Dự án tưới tiêu 65 tỷ đồng liên tục bị vỡ đường ống?
Tiểu dự án cấp nước tưới tiêu cây cà phê ở thôn Tiến Cường, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk làm chủ đầu tư vừa hoàn thành nhưng liên tục bị vỡ đường ống. Đến nay, dự án vẫn chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng.
13 lần vỡ đường ống
Theo hồ sơ, Tiểu dự án cấp nước tưới tiêu cây cà phê trên được khởi công tháng 10/2019, dự kiến hoàn thành đi vào sử dụng cuối tháng 6/2020, có tổng mức đầu tư hơn 65 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và một phần vốn đối ứng ngân sách địa phương. Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành sẽ tưới tiêu cho 350 ha cà phê, tiêu tại thôn Tiến Cường và ứng dụng tưới tiết kiệm cho 10 loại cây trồng.
Về quy mô, công trình xây dựng một đường ống chính uPVC DN630 dài hơn 4,7 km từ hồ Buôn Yông về khu tưới với lưu lượng dẫn 1.320 m3/giờ. Đường ống được chôn sâu cách mặt đất trung bình khoảng 1m; dọc đường ống được bố trí các mố néo; dọc đường bố trí 2 van xả cặn và 3 van xả khí; xây dựng nhà trạm bơm…
Thế nhưng, công trình vừa hoàn thành, chưa bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đã liên tục vỡ đường ống. “Dự án này hoàn thành, sớm đi vào hoạt động sẽ cấp một nguồn nước tưới đáng kể vào những ngày mùa khô hạn. Không hiểu sao, công trình dù đã làm xong từ lâu, đến nay vẫn chưa được bàn giao” - ông Ngô Tiến Hải, người dân ở thôn Tiến Cường cho hay.
Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, vụ việc vỡ đường ống này không phải sự cố mà theo cách gọi của Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) là các tồn tại, khiếm khuyết. “Công trình này có tổng cộng 13 lần xảy ra vỡ đường ống, trong đó có 6 lần khi đang thử ống; sau khi hoàn thành chạy nước vào trong tuyến, đường ống thêm 7 lần vỡ nữa” - ông Côn nói.
Thi công không đúng thiết kế
Được biết, Dự án trên do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Kỳ Nguyên (Công ty Kỳ Nguyên) là đơn vị thi công.
Theo ông Côn, Công ty Kỳ Nguyên đã thi công (sử dụng co/cút) không đúng như hồ sơ thiết kế được duyệt; chỉ lắp đặt một van xả khí trong số 2 van xả khí lắp đặt sai vị trí; chưa thi công đầy đủ các mố bê tông. Trên cơ sở xem xét này, chủ đầu tư kiến nghị đơn vị thi công hoàn thiện các vấn đề nêu trên.
Tuy nhiên, Công ty Kỳ Nguyên từ chối thực hiện thử lại áp lực từng đoạn tuyến ống chính uPVC DN630 theo yêu cầu của chủ đầu tư; công ty cũng chưa chấp nhận khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết.
Theo giới thiệu của Cục Quản lý xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT), chủ đầu tư đã chủ động mời chuyên gia độc lập đánh giá tổng hợp về hồ sơ thiết kế, qua đó nêu rõ các giải pháp liên quan.
“Chúng tôi đã mời ông Dương Thanh Lượng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội) được đánh giá là chuyên gia hàng đầu của ngành thủy lợi. Chuyên gia yêu cầu kiểm tra lại hồ sơ thiết kế và kiến nghị kiểm nghiệm lại tất cả các ống đã lắp đặt để xác định các thông số kỹ thuật và đánh giá so với thông số tiêu chuẩn. Từ đó mới tìm được giải pháp” - ông Côn nói và cho biết thêm Công an tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng An ninh kinh tế tiến hành lấy hồ sơ liên quan đến Tiểu dự án cấp nước tưới tiêu ở thôn Tiến Cường nhưng đến nay vẫn chưa thấy phía họ có ý kiến.
Theo báo cáo số 2848 của Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, đối với việc thực hiện công tác kiểm định trước đây khá chậm trễ là do Công ty Kỳ Nguyên thiếu hợp tác, đặc biệt là trì hoãn việc đào để kiểm tra tim tuyến ống và một số hạng mục đã được lấp đất. Qua kiểm tra, chủ đầu tư phát hiện việc thi công sai tim tuyến ống so với thiết kế. Ngoài ra, còn hơn 50% số mố bê tông trên tuyến ống chưa làm.
Theo ông Vũ Đức Côn, do mưa gió liên tục và dịch Covid-19 kéo dài nên đã làm ảnh hưởng đến việc khắc phục các tồn tại, khiếm khuyết tại Tiểu dự án cấp nước tưới tiêu cây cà phê ở thôn Tiến Cường. “Để xảy ra thực trạng nêu trên, các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT cũng đã có kết luận, đây là những khối lượng công việc đã ký kết trong hợp đồng chưa thực hiện xong. Chủ đầu tư đã giữ lại tiền của nhà thầu để khắc phục tồn tại, khiếm khuyết nêu trên” - ông Côn nói, và khẳng định trách nhiệm của Sở NN&PTNT đã thiếu chặt chẽ nên mới để xảy ra sự việc này (vỡ đường ống dự án).