Ngân hàng lo nợ xấu

H.Hương 16/10/2021 07:30

Dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay sẽ ở mức xấp xỉ 8% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận, dịch bệnh khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, các doanh nghiệp không có dòng tiền, không thể trả nợ, vì vậy nợ xấu nền kinh tế phát sinh là điều tất yếu.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021 dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp (DN) trong nước đã khiến nợ xấu bật tăng trở lại cũng như tái cơ cấu hệ thống gặp khó khăn.

Mặc dù báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay vẫn rất tích cực, song ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính của các nhà băng. Việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ làm tăng áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nên nợ xấu có thể sẽ tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý.

NHNN đánh giá độ trễ của tác động từ dịch sẽ còn tác động cả sang năm 2022. Do đó, ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn, xu hướng nợ xấu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. NHNN dự kiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay sẽ ở mức xấp xỉ 8% khi các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.

Thực tế, nhìn vào báo cáo tài chính quý II của gần 30 ngân hàng với tổng số dư nợ xấu đến thời điểm ngày 30/6/2021 đã tăng 4,5% so với cuối năm trước, lên gần 125.000 tỷ đồng, cũng là vấn đề lo lắng. “Chúng tôi thấy điều này ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe hệ thống ngân hàng, khi các nhà băng vừa đáp ứng vốn cho nền kinh tế đồng thời phải có các biện pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe của toàn hệ thống” - Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh nói.

TS Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, NHNN đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ DN, trong đó phải kể đến Thông tư 01 và các Thông tư 03, Thông tư 14 về cơ cấu nợ, miễn giảm lãi suất, phí cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng cũng đã nỗ lực kinh doanh, tăng thu từ dịch vụ để tăng lợi nhuận…Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu… cũng đã giúp các ngân hàng đẩy nhanh xử lý nợ xấu, qua đó tăng lợi nhuận, giúp tổ chức tín dụng có nguồn lực để hỗ trợ DN thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng, bản thân các tổ chức tín dụng cũng là DN, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng phải dùng lợi nhuận của chính mình để chia sẻ với DN. Những khoản nợ dù đã được cơ cấu lại nhưng bản chất nền tảng vẫn là nợ xấu.

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc giãn cách xã hội đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của DN, nhất là ở những khu vực tập trung các khu công nghiệp lớn. Sản xuất, kinh doanh của DN gặp khó sẽ tác động khiến tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng tăng trong thời gian tới.

Được biết NHNN đang theo dõi sát để đánh giá mức độ tác động của dịch Covid-19 tới nợ xấu của từng ngân hàng cũng như toàn bộ hệ thống. Cơ quan này cũng đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm cả xử lý nợ xấu để trình Chính phủ thông qua.

Trước mắt, NHNN yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.

H.Hương