Phiên chợ đổi phế liệu lấy nông sản: Nhân lên ý thức bảo vệ môi trường
Những vỏ lon bia, bìa cát tông, chai nhựa… tưởng chừng là những phế liệu bỏ đi nay lại được người dân tận dụng mang tới phiên chợ phế liệu đổi lấy nông sản tươi ngon.
Nhằm hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn và lan toả thông điệp bảo vệ môi trường, một số gian hàng thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức chương trình đổi phế liệu lấy thực phẩm.
Ngoài việc bày bán rau củ, hoa quả, thực phẩm… phục vụ nhu cầu của khách hàng, phiên chợ này còn triển khai mô hình đổi rác từ vỏ lon, giấy bìa, sắt vụn để lấy thực phẩm. Bảng giá cho mỗi loại phế liệu cũng như nông sản đều được niêm yết công khai theo đúng quy định.
Từ ngày phiên chợ đi vào hoạt động, đa số người dân cho rằng mô hình này giúp họ hạn chế được tình trạng tụ tập đông người và nâng cao ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường.
Có mặt tại phiên chợ nằm ở khu vực Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội từ 8h sáng, vợ chồng ông Nguyễn Đắc Thy (81 tuổi, Văn Miếu, Hà Nội) đi bộ từ nhà ra đây để mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Trong lúc chờ vợ lấy thức ăn, ông Thy cho biết, từ ngày có cửa hàng thực phẩm ở đây, cứ mỗi sáng sớm, vợ chồng ông thường đi bộ tập thể dục rồi tiện đường ghé vào đây để mua thực phẩm sạch.
“Đây là địa điểm linh động giúp người dân có thể chọn mua thực phẩm một cách dễ dàng thay vị tụ tập đông đúc ở các khu chợ dân sinh như trước đây. Giá của những loại rau, củ quả cũng rất phù hợp, không quá đắt. Ở đây rất gần nhà nên 2 vợ chồng tôi có thể vừa đi bộ tập thể dục vừa có thể mua thức ăn cho bữa ăn hàng ngày”, ông nói.
Lỉnh kỉnh tay xách nách mang những đồ phế liệu từ nhà tới phiên chợ đổi lấy nông sản sạch, bà Nguyễn Thị Mai (55 tuổi, Văn Miếu, Hà Nội) cho hay, bà rất thích cách thức vận hành của phiên chợ này. Nếu như trước đây, bà thường vứt những lon bia, chai nhựa vào xó nhà hoặc thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị thì giờ đây bà có thể tận dụng nó để đổi lấy rau, củ quả một cách tiện ích.
Bà Mai cho rằng, mô hình phiên chợ đổi phế liệu là nơi để bà tiêu thụ lượng phế thải thừa, từ ngày phiên chợ hoạt động gia đình bà không còn phải đau đầu nghĩ nơi vứt lượng phế thải. Theo bà Thanh, mô hình phiên chợ đổi phế liệu giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mọi người đồng thời góp phần mang đến không gian sống xanh - sạch - đẹp.
“Không chị vậy, phiên chợ còn là nơi để những lao công, người lao động nghèo có thể mua nông sản tươi ngon trong những lúc khó khăn, túng thiếu. Họ hoàn toàn có thể nhặt nhạnh phế liệu để đổi lấy rau, củ quả cho bữa ăn hàng ngày”, bà Mai chia sẻ.
Trước khi mang những lon bia, chai nhựa tới phiên chợ, bà Nguyễn Thị Thanh (43 tuổi, Linh Quang, Hà Nội) đã chủ động phân loại các loại rác thành 2 bì khác nhau. Theo bà, việc phân loại sẽ giúp quá trình cân đo đong đếm được nhanh hơn, chị cũng dễ dàng trong việc lựa chọn thực phẩm so với bảng giá sẵn có.
Từ ngày biết đến mô hình đổi phế liệu lấy rau, bà Thanh thường mang phế liệu từ nhà ra địa điểm này để quy đổi. Bà cho rằng, những nông sản ở đây được nhập trong ngày vì thế sẽ đảm bảo độ tươi ngon nhất định. Hơn nữa, trong lúc dịch bệnh khó khăn, cách làm này hỗ trợ được việc tiêu thụ thực phẩm cho bà con nông dân.
“Hôm nay đến đây, tôi đổi một ít phế liệu lấy rau, trái cây và một vài quả chua về nấu bữa trưa cho cả gia đình. Số phế liệu tôi mang đến quy đổi được 18.000 đồng, mua được như vậy là rất hợp lý", bà Thanh vừa cho thực phẩm vào túi vừa nói.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Ngọc Tuấn, đại diện đơn vị tổ chức gian hàng thực phẩm số 3 Quốc Tử Giám (quận Đống Đa, Hà Nội) cho hay: “Mô hình đổi phế liệu lấy thực phẩm bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 12/9 và nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân trên địa bàn. Các đối tượng khách hàng không chỉ là những người dân sinh sống quanh khu vực mà rất nhiều người lao động tự do ở xa, công nhân môi trường cũng mang phế liệu đến đây để đổi lấy thực phẩm”.
Ông Tuấn thông tin, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 20 gian hàng với đầy đủ loại thực phẩm thiết yếu. Trung bình mỗi ngày sẽ tiêu thụ khoảng 6 tấn rau củ quả, nông sản, và 2 tấn gia cầm các loại.
“Ngoài việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, những phiên chợ còn giúp người dân dẽ dàng mua thực phẩm những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì thế, trong thời gian tới, mô hình phiên chợ đổi phế liệu lấy thực phẩm sẽ tiếp tục được doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị để triển khai.
Bên cạnh đó, các hoạt động ý nghĩa khác như đổi phế liệu lấy sữa và đồ dùng học tập tại các trường tiểu học và trung học trên toàn quốc sẽ được xem xét cho đi vào vận hành”, ông Tuấn thông tin thêm.