy mũi”, khiến nhiều người tin dùng. Song, Bộ Y tế khẳng định, đến thời điểm hiện tại chưa hề cấp phép cho bất cứ bộ kit xét nghiệm Covid-19 nào qua việc lấy mẫu nước bọt.
Không phủ nhận việc một số quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đã công nhận việc xét nghiệm nhanh Covid-19 bằng việc lấy mẫu nước bọt. Việc áp dụng kinh nghiệm của nước bạn là điều cần thiết, nhưng không có nghĩa Việt Nam mang quy chuẩn của nước ngoài áp dụng vào điều kiện trong nước theo kiểu “dập khuôn”, “gọt chân cho vừa giày”, để rồi lãnh hậu quả.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế, việc lấy mẫu nước bọt để xét nghiệm kháng nguyên hay kháng thể là khả thi và có thể triển khai, nhưng hiệu quả sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc lấy mẫu dịch hầu (dịch mũi, họng). Xét nghiệm nhanh bằng việc lấy mẫu nước bọt rất có thể cho kết quả sai dẫn đến bỏ lọt F0 ngoài cộng đồng xã hội.
Có lẽ đó là lý do Bộ Y tế chưa cấp phép cho bất kỳ bộ kit xét nghiệm nhanh qua mẫu nước bọt nào. Việc chưa cấp phép của Bộ Y tế hoàn toàn căn cứ trên tình hình thực tế diễn biến của đại dịch Covid-19 ở Việt Nam. Quyết định trên nhằm đảm bảo không bỏ sót F0 ngoài cộng đồng xã hội dẫn đến nguy cơ bùng phát đại dịch Covid-19 trên diện rộng.
Song, đáng tiếc các cơ quan chức năng lại chưa có cơ chế kiểm soát, khiến trên thị trường nhan nhản những sản phẩm được quảng cáo là xét nghiệm hiệu quả tới 99% đối với Covid-19. Chính vì các nhà bán hàng công khai quảng cáo sai sự thật mà không bị chế tài, thậm chí không nhận được cảnh báo của cơ quan có thẩm quyền nên nhiều người dân đã tin dùng.
Người dân tin tưởng mua kit xét nghiệm nhanh Covid-9, dẫn đến việc mất tiền oan mà không biết mình dương tính hay âm tính giả đã đành. Nguy hiểm hơn là sẽ phát sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong việc phòng dịch trong cộng đồng, bởi ai cũng tự tin rằng mình không có mầm bệnh. Từ đó dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm soát và khống chế dịch bệnh.
Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao các cơ quan chức năng lại để cho các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử tự do quảng cáo, bán các loại kit xét nghiệm nhanh Covid-19, khi biết rõ hậu quả mà nó mang lại cho cộng đồng xã hội? Câu hỏi này quả thực rất khó có câu trả lời, bởi trách nhiệm là của rất nhiều ngành nhưng cuối cùng lại chẳng của ai cả.
Vậy nên, chừng nào mà cơ quan quản lý nhà nước còn chưa khống chế, kiểm soát được việc bày bán công khai, tràn lan các bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 bằng việc lấy mẫu nước bọt trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, chừng đó mọi nỗ lực phòng, chống dịch bệnh không thể phát huy tối đa hiệu quả. Có ai cảnh giác với dịch bệnh khi biết chắc chắn mình “âm tính” hay không? Chắc chắn là không rồi. Loạn kit xét nghiệm Covid-19 nguy hiểm thế đó.