Cảnh giác với lũ quét, lũ ống

Nguyễn Chung 15/10/2021 00:32

Sau khi bão số 8 suy yếu và trở thành vùng áp thấp, từ tối ngày 13 đến chiều 14/10, trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An tiếp tục có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Để chủ động đối phó với hoàn lưu sau bão, chính quyền và người dân hai tỉnh đang khẩn trương triển khai các biện pháp 4 tại chỗ, ứng phó với hoàn lưu bão.

Tại Thanh Hóa, sau khi bão suy yếu và trở thành vùng áp thấp, địa bàn tỉnh có mưa lớn trên diện rộng. Để ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới, tỉnh đã yêu cầu các địa phương thường xuyên giữ liên lạc, thông tin về hướng di chuyển. Tùy vào tình hình cụ thể, các địa phương, đặc biệt là tại khu vực miền núi như: Quan Sơn, Mường Lát, Quan Hóa… chủ động rà soát, sơ tán dân cư tại các khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; khẩn trương thực hiện việc gia cố nhà cửa, các công trình để đảm bảo an toàn.

Báo cáo nhanh từ Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết: Hiện, mực nước các hồ lớn đều đang ở mức báo động 3. Để giảm thiểu rủi ro, các đơn vị quản lý, vận hành các hồ chứa đã chủ động xả hạ thấp mực nước để đón lũ trong những ngày sắp tới.

Trước tình hình mưa lớn sẽ còn kéo dài, tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương, ban ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để phòng, tránh. Đặc biệt, thực hiện phương án tiêu nước đệm, chống ngập úng khu vực đô thị và sản xuất nông nghiệp; rà soát, triển khai hiệu quả phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.

Kiểm tra, hướng dẫn, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt. Rà soát, triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho các khu công nghiệp ven biển để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Tại Nghệ An, do mưa lớn kéo dài trong 2 ngày qua, sáng ngày 14/10, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn đã có thông báo xả lũ nhằm đảm bảo an toàn cao nhất cho người dân khu vực hạ du sau khi bão vào đất liền.

Trước đó, vào rạng sáng ngày 14/10, mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ khiến núi Nguộc nằm trên tuyến QL46 (nằm giáp ranh địa bàn 2 xã Thanh Ngọc và Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương) đã xảy ra tình trạng sạt lở. Nhiều khối đất đá đã đổ xuống mặt đường, ảnh hưởng đến việc tham gia giao thông của người dân. Sau khi xảy ra sự cố, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã khẩn trương cắm biển cảnh báo nguy hiểm và tìm phương án khắc phục, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm nhất.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An: Toàn tỉnh có 1.061 hồ đập lớn nhỏ; hiện nay đã có 1.035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 2 hồ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế.

Để ứng phó với hoàn lưu sau bão số 8, tỉnh đã xây dựng kịch bản sơ tán dân miền núi khi có thiên tai tại 33 vị trí sạt lở đất ảnh hưởng đến 612 hộ với 3044 nhân khẩu. Đồng thời yêu cầu các địa phương và ban ngành, ứng trực 24/24h tại các hồ đập, đê điều xung yếu, xuống cấp, cần thiết thì tiến hành xả lũ kịp thời, bảo vệ các công trình thi công, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân phòng trường hợp bị bão lũ chia cắt.

Kịch bản cao nhất là di dời hơn 45 nghìn hộ dân

Để ứng phó với mưa lớn do bão số 8 (đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới), tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các công ty thủy lợi chủ động vận hành các công trình nhằm chủ động tiêu nước đệm đề phòng ngập úng khi có mưa lớn; điều tiết sớm, hạ thấp mực nước một số hồ chứa lớn để đón lũ; chuẩn bị sẵn sàng với phương án di dời dân với 4 kịch bản, trong đó kịch bản cao nhất là di dời 45.050 hộ với 155.803 người. Các địa phương, đơn vị và người dân trên địa bàn cũng chủ động phương án trong việc bảo vệ công trình hồ đập, công trình đang thi công, lồng bè thủy hải sản, cây ăn quả có múi…

Nguyễn Chung