Du lịch lấy đà để tăng tốc

Nhóm Phóng viên 17/10/2021 06:54

Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành du lịch bị tổn thất nặng nề. Nhưng trong tuần qua, ngành du lịch và lữ hành đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt tour tuyến được nối lại.

Theo đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình đã đón 2 chuyến bay với gần 100 khách. Tương tự, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đón những đoàn khách đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng sau hơn 4 tháng tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ngày 16/10, UBND TP Đà Nẵng cũng đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép TP Đà Nẵng đón khách quốc tế vào tháng 11/2021. Đó thực sự là những tín hiệu vui, để du lịch Việt lấy đà tăng tốc.

Nghị quyết 128 của Chính phủ về việc Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, áp dụng thống nhất trong toàn quốc, hướng tới việc giúp người dân trở lại với điều kiện bình thường mới trong đi lại, liên thông giữa các tỉnh, đồng thời tạo cơ hội cho các địa phương khi đã kiểm soát được dịch bệnh có thể mở cửa để phục hồi kinh tế - xã hội.

Bỏ qua một số bỡ ngỡ ban đầu khi “mỗi địa phương áp dụng một cách”, sau gần 1 tuần thực hiện, đã có thể ghi nhận sự chuyển mình, thích ứng. Những điều chỉnh của Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi Bến Tre… trong mấy ngày vừa qua, cho thấy những cố gắng nhất định. Trong đó, phục hồi ngành du lịch và lữ hành đang được nhiều địa phương quan tâm. Nhưng liệu từ giờ tới cuối năm, du lịch có kịp làm cuộc “bứt tốc” trong “luồng xanh” để gặt hái “mùa vàng”?

Việc mở cửa du lịch trở lại đang là mong mỏi không chỉ ngành du lịch mà của chính du khách khi gần 6 tháng qua hoạt động du lịch rơi vào trạng thái “đóng băng”. Tuy nhiên, yếu tố an toàn đang được rất nhiều người quan tâm. Còn từ phía các công ty du lịch, lữ hành, nhiều ý kiến mong muốn cần có sự thống nhất về tiêu chí giữa các tỉnh, thành. Cụ thể, cần làm rõ các tiêu chí cho phép đưa, đón khách, khoanh vùng xanh, vùng đỏ. Đặc biệt, cần lập bản đồ vùng an toàn cho du lịch để các đơn vị thuận tiện trong việc đưa khách, xây dựng tour khép kín và có chính sách kiểm soát tour phù hợp với tình hình, diễn biến dịch của các địa phương. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa có sự thống nhất về tiêu chí, điều kiện đón khách an toàn.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Vietrantour mong muốn các địa phương đồng hành cùng doanh nghiệp để lựa chọn những điểm đến tốt, tạo an toàn cho hoạt động du lịch. Các địa phương cần công khai, minh bạch những cơ sở kinh doanh dịch vụ, điểm đến đủ điều kiện đón khách.

Từng bước “kích cầu”

Cùng với nhiều ngành kinh tế khác, trong năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021, du lịch bị tổn thất nặng nề. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, du lịch đã “chạm đáy” và rất khó để phục hồi trong ngắn hạn.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, dựa trên cơ sở khảo sát dễ thấy du lịch của chúng ta đã khó khăn lại càng khó khăn. Năm 2020, lượng khách quốc tế giảm 80% mà trước đó nhờ lượng khách quốc tế này đưa vị thế du lịch Việt Nam lên top đầu của châu Á.

Năm 2021, chúng ta giảm đến 90% khách du lịch quốc tế (10% là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao). Về khách nội địa, năm 2020 có 85 triệu lượt khách nhưng sang năm 2021 chúng ta hầu như đóng băng.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cũng thừa nhận, trong 2 năm qua, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam đều sụt giảm nghiêm trọng. Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Hiện nay, lượng doanh nghiệp xin thu hồi giấy phép kinh doanh lữ hành trên 30% tổng số doanh nghiệp đã được cấp phép, chỉ còn khoảng 2.000 doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trên toàn quốc, trong đó rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang đóng cửa hoặc dừng hoạt động.

Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh lưu trú du lịch - lĩnh vực chiếm đến 46% trong cơ cấu doanh thu của ngành du lịch Việt Nam cũng đang phải đóng cửa khoảng 90% và hầu như không có khách trừ các cơ sở đón khách cách ly.

