Làn sóng di cư và những đứa trẻ ‘tương lai không được bảo hiểm’
Thông tin từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), ước tính đã có gần 19.000 trẻ em di cư vượt biên giới giữa Colombia và Panama qua rừng nhiệt đới Darien. Hàng chục nghìn đứa trẻ đã băng qua rừng thiêng nước độc để đi tìm tương lai, dù phía trước là khoảng tối mịt mù.
Thông cáo của UNICEF cho biết, trẻ em chiếm ít nhất 1/5 số người di cư băng rừng Darien và một nửa trong số đó là trẻ dưới 5 tuổi. Cuộc sống khó khăn nơi quê nhà do dịch Covid-19, thảm họa thiên tai và bất ổn được cho là những nguyên nhân chính dẫn tới những cuộc di cư không mong muốn này. Cùng đó, đại dịch Covid-19 cũng đã để lại trên Trái đất này nhiều đứa trẻ mồ côi.
Theo UNICEF, nhiều phụ nữ mang thai, hầu hết là người Haiti, sẵn sàng vượt qua hành trình dài đầy nguy hiểm chết người để đến được Mỹ hoặc Canada nhằm tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn. Trong hành trình kéo dài hơn một tuần, cả trẻ em lẫn người trưởng thành phải đối mặt với sự khắc nghiệt của rừng rậm, bao gồm côn trùng, động vật hoang dã, thiếu nước sinh hoạt và lũ quét cũng như các nhóm tội phạm nguy hiểm.
Dù mới chỉ đến được Panama, những đứa trẻ băng rừng kia đã bị mắc các bệnh về đường tiêu hóa do uống nước bẩn, hoặc mắc bệnh về đường hô hấp sau nhiều ngày sống trong rừng rậm ẩm ướt, ngủ ngoài trời và băng sông.
Làn sóng di cư mới tại Âu - Mỹ
Cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ Latinh và những hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 67.100 người, đa số là người Haiti, vượt rừng rậm Darien để “thoát khỏi quê nhà”. Giám đốc UNICEF khu vực Mỹ Latinh và Caribbean Jean Gough nhấn mạnh, việc số lượng trẻ em di cư từ Nam Mỹ lên phía Bắc gia tăng nhanh chóng phải được xem là một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng đối với toàn khu vực, chứ không chỉ Panama.
Trong khi đó, các quốc gia có số người nhập cư nhiều đã phải áp dụng các biện pháp để giải quyết vấn đề. Đại sứ Mỹ tại Mexico, ông Ken Salazar nhấn mạnh, dòng người di cư từ Haiti là vấn đề “rất quan trọng” đối với cả Mỹ và Mexico, đồng thời cho rằng hai bên cần phải dẫn đầu tiến trình tìm kiếm giải pháp dành cho vấn đề này.
“Những người di cư Haiti băng qua rừng rậm Darien Gap gần Acandi, Colombia để tới Panama, trên hành trình tới Mỹ. Chỉ với dao rựa, đèn và lều, họ phải đi bộ ít nhất 5 ngày qua rừng Darien, chiến đấu với rắn, khe núi dốc, dòng sông chảy xiết, những trận mưa. Họ cần phải được trợ giúp trước khi có được một giải pháp toàn diện” - Marine Landoff, nhân viên cứu trợ Mexico nói.
Nhưng, cũng không chỉ ở châu Mỹ, châu Âu cũng chứng kiến làn sóng di cư mới.
Hồi giữa tháng 10, Bộ Nội vụ Anh thông báo, chỉ trong 2 ngày giới chức nước này đã cứu hoặc chặn tổng cộng 1.115 người di cư tìm cách vượt eo biển Manche từ Pháp sang Anh. Họ tìm cách vượt eo biển Manche trên những chiếc tàu nhỏ từ Pháp sang Anh đã làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nước láng giềng sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 9/10, giới chức Anh cho biết đã thực hiện 17 chiến dịch và giải cứu 491 người di cư. Trước đó, trong ngày 8/10, có 624 người di cư cũng đã được giải cứu trong 23 chiến dịch. Trong khi đó, giới chức Pháp cũng thông báo ngăn chặn 414 người di cư tìm cách tới Anh trong 2 ngày này. Phụ trách đội chuyên trách ngăn chặn người di cư đến Anh của Bộ Nội vụ nước này, ông Dan O’Mahoney, khẳng định chính phủ Anh quyết ngăn chặn tình trạng gia tăng các vụ vượt eo biển Manche một cách nguy hiểm.
Theo thống kê của hãng tin PA (Anh), từ đầu năm 2021 đến nay có hơn 17.000 người di cư tìm cách vượt eo biển Manche tới Anh, tăng hơn gấp đôi con số ghi nhận trong cả năm 2020.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin kêu gọi triển khai tiến trình đàm phán về hiệp ước di cư giữa EU và Anh và hối thúc London “giữ vững cam kết” tài trợ giải quyết vấn đề người di cư bất hợp pháp, vốn tập trung ở bờ biển phía Bắc nước Pháp để tìm đường vượt qua eo biển Manche vào Anh. Dự kiến, Paris sẽ nêu đề xuất đàm phán với Anh khi đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên EU vào tháng 1/2022.
