Điều trị sốt xuất huyết tại nhà, nhiều trẻ nguy kịch
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa cho biết, chỉ trong 2 tuần qua, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận và điều trị cho 22 trường hợp trẻ sốt xuất huyết (SXH). Đáng chú ý, không ít bệnh nhi đến viện điều trị trong tình trạng nặng do cha mẹ tự điều trị tại nhà không khỏi.
Trẻ nguy kịch do người lớn chủ quan
Cụ thể, đó là trường hợp bé gái 9 tuổi, (Long Biên, Hà Nội). BS Nguyễn Trọng Dũng - Khoa Điều trị tích cực nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, một tuần trước khi nhập viện, trẻ sốt cao liên tục (39-41độ C), dùng hạ sốt không đáp ứng nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà để thăm khám và được chẩn đoán SXH. Trẻ được người nhà theo dõi sức khỏe và truyền nước tại nhà tuy nhiên đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng đau đầu, đau bụng, co giật, sốt cao liên tục, li bì. Dù đã được các bác sĩ xử trí thở máy, kiểm soát suy tuần hoàn, điều trị tăng áp lực nội sọ và cân bằng nước điện giải nhưng hiện tình trạng của bệnh nhi rất nặng, nguy cơ tử vong cao trên nền SXH.
Hai ngày sau khi bé 9 tuổi nói trên nhập viện, em trai của bệnh nhi (7 tuổi) cũng mắc SXH và được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị. Các bác sĩ cho biết, hiện tình trạng sức khỏe của bệnh nhi ổn định nhưng vẫn cần được chăm sóc và theo dõi thêm.
Một trường hợp khác đang nằm điều trị tại Khoa Nội tổng quát, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới là bé trai 13 tuổi (Hà Nội). Gia đình tự điều trị bệnh SXH cho bé tại nhà, đến ngày thứ 6 của bệnh, trẻ xuất hiện sốt cao liên tục, chảy máu cam gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương để thăm khám và điều trị. Tuy đã điều trị gần 1 tuần nhưng đến nay trẻ vẫn mệt nhiều, dưới da xuất hiện nhiều chấm xuất huyết, ăn uống kém…
Trước đó vào tháng 3/2021 đã có hai trẻ em (tại tỉnh Phú Yên) tử vong vì SXH do không được đưa tới bệnh viện điều trị kịp thời. Sở Y tế Phú Yên thông tin, các cháu là trẻ em từ 5-7 tuổi. Cả 2 cháu đều sốt ở nhà từ 3 đến 4 ngày, gia đình các cháu đều mua thuốc hạ sốt tự điều trị tại nhà. Khi bệnh tình diễn biến nặng, cả 2 gia đình mới đưa đến Trung tâm Y tế huyện để cấp cứu. Sau đó, các cháu được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên. Khi tới đây, bệnh đã diễn biến rất nặng, các cháu bị “sốc” SXH và đều tử vong trước 48 giờ.
Nguy cơ tử vong cao
Những năm gần đây, SXH vẫn là bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc cao tại Việt Nam và hằng năm ghi nhận nhiều ca tử vong do căn bệnh này gây ra. Trong số những ca tử vong vì SXH, có nhiều ca không đến viện mà tự điều trị tại nhà. Năm 2020, Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 ca mắc SXH tử vong do tự điều trị.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội tổng quát - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới cho hay, SXH là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, vì vậy cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách kiểm soát môi trường sống xung quanh trẻ: Đảm bảo sạch sẽ, tránh để những vật dụng tạo ra vùng nước đọng lại, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng và phát triển; cho trẻ mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn… Khi trẻ mắc SXH, cần cho đi khám ngay để được hướng dẫn chăm sóc và phát hiện dấu hiệu cần nhập viện
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, theo chu kỳ, cứ 2-4 năm lại có đợt bệnh SXH nặng. Bệnh phụ thuộc vào muỗi do thời tiết. Chù kỳ sốt xuất huyết Dengue phát triển tháng 6 - 7 đến tháng 11-12 ở miền Bắc, còn miền Nam diễn ra thường xuyên.
BS Thư cho biết, dấu hiệu SXH Dengue thời gian ủ bệnh 1-2 tuần, sau đó sốt cao, đau người, đau nhức hốc mắt, bắt đầu từ ngày thứ 5 trở đi bệnh nhân có dấu hiệu nặng, xuất huyết, cô đặc máu. Những ngày đầu bệnh cảnh lâm sàng giống sốt virus, vì vậy lúc thăm khám bác sĩ phải sàng lọc bệnh nhân SXH để theo dõi cho bệnh nhân. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo cô đặc máu phải cho bệnh nhân nhập viện điều trị, để tránh biến chứng nguy kịch. Đặc biệt, với trẻ em, phụ huynh cho con uống hạ sốt, thấy con vẫn chơi đùa bình thường. Khi bệnh đạt đến mức độ nặng thì dấu hiệu sốt sẽ không còn nữa nên phụ huynh cứ nghĩ con đã khỏi bệnh, tuy nhiên đây là thời điểm rất nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong.
Vì vậy, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các bậc phụ huynh nên chú ý, khi thấy con mình sốt liên tục trong nhiều ngày kèm các biểu hiện nghi SXH thì nên đưa con đi thăm khám, xét nghiệm, tránh để những đáng tiếc xảy ra. Lưu ý, với người mắc SXH rồi cũng không được chủ quan vì vẫn mắc lại, thậm chí có trường hợp mắc SXH giữa 2 lần chỉ cách nhau vài tháng.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến nhanh chóng từ giai đoạn nhẹ đến nặng qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, và giai đoạn phục hồi. Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ thường sốt cao đột ngột, liên tục. Với trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì có biểu hiện đau đầu, đau người, buồn nôn, chán ăn, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam… Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.