Từ những con số này, phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh của ngành du lịch, lữ hành Việt Nam sau gần 2 năm xuất hiện dịch Covid-19. Chính vì thế, phục hồi kinh tế nói chung, phục hồi du lịch nói riêng, sớm được ngày nào là mừng ngày đó.

Tuần qua, ngành du lịch và lữ hành đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc với hàng loạt tour tuyến được mở lại, trong đó có những địa phương đang cầm giữ cả “kho vàng” trong tay nhưng lâu nay phải “án binh bất động” để phòng, chống dịch như Khánh Hòa, Quảng Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu… Đó thật sự là những tín hiệu vui.

Có thể nói, ngày 15/10 là một dấu mốc đối với ngành du lịch của nhiều tỉnh, thành phố khi cùng lúc đón những đoàn khách du lịch đầu tiên. Đây là sự kiện đánh dấu bước trở lại của ngành du lịch trong bối cảnh thích ứng với đại dịch Covid-19.

Theo đó, Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phối hợp Cảng hàng không Đồng Hới và Công ty TNHH MTV Chua Me Đất (Oxalis Adventure) tổ chức đón đoàn khách nội địa đầu tiên đến từ TP HCM trên chuyến bay VN1400 của Vietnam Airlines.

Đoàn khách gồm có 6 người đến du lịch, tham quan Quảng Bình theo chương trình trọn gói đã được UBND tỉnh Quảng Bình cho phép, với lộ trình 3 ngày 2 đêm lưu trú, trải nghiệm các dịch vụ tại Chày Lập Farmstay, chèo kayak, đạp xe khám phá thôn quê Chày Lập. Họ còn dành một ngày để khám phá Hang Tiên thuộc hệ thống hang động Tú Làn.

Cũng trong ngày 15/10, Quảng Bình đón 2 chuyến bay với gần 100 khách và đã thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Khách du lịch đi trên các chuyến bay tự theo dõi sức khỏe theo quy định và không phải thực hiện cách ly. Đoàn khách tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã hết bệnh Covid-19. Khách có phiếu xét nghiệm Covid-19 tại TP HCM và tỉnh Quảng Bình không yêu cầu xét nghiệm khi đến địa bàn.

Tương tự, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã phối hợp với huyện Xuyên Mộc cùng 2 doanh nghiệp đón những đoàn khách đầu tiên đến tham quan, nghỉ dưỡng sau hơn 4 tháng tạm nghỉ do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ông Dương Phú Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nova Dreams (Tập đoàn Novaland) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui, giống như hồi sinh vì được tái khởi động quy trình đón khách. Với mong muốn khôi phục lại nền kinh tế xanh, chúng tôi đề xuất chính quyền tạo điều kiện để người dân đi lại thuận lợi, từ đó người dân sẽ có tâm lý sẵn sàng đi du lịch”.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho biết, việc thí điểm đón khách là sự kiện đánh dấu bước trở lại của ngành du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu trong bối cảnh thích ứng với đại dịch Covid-19.

Tới đây, ngành du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ thúc đẩy chương trình kích cầu với các hoạt động tổ chức Sàn thương mại điện tử và Hội chợ du lịch trực tuyến; bán đồng giá hạng cơ sở lưu trú và sử dụng dịch vụ nơi này nhận phiếu ưu đãi nơi khác trong chuỗi liên kết trao đổi lẫn nhau giữa dịch vụ lưu trú - ăn uống - vui chơi, giúp du khách sử dụng dịch vụ chất lượng, uy tín, chi phí tiết kiệm; tổ chức Festival “Ẩm thực và Du lịch” nhằm quảng bá du lịch và văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Nhiều sản phẩm du lịch đã được chuẩn bị để đón du khách trong điều kiện “bình thường mới”.

Đề xuất đón khách quốc tế theo mô hình “Nha Trang 7+”

Triển khai kế hoạch đón khách du lịch thích ứng an toàn với dịch Covid-19 của UBND tỉnh Khánh Hòa, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Anex Việt Nam (có trụ sở chính tại Nha Trang) đề xuất phương án đón du khách Nga theo mô hình “Nha Trang 7+” từ đầu tháng 12 tới.

