3 giáo viên dạy 1 môn học: Kiểm tra, đánh giá thế nào?
Dù Bộ GDĐT đã có hướng dẫn nhưng sau hơn 1 tháng dạy học theo chương trình mới ở lớp 6, nhiều giáo viên dạy môn tích hợp vẫn đang rất vất vả trong việc triển khai dạy học, nhất là việc kiểm tra, đánh giá.
Nhiều giáo viên, nhà trường mong muốn, từ Bộ tới Sở, Phòng GDĐT có sự chỉ đạo nhất quán, thống nhất trong thực hiện môn học này.
Vừa dạy, vừa mày mò
Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới chương trình, SGK với học sinh lớp 6. Một trong những điểm khác biệt lớn rất lớn của chương trình mới so với chương trình hiện hành là sự xuất hiện của 2 môn học tích hợp của nhiều môn, gồm Khoa học tự nhiên (Vật lý - Sinh học - Hóa học) và Lịch sử & Địa lý.
Chương trình mới, SGK mới, môn học mới khiến không ít trường gặp khó khăn trong thời gian đầu triển khai. Do phần lớn giáo viên hiện nay không được đào tạo dạy tích hợp liên môn nên trước mắt để triển khai dạy học môn học này, hầu hết các trường đang phải dạy song song các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng rẽ đơn môn trước đây.
Vì thế mới có việc môn Lịch sử & Địa lý có 2 giáo viên cùng đảm nhiệm; môn Khoa học tự nhiên lớp 6 có 3 giáo viên dạy tương ứng với phân môn Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Năm học 2021-2022, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (huyện Đô Lương, Nghệ An) có 4 lớp 6 với 140 học sinh. Theo thầy Trần Hoàng Thượng, Hiệu trưởng nhà trường, hiện trường chỉ có 2 giáo viên thuộc biên chế nhà trường có bằng tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành Lịch sử - Địa lý; 1 giáo viên có thể dạy tích hợp môn Hóa học - Sinh học.
Vì vậy, để tránh tình trạng giáo viên lúng túng trong việc dạy sách giáo khoa mới, thầy Thượng cho biết, nhà trường ưu tiên bố trí đội ngũ giáo viên cốt cán cho việc dạy học lớp 6, sắp xếp thêm 2 giáo viên dạy môn Vật lý để cùng dạy môn học tích hợp này theo chủ đề. Nghĩa là, chủ đề nghiêng về môn nào thì do giáo viên môn đó dạy, các giáo viên khác hỗ trợ và ngược lại.
Theo cô Vũ Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội), nhà trường có 6 giáo viên đảm trách dạy các môn học Lý, Hóa, Sinh cho tất cả các khối lớp. Ban đầu khi triển khai chương trình mới, nhà trường rất trăn trở trong việc sắp xếp kế hoạch dạy học sao cho không tạo áp lực tăng tiết làm ảnh hưởng tới sức khoẻ giáo viên.
Thời gian đầu, trường phân chia dạy các mạch nội dung Lý-Hoá-Sinh với thời lượng 2 tiết Lý - 1 tiết Hoá - 1 tiết Sinh. Tuy nhiên, bất cập đã xảy ra khi các chủ đề môn học trong chương trình, SGK được sắp xếp theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm.
Khi trường thay đổi, quyết định sẽ "chạy" tuần tự chương trình theo sách giáo khoa thì phải đối mặt với khó khăn là có thời điểm giáo viên dạy môn khoa học tự nhiên sẽ bị tăng số tiết dạy.
Cô Lê Thị Hương đang là giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình). Vốn là giáo viên cốt cán của nhà trường nên năm học này, cô là một trong 5 giáo viên được nhà trường phân công dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên. Giáo viên dạy Hóa nhưng phải dạy cả Lý và Sinh nên theo cô Hương, các thầy cô trong tổ bộ môn đều rất vất vả.
Với các nội dung khó, ngoài việc cùng nhau trao đổi, đưa ra phương án giảng dạy, các thầy cô phải tự tìm nguồn tài liệu hướng dẫn giảng dạy từ trên mạng hay các nhà sách. Tuy nhiên cô Hương cho rằng, nội dung dạy học lớp 6 chưa đi sâu về kiến thức, giáo viên vẫn bắt nhịp được nhưng về lâu dài lên lớp lớn hơn, việc dạy tích hợp sẽ làm khó giáo viên với phần kiến thức không chuyên.
Kiểm tra, đánh giá thế nào?
Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Hữu Hiệp, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ba Đình cho biết, trước khi năm học mới bắt đầu, nhà trường đã đưa ra 3 phương án để dạy các môn học tích hợp này.
Đối với 2 phương án, giáo viên dạy song song và dạy nối tiếp các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng rẽ đơn môn trước đây như hầu hết các trường đang triển khai hiện nay, nhà trường nhận thấy 2 phương án này đều bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy.
Vì vậy, nhà trường đã mạnh dạn triển khai tổ chức dạy học theo phương án 3: 1 giáo viên đảm nhiệm dạy môn tích hợp.
Thầy Hiệp đánh giá, sau hơn 1 tháng dạy học, giáo viên đã bắt nhịp được chương trình. Tuy nhiên, thầy Hiệp cũng cho rằng, đối với môn Khoa học tự nhiên, các thầy cô tương đối vất vả. Đặc biệt, khâu khó khăn nhất là việc kiểm tra, đánh giá học sinh.
Dù chủ động trong việc triển khai dạy học các môn tích hợp nhưng thầy Hiệp bày tỏ mong muốn được Phòng, Sở GDĐT có những chỉ đạo cụ thể, rõ ràng hơn để tạo thuận lợi cho các trường và giáo viên.
Đối với các nhà trường đang thực hiện cách dạy song song các phân môn trong các môn tích hợp, việc 3 giáo viên cùng dạy 1 môn học khiến giáo viên, nhà trường lúng tung trong việc kiểm tra, đánh giá. Không ít trường vẫn không biết xoay sở ra sao cho hợp lý.
Với những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, nhiều cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, lãnh đạo phòng GDĐT đã chia sẻ mong muốn từ Bộ tới Sở, Phòng GDĐT có sự chỉ đạo nhất quán, thống nhất trong thực hiện môn học này.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng, để dạy tốt được môn học tích hợp Khoa học tự nhiên, trước hết cần nhận thức đầy đủ về môn học, từ đó có sự chỉ đạo thống nhất từ Bộ GDĐT, Sở, Phòng GDĐT, đến các hiệu trưởng và lan tỏa đến giáo viên.
Vì vậy, các trường cần tổ chức dạy học theo đúng tinh thần của môn học. Trường hợp rất đặc biệt, quá khó khăn mới dạy song song các chủ đề, nhưng phải bảo đảm tính khoa học, tính sư phạm.
Ông Độ cũng cho biết, Bộ GDĐT đã ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các môn học mới và sẽ tiếp tục có sự trao đổi, chỉ đạo để các Sở/Phòng hiểu đúng, tạo thuận lợi để nhà trường thực hiện hiệu quả.