TP HCM cơ bản kiểm soát dịch, miễn dịch cộng đồng một phần
Sáng 16/10, UBND TP HCM tổ chức hội thảo khoa học Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022 – 2025. Tại đây, các nhà khoa học cho rằng, muốn phát triển kinh tế thì phải sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19 và miễn dịch cộng đồng.
Về vấn đề TP HCM có miễn dịch cộng đồng chưa, PGS.TS. Đỗ Hùng Dũng, Đại học Y dược TP HCM khẳng định, thành phố có thể sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19. Lý do, thành phố đã đạt miễn dịch cộng đồng một phần. Cụ thể, 100% người dân đã được tiêm ngừa vaccine, 72% được tiêm đủ mũi 2 vaccine Covid-19.
Vị này kiến nghị, không cần cách ly F1 khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, đồng thời đánh giá mức độ miễn dịch ở người lớn tuổi để thực hiện các mũi tăng cường khi cần thiết. Miễn dịch cộng đồng một phần có nghĩa là ngoại trừ những người đã tiêm vaccine sẽ được bảo vệ. Những người chưa tiêm vaccine cũng được bảo vệ một phần do giảm nguy cơ bị lây nhiễm từ những người xung quanh, mà đa số những người này đã được chích ngừa.
“Miễn dịch cộng đồng một phần làm giảm tỉ lệ lây nhiễm trong Covid-19 trong cộng đồng và góp phần giảm số ca mắc mới. Tuy nhiên do miễn dịch cộng đồng này là không hoàn toàn nên người không tiêm ngừa vẫn còn khả năng mắc bệnh, dịch vẫn còn có khả năng gia tăng. Chỉ khi nào tỉ lệ có miễn dịch do tiêm chủng cao trên một mức nào đó, vượt qua ngưỡng miễn dịch cộng đồng thì chúng ta mới hoàn toàn yên tâm về nguy cơ bùng phát dịch”, ông Dũng cảnh báo.
Vị chuyên gia này cho rằng, theo quan điểm của một người làm trong ngành y tế thì muốn sống chung an toàn và bền vững với Covid-19 thì phải có được miễn dịch cộng đồng. Muốn duy trì miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với Covid-19.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM nhận định, thành phố đã cơ bản kiểm soát dịch nhưng tình hình vẫn đang phức tạp. Thành phố phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn. Thời gian tới TP HCM tiếp tục phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế.
Theo thống kê, từ nửa cuối tháng 4 đến khoảng cuối tháng 9, tình hình diễn tiến của dịch phức tạp do sự xuất hiện của các biến chủng virus mới khiến các biện pháp phòng chống dịch trở nên ít hiệu quả. Số người mắc và số người chết do Covid-19 gia tăng.
Để kéo giảm số nhiễm mới, ca nặng, tỷ lệ tử vong do Covid-19 thành phố xây dựng các trạm y tế lưu động và tổ chăm sóc F0 tại nhà; xây dựng các bệnh viện dã chiến cùng tăng số giường có trang bị oxy trị liệu và các túi thuốc chăm sóc F0 tại nhà cùng với những can thiệp về giãn cách xã hội, xét nghiệm tìm ca bệnh đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của dịch.
Từ ngày 23/8 đến nay, số ca tử vong do Covid-19 giảm dần nhanh hơn mức độ giảm của số ca mắc. Điều này đã chứng tỏ vai trò của vaccine trong giảm số mắc, chuyển sang sống chung an toàn với dịch bệnh.