UBTƯ MTTQ Việt Nam giao ban công tác Mặt trận quý III năm 2021
Sáng ngày 15/10, tại Hà Nội UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác Mặt trận quý III năm 2021. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến tới Ủy ban MTTQ Việt Nam 63 tỉnh, thành phố.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.
Vượt qua khó khăn, thách thức chăm lo an sinh cho nhân dân
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nêu rõ, quý III năm 2021, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức to lớn do dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt bùng phát thứ tư với biến thể Delta lây lan nhanh trên diện rộng cực kỳ nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực, hết sức nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân, nhất là người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; cướp đi hàng nghìn sinh mạng của đồng bào ta.
Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã kịp thời triển khai nhiều chủ trương, giải pháp về công tác phòng chống dịch.
Đến nay, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, có một số dấu hiệu tích cực, đất nước ta bước vào giai đoạn bình thường mới với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã hiệp thương phối hợp và thống nhất hành động, chung sức cùng với Đảng, Nhà nước tham gia phòng, chống dịch Covid-19 với nhiều nội dung, chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần kiểm soát được dịch bệnh, ổn định kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp và thống nhất hành động năm 2021 theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình, diễn biến của dịch bệnh.
Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu nhấn mạnh, để thích ứng với bối cảnh dịch Covid-19 còn lâu dài, diễn biến còn phức tạp, phù hợp với phương châm mới của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch, phương thức hoạt động, phối hợp và thống nhất hành động của MTTQ với các tổ chức thành viên cũng cần phải tiếp tục đổi mới theo hướng linh hoạt, đồng bộ, thực chất, bài bản và sát thực tiễn hơn nữa.
Báo cáo tình hình đời sống nhân dân trong đại dịch Covid-19 và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác Mặt trận đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài nêu rõ, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, cố gắng, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trung ương và địa phương, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch..., trong đó có hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp, đặc biệt là hệ thống Mặt trận ở các địa phương thực hiện giãn cách lâu dài; sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp, tình hình phòng, chống dịch đã có chuyển biến tích cực.
An sinh xã hội, đời sống nhân dân ở những nơi thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội cơ bản được bảo đảm; trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Việc thành lập Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, nhập khẩu, sản xuất vaccine trong nước để tiêm phòng cho người dân với tinh thần "vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất" đang mang lại nhiều kết quả tích cực để đưa đất nước bước sang giai đoạn bình thường mới.
Với việc phát huy vai trò của các Ban công tác Mặt trận, chi hội đoàn thể và Nhân dân tại các thôn, tổ dân phố trong việc tham gia các tổ, chốt rà soát, kiểm tra, giám sát, làm tốt việc tuyên truyền đến đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Một số tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam ở các địa phương đã có cách làm sáng tạo trong tuyên truyền phòng, chống dịch và chủ động hỗ trợ người lao động tự do, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội và người có hoàn cảnh khó khăn, linh hoạt hình thức hỗ trợ với các mô hình hỗ trợ bằng ATM gạo, siêu thị 0 đồng... giúp người dân vượt qua đại dịch.
Trong đó phải kể đến, tỉnh Bình Định phối hợp triển khai phong trào "tỉnh Bình Định đoàn kết, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19"; TP Đà Nẵng triển khai “Vận động nhân dân có nhà trọ, phòng trọ đang cho thuê, giảm giá tiền cho người thuê trọ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”; tỉnh Gia Lai phát động Chương trình “7 ngày một đợt xe chở hàng” hỗ trợ thực phẩm cho công dân tỉnh tại TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai; tỉnh Tuyên Quang tổ chức phát động Chương trình "Tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch"….
Hơn 20.646,4 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch
Trong 9 tháng đầu năm 2021, Ủy ban MTTQ Việt Nam đã chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức thành viên và phối hợp với chính quyền địa phương, kịp thời hỗ trợ nhân dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Mặt trận cấp Trung ương đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tiếp nhận kinh phí ủng hộ qua nhắn tin đợt 1 số tiền 100 tỷ đồng; Hỗ trợ 1,7 triệu suất ăn (tương đương với số tiền 51 tỷ đồng) cho 17 tỉnh, thành phố phía Nam để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế, gặp khó khăn do cách ly, giãn cách xã hội mà không thuộc diện hưởng chính sách đã quy định; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức Chương trình "Triệu phần quà Đại đoàn kết tiếp sức đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch Covid-19"...
Theo tổng hợp sơ bộ của UBTƯ MTTQ Việt Nam, tính từ ngày 1/5/2021 đến ngày 14/10/2021, Trung ương các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19, tổng số kinh phí và hiện vật đã vận động được là 20.646,4 tỷ đồng; tăng thêm 134 tỷ đồng so với báo cáo ngày 8/10/2021.
Trong đó, số tiền tiếp nhận qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 11.862 tỷ đồng; tăng 131 tỷ đồng so với báo cáo ngày 8/10/2021. Qua Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 là 8.784,4 tỷ đồng; tăng 3,4 tỷ đồng so với báo cáo ngày 8/10/2021.
Từ số tiền, hiện vật tiếp nhận được đã phân bổ, hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố và chi mua vaccine phòng Covid-19 là 17.387 tỷ đồng, chiếm 84,2% so với tổng nguồn lực tiếp nhận.
Trong đó, hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã phân bổ 3.860.048 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh; tăng 397.484 phần quà so với báo cáo ngày 8/10/2021 và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch… với trị giá là 10.343 tỷ đồng.
Quỹ Vaccine phòng, chống Covid-19 cũng đã chi 7.044 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Trong bối cảnh tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tập trung giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo Hướng dẫn số 70/HD-MTTW-BTT ngày 05/8/2021 của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Từ Hướng dẫn này, MTTQ các tỉnh, thành phố như TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Thanh Hóa, Bình Dương, Hậu Giang, Trà Vinh, … tiến hành giám sát các nội dung liên quan đến thực hiện phòng, chống dịch và chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, như: giám sát việc hỗ trợ các lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; giám sát việc lập và thực hiện nhiệm vụ các chốt trực kiểm soát theo địa bàn phường, xã; giám sát việc hỗ trợ gạo và tiền từ nguồn cứu trợ; giám sát việc ung ứng hàng hóa thiết yếu; giám sát công tác lấy mẫu xét nghiệm; giám sát công tác tổ chức phân luồng chợ, phát phiếu đi chợ; giám sát công tác khai báo y tế…
Song song với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận các cấp cũng tích cực vận động nhân dân thi đua học tập, lao động sáng tạo, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh của đất nước.
Bên cạnh đó, quan tâm giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng về cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ và những nội dung nhân dân quan tâm.