Cũng liên quan vấn đề di cư ở châu Âu, Bộ trưởng An ninh Hy Lạp Takis Theodorikakos cho biết nước này đã triển khai bổ sung 250 lính biên phòng ở khu vực biên giới trên bộ với Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là khu vực mà hàng nghìn người di cư từng cố gắng vượt biên từ Thổ Nhĩ Kỳ để sang Hy Lạp.
Những đứa trẻ mồ côi và “câu chuyện phía trước”
Trong lúc dòng người di cư vẫn lan rộng, thì truyền thông quốc tế cũng bày tỏ lo ngại trước tình hình trẻ mồ côi do Covid-19, mà cuộc sống của chúng vô cùng khó khăn. Tại Ấn Độ, có tới hơn 101.000 trẻ em đã mất cha mẹ và nhiều gia đình khác rơi vào cảnh khốn khó do đại dịch Covid-19.
Mô tả của Channel, vài tháng trước, cha của bé Shahbuddin (10 tuổi) ở bang Bihar, miền đông Ấn Độ qua đời. Em phải trở thành trụ cột trong gia đình vì là người con lớn nhất trong 7 anh chị em. Gia đình em không có ruộng và cũng không có họ hàng để nhờ giúp đỡ.
Một người quen trong làng đã thừa cơ dụ dỗ Shahbuddin rời khỏi nhà với lời hứa sẽ giúp kiếm việc làm. Sau đó, Shahbuddin cùng 15 đứa trẻ khác lên tàu đến Delhi, nơi cách nhà hàng trăm km. Khi đến Anand Vihar, những đứa trẻ bị bỏ lại sân ga, ngơ ngác và cuối cùng là rơi vào cảnh bị bóc lột lao động một cách tồi tệ.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai của Ấn Độ vào tháng 4 và tháng 5 khốc liệt, khiến cả thế giới chấn động. Bà Sonal Kapoor, người sáng lập tổ chức bảo vệ quyền trẻ em Protsahan India Foundation, gọi tình trạng này là “biển trẻ em” gặp bi kịch.
Ông Amod Kanth, người sáng lập tổ chức phi chính phủ (NGO) Prayas, cho biết, ở Ấn Độ, trẻ em dưới 14 tuổi không được phép làm việc trong các nhà máy, hầm mỏ hoặc làm những công việc độc hại. Tuy nhiên, Covid-19 đã đẩy nhiều đứa trẻ mồ côi vào những công việc nặng nhọc. Đại dịch Covid-19 cũng đã tạo ra mảnh đất màu mỡ cho những kẻ buôn bán trẻ em vì một số gia đình “không còn cách nào khác ngoài việc đẩy con mình đi lao động, đi ăn xin”, ông Anurag Kundu - Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em Delhi, cho biết. Theo đó, những kẻ buôn người ở khắp nơi. Chúng biết rõ tình hình xung quanh và nhắm vào những gia đình đang gặp khó khăn vì Covid-19.
Ông Rakesh Senger, Giám đốc điều hành chương trình tại tổ chức Kailash Satyarthi Children’s Foundation, cho biết những kẻ buôn người thường tạm ứng khoảng 150-200 USD cho gia đình để rồi đưa chúng đi làm việc cả năm.
Tới nay, đại dịch Covid-19 ở Ấn Độ đã qua, cuộc sống đã trở lại nhịp điệu cũ vốn có. Nhưng những đứa trẻ mồ côi thì vẫn tiếp tục phải chịu đựng nhiều khó khăn. Chính phủ Ấn Độ đã có những biện pháp cụ thể để giúp đỡ, nhưng dẫu sao thì đó vẫn là “câu chuyện ở phía trước” với những đứa trẻ mà tương lai của chúng không được bảo hiểm - nói như ông Anurag Kundu, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ quyền trẻ em Delhi.
Nợ của các nước nghèo tăng kỷ lục vì đại dịch Covid-19
Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo mức nợ của các nước thu nhập thấp đã tăng lên ngưỡng kỷ lục và kêu gọi nỗ lực khẩn cấp để giảm nợ, để các nước phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Theo WB, mức nợ của các nước thu nhập thấp trong năm 2020 tăng 12% lên thành 860 tỉ USD vì đại dịch Covid-19. Các nước trong nhóm quốc gia nghèo nhất thế giới được cho là đang trong hoặc có nguy cơ rơi vào cảnh túng quẫn vì nợ nước ngoài, cần được giảm nợ để giúp phục hồi kinh tế và giảm nghèo. Tổng nợ nước ngoài của các nước thu nhập thấp và trung bình tăng 5,3% lên thành 8.700 tỉ USD trong năm 2020 và đương nhiên sẽ còn cao hơn trong năm 2021.
Chủ tịch WB David Malpass kêu gọi cần có nỗ lực khẩn cấp, toàn diện để giúp các nước giảm nợ xuống mức có thể duy trì được. Ông nói rằng các biện pháp tái cấu trúc nợ phải được thực hiện khẩn cấp vì sáng kiến hoãn nợ của nhóm các nền kinh tế lớn G20 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Trong khi đó, Kinh tế gia trưởng của WB Carmen Reinhart cảnh báo những thách thức với các nước mắc nợ nhiều có thể còn nghiêm trọng hơn khi lãi suất tăng lên.