Quan tâm tới những dấu hiệu bất thường ở trẻ
Thống kê từ Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam chỉ ra rằng, số lượng người mắc chứng tự kỷ tại nước ta đang ngày một tăng cao. Số liệu thống kê tại một số bệnh viện đưa ra cũng cho thấy, cứ 10.000 trẻ thì có 1-5 trẻ mắc bệnh tự kỷ.
BSCKII Nguyễn Văn Sang, Phụ trách Khoa Nội nhi tổng hợp, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang cho biết: Tự kỷ hay còn gọi Chứng rối loạn sự phát triển toàn thân là sự rối loạn về nhận thức và hành vi thần kinh, thường phát hiện trong độ tuổi từ 3 - 10 tuổi và kéo dài đến suốt đời nếu không được can thiệp và điều trị phù hợp.
Từ nhiều năm nay, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã và đang điều trị cho hàng nghìn trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ. Thời điểm hiện tại, mỗi tháng khu điều trị trẻ tự kỷ của bệnh viện đón từ 40-50 trẻ. Cùng thời điểm này cách đây 2 năm, số lượng chỉ là 20-30 bé 1 tháng.
“Một thực tế chung, đa số các bậc phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã rơi vào tâm trạng tuyệt vọng. Các bậc cha mẹ thường có xu hướng đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con dẫn đến việc con bị tự kỷ” - BS Sang thông tin.
Chị Nguyễn Thị H. (35 tuổi, trú tại xã Dĩnh Trì, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cho biết: Hồi nhỏ gia đình chủ quan để bé tiếp xúc quá sớm với điện thoại, tivi, hầu như cả ngày bé chỉ thích ngồi xem điện thoại, không chịu nói chuyện với mọi người nên dần dần mất luôn khả năng giao tiếp. Từ khi được 27 tháng tuổi là cha mẹ ông bà hỏi gì bé cũng không chịu nói, không nhìn vào mắt người đối diện, chỉ đòi xem điện thoại. Càng ngày, tình trạng của bé lại thêm phần nặng hơn, xuất hiện dấu hiệu đập đầu vào tường và cắn tay bố mẹ đến chảy máu khi không được theo ý. Khi được các bác sĩ chẩn đoán con mắc chứng tự kỷ, gia đình tôi gần như không còn biết phải làm gì, chúng tôi bế tắc. May mắn, sau một thời gian được các bác sĩ tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang điều trị, tình trạng bé đã có nhiều cải thiện.
TS. BSCKII Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, trẻ tự kỷ thường có các biểu hiện rất sớm, nên bậc phụ huynh cần theo dõi các biến đổi của trẻ để có hướng xử lý sớm.
Về cảm xúc, trẻ không giao tiếp bằng mắt với mẹ ngay từ khi còn nhỏ, không nhìn thẳng người đối diện hoặc nhìn như không có ai ở đó, lơ đễnh, không phân biệt được người lạ, người quen; không bày tỏ yêu thương, quyến luyến với mẹ. Về ngôn ngữ, trẻ nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, nhại lời người khác, nói lẩm bẩm một mình, có khi phát âm những âm vô nghĩa, lặp đi lặp lại. Không biết bắt chước người lớn để làm theo, nói theo; khi có nhu cầu bé không biết làm cho người lớn hiểu mình cần gì; phải gợi ý hướng dẫn nhiều lần bé mới có thể làm theo. Về hành vi, trẻ chỉ thích chơi với một thứ, quan tâm đến chi tiết hơn là cách sử dụng đồ chơi thế nào (ví dụ trẻ chỉ xoay tròn chiếc bánh xe chứ không để xe chạy dưới sàn). Trẻ rất ghét sự thay đổi, giận dữ hay rất hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà thay đổi, mẹ thay đổi kiểu tóc….
Trẻ có thể không ngủ vào ban đêm nhưng ngày vẫn dồi dào sinh lực. Trẻ không biết sợ hãi khi gặp nguy hiểm, tự gây thương tích cho mình, đánh vào đầu, cào cấu, nhổ tóc. Những trẻ bị tự kỷ có thể có những vận động bất thường như chậm đi do giảm trương lực cơ. Cử động bất thường như nhăn nhó mặt, xua tay, lắc lư, đập đầu…
“Các dấu hiệu này nếu rõ ràng và lặp lại một cách thường xuyên thì nên đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn và cho hướng điều trị. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần sẽ là người trực tiếp thăm khám và chẩn đoán cho trẻ. Bên cạnh đó là những nhà tâm lý học, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và giáo viên giáo dục đặc biệt sẽ đánh giá trẻ” - BS Dũng đưa ra lời khuyên.