Vì sao Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lập 3 trường thành viên?
Thông tin về việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành lập 3 trường thành viên, phát triển thành ĐH Bách khoa Hà Nội đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Quyết định này nhằm mục tiêu gì? Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội.
PV:Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có quyết định thành lập 3 trường trực thuộc trên cơ sở các viện đào tạo, viện nghiên cứu trước đây. Ông hãy phân tích rõ hơn về quyết định này?
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng: Theo quyết định của Hội đồng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, 3 trường trực thuộc, gồm: Trường Cơ khí; Trường Điện - Điện tử; Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Trong đó, Trường Cơ khí trên cơ sở tổ chức lại 3 Viện đào tạo (Viện Cơ khí, Viện Cơ khí động lực và Viện Khoa học và công nghệ nhiệt lạnh).
Trường Điện - Điện tử trên cơ sở tổ chức lại 2 Viện đào tạo và 1 Viện nghiên cứu (Viện Điện, Viện Điện tử viễn thông; Viện Nghiên cứu quốc tế về thông tin đa phương tiện, truyền thông và ứng dụng)
Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông trên cơ sở tổ chức lại các đơn vị thuộc Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông.
Đây là một mốc dấu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, trong đó thực hiện xây dựng mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành ĐH Bách Khoa Hà Nội, đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, cải cách bộ máy tổ chức, xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, tạo động lực cho đổi mới và phát triển.
Mục tiêu cụ thể cho việc thành lập 3 trường này là gì, thưa ông?
- Mục tiêu của ĐH Bách khoa Hà Nội là sẽ phát triển mạnh mẽ 3 lĩnh vực Cơ khí, Công nghệ thông tin và Truyền thông; các trường sẽ thực hiện đào tạo và nghiên cứu tốt nhất để mỗi nhóm ngành tương ứng được xếp thứ hạng 300-400 của thế giới theo theo bảng xếp hạng QS vào năm 2025 (mức xếp hạng năm 2021 là 401-450);
Mỗi trường sẽ tiếp tục là các đơn vị mũi nhọn, một tổ chức sáng tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội, tiếp tục giữ vững vị thế là cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (CGCN) số một Việt Nam, hàng đầu khu vực, và có uy tín trên trường quốc tế trong các lĩnh vực tương ứng.
Ngoài ra, mỗi trường sẽ tiếp tục phát huy và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và ươm tạo công nghệ để hình thành các doanh nghiệp spin-off/start-up có tầm ảnh hưởng, thu hút đầu tư của các tập đoàn công nghệ và quỹ đầu tư khởi nghiệp trong và ngoài nước.
Tích cực và chủ động tham gia và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hộ, các đề án quốc gia: Đô thị thông minh, Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ số, Xã hội số,…
Để đạt được những mục tiêu trên, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang có những sự đổi mới mạnh mẽ như thế nào trước những thách thức, yêu cầu mới của đất nước trong giai đoạn tới đây?
- Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn quan trọng trong xây dựng đất nước và Thủ đô Hà Nội. Giai đoạn này cũng là 5 năm rất quan trọng của nhà trường trong thực hiện “Chiến lược phát triển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025”.
Vì vậy, trường đã xây dựng 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để triển khai thực hiện hiệu quả chiến lược với quan điểm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm”.
Theo đó, trường sẽ triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số và phát triển ĐH Bách khoa Hà Nội theo mô hình đại học số chia sẻ; quy hoạch phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu của ĐH Bách khoa Hà Nội đảm bảo tính hiện đại và phát triển bền vững.
Ngoài ra, trường sẽ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm “Make in Bách Khoa Hà Nội” trong một số lĩnh vực khoa học và công nghệ then chốt; xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, khẳng định và nâng cao vị thế thương hiệu ĐH Bách khoa Hà Nội trong khởi nghiệp, khởi nguồn và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó là tiếp tục khai thác và phát huy thế mạnh của trường trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao tri thức để đóng góp nhiều hơn nữa trong sự phát triển của ngành, của Thủ đô Hà Nội và đất nước.
Nghịch lý tồn tại trong nhiều năm trở lại đây, trong khi các ngành hot thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký xét tuyển thì nhiều nhóm ngành thuộc lĩnh vực như khoa học cơ bản, khoa học kỹ thuật khó khăn trong công tác tuyển sinh. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc những ngành thuộc lĩnh vực này cần có nhiều Chính sách đãi ngộ hơn như đối với ngành sư phạm để hút người học. Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội là cái nôi đào tạo nhiều kỹ sư, nhà khoa học hàng đầu cho đất nước, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xét về tuyển sinh và các ngành đào tạo có thể chia thành 3 nhóm ngành như sau:
Thứ nhất là nhóm ngành tạm gọi là hot, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường đòi hỏi lớn, Việt Nam hoàn toàn có thể chen chân cung cấp nguồn nhân lực cho thế giới, như: Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin. Khi đó trách nhiệm của các trường đại học là làm thế nào để thu hút các em sinh viên có ham thích với ngành học này, có điều kiện học tập; tạo ra các sản phẩm tốt nhất để đáp ứng được với nhu cầu của thị trường và cạnh tranh sằng phẳng với các nước trên khu vực và thế giới.
Thứ hai là nhóm ngành kém hấp dẫn hơn nhưng là trụ cột cho sự phát triển công nghiệp của đất nước, chẳng hạn như cơ khí-ngành học rất cần thiết cho nền công nghiệp đất nước nhưng ở thời điểm hiện tại có thể sức nóng không bằng các ngành trên. Việc làm thế nào để thu hút người học là trách nhiệm của nhà trường, các doanh nghiệp tương ứng để chung sức cùng nhau phát triển đất nước lâu dài.
Thứ ba là nhóm ngành kém hấp dẫn hơn nữa nhưng là lĩnh vực nền tảng như lĩnh vực liên quan tới khoa học cơ bản, truyền thống lâu đời và rất cần thiết cho phát triển đất nước. Tôi cho rằng, ở lĩnh vực này cần sự đặt hàng của Chính phủ theo chương trình dài hạn, chẳng hạn như hiện nay với ngành sư phạm.
Chúng ta phải có những giải pháp căn cơ hơn. Bên cạnh việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, Nhà nước cần có những ưu đãi khi các em ra trường, cần có chính sách phát triển nền kinh tế xã hội toàn diện hơn cho người lao động làm việc chứ không chỉ có chính sách đãi ngộ khi họ ngồi trên ghế nhà trường. Dưới góc độ 1 trường đại học, tôi cho rằng nếu triển khai đồng bộ như phân tích ở trên, giáo dục Việt Nam sẽ phát triển ổn định và vững mạnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trong chặng đường 65 năm phát triển, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh để trở thành một cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, một trung tâm khoa học-công nghệ hàng đầu của đất nước, góp phần quan trọngvào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều năm qua, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có mặt trong nhiều bảng xếp hạng đại học trên thế giới. Theo bảng xếp hạng QS năm 2021, 4 nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin và Toán học xếp ở vị trí từ 400 đến 600 tốt nhất thế giới.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng là cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam duy nhất vinh dự nhận giải thưởng "Đổi mới sáng tạo” của Clarivate năm 2020 và 2021.