TP Hồ Chí Minh: Thị trường mặt bằng cho thuê vẫn ảm đạm
Mặc dù chưa thể “bình thường mới” do dịch Covid-19 còn tiềm ẩn những diễn biến khó lường, tuy nhiên TP HCM đã bắt đầu “mở cửa” cho một số dịch vụ hoạt động trở lại. Song, thị trường mặt bằng cho thuê ở đô thị này vẫn chưa bớt ảm đạm.
Qua khảo sát tại các tuyến đường trung tâm TP HCM như Đồng Khởi, Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1), Điện Biên Phủ (Quận 3), Phan Xích Long (quận Phú Nhuận)... những ngày gần đây thấy xuất hiện nhiều tấm biển cho thuê, sang nhượng cửa hàng.
Thực tế này cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chủ cửa hàng kinh doanh bán lẻ không thể trụ lại ở những con phố lớn. Đặc biệt là làn sóng thứ 4 đã khiến nhiều cửa hàng kinh doanh không thể trụ lại mà phải trả cửa hàng, chuyển hướng kinh doanh online hoặc tìm kiếm cơ hội trong thời gian tới.
Đối với những ai có ý định tìm mặt bằng ở những phố trung tâm thì bây giờ có khá nhiều lựa chọn. Mặt bằng nhỏ với bề ngang từ 4 - 5m cho thuê ở mức 40 - 50 triệu đồng/tháng; cửa hàng lớn bề ngang 8 - 10m, góc 2 mặt tiền hoặc gần ngã ba, ngã tư được chào thuê với giá từ 100 - 200 triệu.
Nhiều website bất động sản và hội nhóm trên mạng xã hội cũng tràn ngập thông tin cho thuê mặt bằng kinh doanh. Nhiều chủ mặt bằng chấp nhận giảm giá thuê từ 20 - 30% so với thời điểm chưa có dịch bệnh tuy nhiên vẫn ít người quan tâm. Một số người có nhu cầu song lại ngả theo xu hướng tìm những cửa hàng nhỏ, chấp nhận ở trong hẻm, để giảm chi phí vì xác định bán hàng online là chính.
Một số chuyên gia kinh tế phân tích, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều khách hàng sẽ chọn mặt bằng có chi phí thấp và vừa phải để kết hợp kinh doanh trực tuyến, do đó mặt bằng có giá thuê từ 200 triệu đồng rất khó tìm được khách thuê. Hiện nhu cầu thuê mặt bằng chỉ tăng nhẹ trong 1 tuần gần đây, từ khi thành phố có Chỉ thị 18, trong đó cho phép nới lỏng hoạt động bán lẻ, đặc biệt ở các quận trung tâm và tuyến phố sầm uất.
Theo báo cáo mặt bằng bán lẻ TP HCM của JLL, giá thuê trung bình của các trung tâm thương mại lớn ghi nhận điều chỉnh về mức 30,7 USD mỗi m2 một tháng, giảm 18,2% theo quý và 24,8% theo năm. Hầu hết chủ các khu thương mại tiếp tục miễn giảm tiền thuê kéo dài từ quý II sang quý III để hỗ trợ khách trong giai đoạn giãn cách xã hội. Giao dịch cho thuê 3 tháng qua rất hạn chế khiến một số trung tâm thương mại tiếp tục hoãn kế hoạch khai trương dù đã hoàn thành việc xây dựng.
Hiệu suất khai thác mặt bằng ở các trung tâm thương mại tại TP HCM dự kiến vẫn tiếp tục xu hướng giảm dù thành phố đã nới lỏng giãn cách xã hội từ 1/10 và cho phép trung tâm thương mại mở cửa trở lại. Nguyên nhân là hiện nay cả bên cho thuê mặt bằng và khách thuê vẫn dè dặt, thăm dò cho giai đoạn tái hoạt động.
Phân tích của giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, những lo ngại chủ yếu nằm ở tần suất của lượt khách ghé thăm hoặc mua sắm giảm và các chi phí phát sinh để kiểm soát dịch bệnh. Bởi bệnh như vừa qua sẽ tác động đến thói quen mua sắm của người dân TP HCM trong thời gian tới.
JLL dự báo trong giai đoạn cuối năm, nhiều khả năng giá thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại sẽ có nhiều thay đổi hoặc xuất hiện các thương lượng mới khi giai đoạn hỗ trợ giảm giá mùa giãn cách sắp khép lại.
Kế hoạch khai trương các trung tâm bán lẻ mới trong quý IV/2021 sẽ tiếp tục bị trì hoãn sang năm sau, một số khối đế các dự án phức hợp do không đạt được tỷ lệ lấp đầy yêu cầu. Đối với các trung tâm thương mại hiện hữu, nhiều chủ tòa nhà dự kiến có những đợt cơ cấu lại khách thuê và mặt bằng thuê để tăng hiệu quả khai thác.
Tương tự, giá thuê nhà phố mặt tiền cũng sụt mạnh. Báo cáo mặt bằng bán lẻ mới nhất của Savills cho hay, nhà phố cho thuê chịu ảnh hưởng nặng nề khi tất cả buộc phải đóng cửa suốt quý III, trừ các cửa hàng tiện lợi.
Chủ nhà đã chấp nhận mức giảm giá thuê đến 50% sau thời gian dài mặt bằng bị bỏ trống để tìm khách mới nhưng không hiệu quả. Nhà phố tại các tuyến đường ở khu ngoài trung tâm có mức giảm giá thuê mạnh hơn so với khu trung tâm.
Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn CBRE Việt Nam, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục trầm lắng trong giai đoạn cuối năm do tình hình kiểm soát dịch bệnh vẫn trong giai đoạn nước rút. Trong thời gian tới, các dự án trung tâm thương mại cần điều chỉnh phù hợp chính sách cho thuê, hỗ trợ cũng như thay đổi cơ cấu ngành hàng để phù hợp với nhu cầu thuê hiện tại của các nhãn hàng.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, nhu cầu tìm kiếm mặt bằng thuê mới nhiều khả năng còn kéo dài qua năm 2022.