Theo đó, khi nhập cảnh Khánh Hòa, khách ở 7 ngày trong các khu nghỉ dưỡng ở Bãi Dài (huyện Cam Lâm). Sau 7 ngày, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, khách được tham quan, ăn uống, mua sắm ở các địa điểm riêng biệt. Tiếp đó sau ngày thứ 7, khách có thể đổi cơ sở lưu trú ban đầu sang khách sạn/khu nghỉ dưỡng có vị trí biệt lập ở đảo Hòn Tre, Hòn Tằm (TP Nha Trang), Dốc Lết (thị xã Ninh Hòa)…

Điều kiện du khách Nga đến Khánh Hòa: Có hộ chiếu vaccine; mua bảo hiểm du lịch có điều khoản cam kết chi trả toàn phần chi phí điều trị y tế Covid-19; có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trước khi xuất cảnh và thực hiện test nhanh ngay sau khi nhập cảnh.

Được biết, UBND tỉnh Khánh Hòa ủng hộ đề xuất đón khách Nga theo mô hình “Nha Trang 7+” của Công ty Anex Việt Nam cũng như đề xuất của một số đơn vị khác. Tuy nhiên, vấn đề này phải được Bộ VHTTDL và Thủ tướng Chính phủ đồng ý.

Du lịch phải tự làm mới

Sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, tâm lý chung của người dân là muốn được trở lại “bình thường mới”, được đi đó, đi đây.

Đặc biệt, khi Nghị quyết 128 của Chính phủ có hiệu lực, đã khiến ngay cả một số lãnh đạo tỉnh, thành, hoặc các địa phương có ý áp dụng “biện pháp riêng” để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho địa phương mình cũng phải áp dụng chính sách chung. Vì thế, khi các phương tiện hàng không, đường sắt, đường bộ đã hoạt động trở lại, cũng là lúc nhiều người có nhu cầu đi du lịch.

Đón đầu và đáp ứng xu hướng này, nhiều tỉnh thành đã phối hợp với các công ty du lịch và lữ hành đưa ra nhiều sản phẩm du lịch khép kín.

Theo đó, một nhóm khách sẽ đi du lịch, nghỉ dưỡng theo một số điểm đến nhất định. Hiện, nhiều du khách hướng tới các địa điểm du lịch có bãi biển, hoặc thích tới các vùng rừng núi Tây Bắc ngắm mùa lúa chín.

Thực tế, thời gian qua, một vài công ty du lịch đã nắm bắt xu hướng này, mở các tour du lịch khám phá Hà Nội bằng xe đạp, xe máy, hoặc ô tô cá nhân để phục vụ cả khách nội địa và quốc tế.

Hiện trang Amica Travel giới thiệu tour du lịch bằng xe đạp khám phá Ninh Bình - Nam Định; Piềng Vế (tỉnh Hòa Bình) - Pù Luông (tỉnh Thanh Hóa) với giá từ hơn 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng.

Một số chuyên gia cho rằng, hình thức du lịch bằng phương tiện riêng giúp du khách sử dụng xe cá nhân nhưng vẫn tổ chức được thành đoàn theo lịch trình được thiết kế, bảo đảm khép kín và giãn cách.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, qua khảo sát sơ bộ, tâm lý người đi du lịch có sự thay đổi. Nếu trước đây, khách đi theo nhóm đông thì nay đi theo nhóm nhỏ, gia đình.

Xuất phát từ sự thay đổi này, Bộ đang đề nghị các tỉnh, thành phố cố gắng làm mới, khu trú lại sản phẩm du lịch địa phương theo tinh thần mỗi tỉnh phải có một sản phẩm du lịch tiêu biểu và kết nối an toàn cho du khách lựa chọn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu của khách sau đại dịch: Nhóm nhỏ, an toàn, trọn gói; hướng về di tích, danh lam.

Từ phía địa phương, ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Giang cho biết, Hà Giang là một trong những tỉnh kiểm soát tốt dịch Covid-19. Tỉnh vận động các cơ sở du lịch rà soát, chuyển đổi dịch vụ phục vụ khách, tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; phối hợp với các hiệp hội, địa phương kiểm soát các cơ sở du lịch, đối chiếu với tiêu chuẩn để đảm bảo điều kiện đón khách.

Tỉnh cam kết đồng hành với các Hiệp hội du lịch cả nước cũng như Hà Nội cùng các doanh nghiệp để đón khách với mục tiêu an toàn cho khách và cộng đồng địa phương.

Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa thể mở cửa đón khách. Đơn cử như đến ngày 16/10, tỉnh Khánh Hòa mới chỉ cho phép người dân đi tập thể dục, tắm biển và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao… chứ chưa mở đón khách du lịch.

Được biết, hiện Khánh Hòa đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch; tỉ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19 đạt trên 97%, tỉ lệ người dân tiêm đủ hai mũi vaccine đạt 35%.

Hình thức du lịch khép kín, theo nhóm nhỏ được nhiều du khách quan tâm, lựa chọn. Trong ảnh, Tour du lịch đạp xe khám phá bãi giữa sông Hồng và một số di tích của Hà Nội.

Đà Nẵng xin phép thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11

Ngày 16/10, UBND TP Đà Nẵng có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép TP Đà Nẵng đón khách quốc tế vào tháng 11/2021. Theo đó, để từng bước khôi phục kinh tế, TP Đà Nẵng xin phép Chính phủ cho địa phương thực hiện phương án thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11/2021 với 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1, TP Đà Nẵng đón khách quốc tế và Việt kiều theo mục đích thương mại, công vụ, hồi hương, thăm thân... cách ly tập trung 7 ngày tại khách sạn có thu phí, sau đó cách ly tại nhà 7 ngày. Mặt khác, địa phương sẽ đón khách quốc tế mục đích du lịch theo tour/combo trọn gói khép kín tham quan du lịch Đà Nẵng, Hội An (nếu có), trước mắt tập trung thị trường trọng điểm Hàn Quốc, Nga... Công ty lữ hành quốc tế bảo lãnh và quản lý khi khách nhập cảnh vào Việt Nam. Tour/combo trọn gói có thể là tour nghỉ dưỡng hoặc kết hợp chơi golf, vui chơi giải trí... Dự kiến 15.000 - 20.000 lượt khách/1 tháng.

Giai đoạn 2, Chính phủ cho phép khôi phục lại các đường bay quốc tế kèm các điều kiện phòng chống dịch theo quy định của Chính phủ, TP Đà Nẵng.

Ông Trần Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho rằng, TP Đà Nẵng vốn là địa phương phát triển về du lịch, có vai trò trung tâm của miền Trung - Tây Nguyên, trung tâm du lịch của cả nước nên việc mở cửa, kết nối các hoạt động du lịch là cần thiết sau khi kiểm soát dịch và bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả.

Hay như Hà Nội cũng vậy. Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, việc tiêm vaccine diện rộng sẽ giúp quá trình đi lại dễ dàng hơn nhưng muốn thúc đẩy hoạt động du lịch lúc này công tác kết nối cần an toàn.

Hiện tại, Hội Lữ hành Hà Nội tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố là những trung tâm du lịch lớn để đưa ra những giải pháp hiệu quả trong việc đưa đón, phục vụ khách an toàn.

Trước mắt, những khu vực như Đông -Tây Bắc, một số tỉnh lân cận Hà Nội như Quảng Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa… có thể được xem là những vùng xanh du lịch, có thể thực hiện các chuyến khảo sát thí điểm trước khi đưa đón khách.

Một tín hiệu tốt là nhiều địa phương như Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Giang, Thanh Hóa, Quảng Bình… đã có kế hoạch cho phép hoạt động du lịch nội tỉnh và mở rộng đón khách ngoại tỉnh từ tháng 11/2021.

Hội Lữ hành Hà Nội cho hay, sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh, thành phố để làm rõ hơn các vùng xanh an toàn, những tiêu chí và điều kiện đón khách để từ cuối tháng 10 có thể thực hiện ngay chuyến khảo sát thí điểm trước khi khởi động.

Tăng tốc trong an toàn

Cũng trong tuần qua, làm việc với lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, một số cục, vụ của Bộ VHTTDL, Bộ Y tế về phương án khởi động lại các hoạt động du lịch trong tương lai, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh các phương án từng bước mở lại các hoạt động du lịch phải theo đúng tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo Phó Thủ tướng, rủi ro dịch bệnh của ngành du lịch là tần suất người di chuyển rất cao, phạm vi rộng, vì vậy, Bộ VHTTDL phải ban hành ngay hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong hoạt động du lịch rất cụ thể, chi tiết như: Phương thức vận tải; điều kiện hoạt động trong các khu tham quan, cơ sở lưu trú, dịch vụ; phương thức xét nghiệm; hợp đồng với các cơ sở y tế để giám sát, xử lý ngay khi phát hiện ca nhiễm nhanh nhất, gọn nhất…

Các hiệp hội du lịch cần có quy định đồng bộ với hướng dẫn của Bộ, khuyến khích doanh nghiệp thành viên thực hiện để hoạt động trở lại từng bước chắc chắn, an toàn.

