Những người làm sạch cho đời

Miên Thảo 15/10/2021 06:16

Công nhân vệ sinh môi trường, hiểu đơn giản là những người thu gom rác thải là những người lao động cực nhọc. Phần đông trong số họ là phụ nữ.

Cái nghề thu gom rác để làm sạch đẹp môi trường đang được coi là công việc giản đơn vào bậc nhất trong những việc giản đơn, vì thế cũng nhiều người coi thường. Ngay cả những phụ nữ làm công việc này đôi lúc cực lòng quá, mắng con: Mày không chịu khó học hành, lớn lên chỉ có mà đi quét rác! Nghe thật đau lòng.

Hãy thử nghĩ một chút mà xem, ở những thành phố đông dân, chỉ một ngày thôi rác không được chuyển đi thì sẽ thế nào. Những con đường lôi thôi lếch thếch, bốc mùi khó chịu, mất vệ sinh. Đã không ít lần ở ngay Hà Nội, địa phương nơi có bãi rác của thành phố người dân phản đối không cho xe chở rác vào bãi. Thế là rác có được gom lại thì cũng để đấy, ngay bên lề đường, dưới tầng trệt chung cư, hay là trong những con hẻm chật chội người ta phải né rác mà đi. Chỉ hai ba ngày thôi khi rác không được chuyển đi, người thành phố bỗng như lên cơn sốt.

Thống kê của cơ quan chức năng vào thời điểm cuối năm 2020, mỗi ngày Hà Nội có tới 6.500 tấn rác; tại Thành phố Hồ Chí Minh con số đó là 9.000 tấn. Còn trong phạm vi cả nước, số liệu thống kê cho thấy lượng rác thải mỗi ngày vào khoảng 50.000 tấn. Trong đó, các đô thị có lượng rác thải là vào khoảng 35.000 tấn/ngày chiếm 70%, còn lại là ở các vùng nông thôn.

Số rác thải quá lớn như vậy cần rất nhiều công nhân vệ sinh môi trường, họ phải làm việc trong điều kiện rất khó chịu, lại hoàn toàn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Theo các chuyên gia y tế, công nhân vệ sinh môi trường hầu hết bị các loại bệnh ngoài da, cùng đó là bệnh về đường hô hấp, bệnh về mắt, nhiều chị em còn bị bệnh phụ khoa nhất là khi phải làm việc vào mùa mưa. Cho dù họ được “bọc kín” bằng đồ bảo hộ lao động nhưng vẫn không tránh khỏi bệnh tật. Nhưng đáng tiếc là đãi ngộ đối với họ là quá ít. Thật khó kiếm được một gia đình nào người mẹ làm công nhân môi trường mà lại có của ăn của để. Vì thế, ngoài những giờ thu gom rác thì họ lại phải chạy đôn chạy đáo, với nhiều việc “phụ” khác để kiếm thêm đồng tiền lo cho gia đình.

Trong đại dịch Covid-19, người làm nghề thu gom rác gặp nhiều hung hiểm. Bởi họ phải “giáp mặt” thật sự với những ẩn họa từ khối rác thải, nhất là ở những khu phong tỏa, trong bệnh viện, nơi có những F0. Ai mà biết chắc trong những túi rác kia không có virus SARS-CoV-2. Những người thu gom rác biết điều đó, nhưng họ vẫn cặm cụi làm việc. Thật đáng trân trọng. Họ luôn cận kề hiểm nguy khi phải thu gom, vận chuyển, tiêu hủy những khối rác đầy bất trắc.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM kể về những ngày căng thẳng chống dịch Covid-19. Khi số lượng người cách ly tập trung và cách ly tại khu dân cư tăng cao, công việc của các công nhân thu gom rác tăng gấp đôi so với lúc bình thường.

Mỗi ngày, các nhân viên phải dậy từ 3h sáng, chạy xe hơn 200 km khắp thành phố để thu gom khoảng 35 tấn rác thải tại 85 khu cách ly, bệnh viện. Để việc thu gom rác tại các khu vực cách ly được thông suốt, không ứ đọng rác, gây nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly, Công ty đã bố trí thường trực một đội gồm hơn 300 công nhân (bao gồm lực lượng trực tiếp và gián tiếp) hoạt động với tần suất 3 ca/ngày và 24/24 giờ.

Đó mới chỉ là những người đi chất rác lên ô tô chở đến nơi tiêu hủy. Trước đó, còn có nhiều ngàn người gom từng chút rác một đưa về nơi tập trung để xe đến chở đi.

Khi ngày 20-10 đang đến gần, ngày của Phụ nữ Việt Nam, lại bỗng nghĩ về những chị em đang lặng thầm thu gom từng chút, từng chút rác để thành phố, làng mạc sạch sẽ, an toàn. Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: Họ nhận lại được những gì và chúng ta đã làm gì để những con người vô danh ấy bớt cực nhọc?

Miên Thảo