Người tiêu dùng ‘thắt lưng buộc bụng’

QUỐC ĐỊNH 16/10/2021 06:15

Đại dịch Covid-19 làm cho không ít người lao động bị mất việc làm, giảm nhiều về thu nhập. Điều này, khiến mỗi gia đình buộc phải thay đổi hành vi tiêu dùng, chi tiêu những mặt hàng thực sự cần thiết, với giá cả phải chăng.

Tiết kiệm chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn

Anh Hồ Văn Hải (phường Bình Chiều, Thủ Đức, TP HCM) làm ở lĩnh vực xuất nhập khẩu cho một công ty ở quận Bình Thạnh. Khi chưa có dịch, công việc của công ty thuận lợi, mỗi tháng ngoài lương cơ bản 10 triệu đồng anh còn có khoản phần trăm doanh thu sản phẩm, cộng với thưởng khoảng hơn 20 triệu đồng. Tính trung bình mỗi tháng thu nhập không dưới 30 triệu đồng. Nhưng từ lúc dịch bùng phát doanh thu bị giảm hẳn, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4, công ty không thể hoạt động nên cố gắng lắm Ban giám đốc công ty mới trả cho người lao động như anh 75% khoản lương cơ bản, có nghĩa là thu nhập của anh chỉ còn 7,5 triệu đồng mỗi tháng.

Theo anh Hải, mặc dù hiện nay tình hình dịch bệnh đã lắng xuống nhưng công ty sẽ khó phục hồi nhanh. “Mấy tháng nay gia đình tôi không dám nghĩ đến chuyện mua một món hàng có giá trị cao chứ đừng nói đến hàng hoá xa xỉ. Thời gian tới, chúng tôi chỉ có cách “thắt lưng buộc bụng”, để qua giai đoạn khó khăn này” - anh Hải nói.

Còn chị Trần Thị Linh (phường Tân Bình, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) chia sẻ, chị làm nhân viên văn phòng cho một công ty chuyên về xuất khẩu lao động tại TP Thủ Dầu Một. Kể từ đầu năm 2020 (lúc bắt đầu có dịch) đến nay do hầu hết các nước đều đóng cửa không tiếp nhận lao động, nên chẳng có doanh thu. Không còn thu nhập, nhưng công ty vẫn phải “gồng gánh” trả lương cho nhân viên nên công ty dần lâm vào khó khăn. Đến đợt dịch lần thứ tư, công ty phải đóng cửa hoàn toàn.

Chị Linh cho biết đã làm việc tại công ty được 8 năm, lương và phụ cấp mỗi tháng cũng được khoảng 14 triệu đồng. Từ 3 tháng nay, do khó khăn nên công ty không thể tiếp tục trả lương. Tất cả chi tiêu chỉ dựa vào thu nhập hàng tháng của chồng nhưng lương chồng chị cũng không được như cũ (20 triệu/tháng) mà chỉ còn 12 triệu đồng do bữa làm, bữa nghỉ vì đơn hàng công ty không nhiều như trước đây.

“Tất nhiên là phải tiết kiệm hết mức, chỉ dám mua những gì cần thiết, rẻ tiền để dùng. Tôi cũng chưa biết hết đợt dịch này mình làm việc gì ở đâu nữa vì bây giờ xin một việc làm vừa ý cũng không hề đơn giản. Và mức lương nơi làm mới có thể sẽ phải tính theo khởi điểm, không được bao nhiêu nên dự báo chi tiêu gia đình sẽ còn nhiều khó khăn” - chị Linh lo lắng.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Việt Nam, kết quả đo lường về người tiêu dùng tại các thành phố lớn trên thị trường Việt Nam trong tháng 9/2021 đã chỉ rõ có hơn 50% hộ gia đình (trong số 2.000 hộ tham gia khảo sát) bày tỏ sự không ổn về tình hình tài chính gia đình, phải cắt giảm chi tiêu.

“Chỉ có 2 - 3% số hộ tham gia khảo sát nói rằng mọi thứ đều ổn. Đây là kết quả khá bất ngờ đối với những thông tin mà chúng tôi có được từ trước đến nay” - bà Nga nói.

Chú trọng đến hành vi mua sắm

Theo bà Lê Mỹ Nga, Giám đốc Công ty quản lý Quỹ Sfund, dịch Covid-19 lần này là bài học lớn dành cho những cá nhân có thu nhập không cao, không bền vững khi trước đó đã chi tiêu quá trớn, không kiểm soát. Và như hiện tại, bà Nga cho rằng người tiêu dùng sẽ phải sống khác, suy nghĩ khác, chi tiêu tiết kiệm hơn; họ sẽ dè dặt hơn trong việc mua sắm. Bên cạnh đó, những dự đoán cho thấy xu hướng các dịch vụ tiện ích, thiết kế các giải pháp công nghệ với chi phí hợp lý hơn sẽ “lên ngôi” khi nhắm đến nhu cầu từ những thay đổi về cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng sau đại dịch.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi, nếu không chuyển đổi thì có thể họ sẽ phải dừng “cuộc chơi”. Cụ thể là doanh nghiệp phải tìm ra hướng đa dạng hoá sản phẩm, thêm những sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu mới của thị trường và hành vi tiêu dùng mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, phải chuyển biến nhanh về công nghệ, chuyển đổi số và tăng tốc chuẩn hoá sản phẩm của mình theo tiêu chuẩn quốc tế, nhằm tiến ra thị trường toàn cầu.

“Cách để sống còn là doanh nghiệp phải mở rộng thị trường, chuẩn hoá sản phẩm, ứng dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu mới của người tiêu dùng. Và gần như có thể là nhiều doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hoàn toàn mô hình của mình, đa dạng hoá sản phẩm để giảm bớt rủi ro trong hành trình sắp tới” - bà Lê Mỹ Nga nhấn mạnh.

QUỐC ĐỊNH