“Tất cả các hoạt động du lịch từ đi lại, lưu trú, dịch vụ, ăn uống… phải tuân thủ đúng 5K, nhất là đeo khẩu trang, giữ đúng khoảng cách”, Phó Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh: “Cùng với các ngành kinh tế khác, ngành du lịch cần khẩn trương khôi phục lại hoạt động từng bước an toàn, chắc chắn”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: 4 định hướng của ngành du lịch trong thời gian tới

Bộ VHTTDL đã có định hướng đốc thúc triển khai linh hoạt, thích ứng, tập trung nguồn lực huy động xây dựng kịch bản khởi động lại hoạt động du lịch.

Đầu tiên là định hướng ưu tiên du lịch nội địa, coi là cơ sở phát triển lại du lịch. Theo đó, xem xét khảo sát đúng thực trạng nhu cầu mong muốn của khách du lịch. Cùng địa phương thiết kế lại sản phẩm du lịch mang đặc trưng và phù hợp với tình hình. Chính phủ yêu cầu phải an toàn và chuyển biến linh hoạt. Khởi động lại du lịch theo hướng xanh và an toàn, sản phẩm du lịch trọn gói trên cơ sở nhu cầu của khách, hướng đến gần gũi thiên nhiên, văn hóa vùng miền, tập trung các tỉnh, địa bàn đang xanh.

Thứ hai, đồng hành cùng doanh nghiệp, có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có chính sách cụ thể mà Chính phủ đã ban hành. Ví dụ, giảm tiền ký quỹ, gói tín dụng trong tổng thể chung doanh nghiệp để doanh nghiệp du lịch tiếp cận chung với nguồn lực này.

Thứ ba, cùng doanh nghiệp xem xét ổn định nguồn nhân lực lao động để không bị đứt gãy; tổ chức tập huấn, đào tạo...

Thứ tư là số hóa, ứng dụng công nghệ. Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc. Cần xây dựng app cung cấp dịch vụ cho du khách lựa chọn thay vì phải tìm đến doanh nghiệp lữ hành thì họ tự tìm đến trên không gian số. Đây là hướng đi trong tương lai.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình: 3 năm nữa hình ảnh của ngành du lịch sẽ thay đổi

Thời điểm hiện tại cần tập trung vào du lịch nội địa. An toàn phải trở thành tiêu chí cơ bản đối với hoạt động du lịch. Kết nối du khách từ “vùng xanh” tới “điểm đến xanh”.

Nghị quyết 128 của Chính phủ đã quy định rất rõ mức độ nguy cơ thành 4 vùng, các địa phương cần cập nhật các vùng, khu vực, điểm đến an toàn để làm căn cứ triển khai các hoạt động du lịch. Những điểm đến đã an toàn cần cho phép mở lại các hoạt động dịch vụ, văn hoá ở mức độ phù hợp, có kiểm soát.

Theo dự báo của chúng tôi, sẽ có ít nhất 30% doanh nghiệp du lịch bị giải thể và dừng hoạt động, tuy nhiên điều đó cũng không đáng lo ngại, do dự báo cũng có khoảng 30% doanh nghiệp mới xuất hiện dựa trên sự nhận thức về các thay đổi và biến chuyển, và chớp lấy cơ hội mới.

Covid-19 tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch triển khai các sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ, các loại hình du lịch truyền thống sẽ không còn phù hợp. Bên cạnh đó là những doanh nghiệp du lịch lớn cũng đang âm thầm chuyển đổi, đổi mới công nghệ.

Chúng tôi tin rằng trong 3 năm nữa hình ảnh của ngành du lịch sẽ thay đổi. Theo đó, xu thế này cũng sẽ phát triển ở Việt Nam, mà các loại hình du lịch mới sẽ phát triển ở Việt Nam.

Thúy Hà (ghi)

Nhóm Phóng viên