Mưa lớn ở miền Trung và Tây Nguyên

N. Quốc – T. Thành 17/10/2021 23:55

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, từ đêm ngày 15 đến 17/10 đã xảy ra mưa lớn tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một số nơi đã xảy ra ngập lụt cục bộ, sạt lở gây chia cắt giao thông nghiêm trọng. 3 người đã bị mất tích…

3 người mất tích

Tại Thừa Thiên - Huế, từ ngày 16/10 xuất hiện mưa to và rất to khiến nước tại các con sông trên địa bàn dâng cao; nhiều nơi thấp trũng đã bắt đầu ngập úng. Thông tin từ UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) cho biết, sóng biển dâng cao khiến nước tràn vào khu vực dân cư. Người dân tại vùng trọng yếu đang được lực lượng chức năng di chuyển đến nơi an toàn.

Sáng ngày 17/10, lực lượng chức năng thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 2 vợ chồng mất tích trên sông Bồ. Trước đó, vào ngày 16/10, ông T.M.Đ. (67 tuổi) và vợ là bà V.T.T. (66 tuổi, cùng trú tại thị xã Hương Trà) mất tích khi đang bủa lưới, bắt cá trên sông Bồ. Qua tìm kiếm, lực lượng chức năng phát hiện chiếc ghe mắc kẹt, gãy đôi tại cầu tạm khu vực thi công cầu cao tốc qua sông Bồ, tuy nhiên vẫn chưa tìm thấy 2 nạn nhân mất tích.

Mưa lớn kéo dài cũng khiến 1 người ở huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị bị nước lũ cuốn trôi; nhiều ngầm, tràn ở huyện Đakrông bị ngập cục bộ và chia cắt. Ngày 17/10, ông Hồ Văn Diên, Bí thư Đảng ủy xã Tà Long (huyện ĐakRông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện vẫn chưa tìm thấy nạn nhân mất tích khi đi qua tràn.

Mưa lớn khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế bị ngập sâu, một số nơi người dân phải đi lại bằng thuyền.

4 hồ thủy điện xả lũ

Tại thành phố Đà Nẵng cũng đang có mưa lớn trên diện rộng. Hiện 4 hồ thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia đang vận hành điều tiết lũ về hạ du với tổng lưu lượng hơn 5.000 m3/s. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối và ngập lụt khu vực ven sông, các vùng trũng thấp.

Trưa 17/10, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng ban hành công điện triển khai ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Theo đó, UBND các quận, huyện sẵn sàng triển khai phương án phòng, chống lũ, lũ quét và sạt lở đất; rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Đặc biệt chú ý nhân dân sống tại ven sông Yên, Túy Loan, Cu Đê (các xã Hòa Tiến, Hòa Khương, Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Sơn)… sẵn sàng triển khai phương án sơ tán nhân dân bảo đảm phòng, chống Covid-19.

T.Tùng

Nước sông Vu Gia dâng cao, người dân chạy lũ

Từ tối 16 đến ngày 17/10, mưa lớn kéo dài và các hồ thủy điện ở thượng nguồn xả lũ, khiến nước sông Vu Gia dâng nhanh, làm nhiều khu vực ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam bị ngập sâu.

Chiều 17/10, ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, nước sông Vu Gia ở huyện Đại Lộc đã dâng cao gây ngập sâu một số nhà dân nằm ở dọc bờ sông này. Tại thôn Hóa Phú, xã Đại An, huyện Đại Lộc, đường dẫn vào thôn bị ngập sâu, nhiều người dân tất bật dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ.

Ngoài ra, một số khu vực như: Thị trấn Ái Nghĩa, xã Đại Lãnh, Đại Hương nước lũ cũng ngập sâu. Tại cầu Ái Nghĩa nhiều phương tiện mắc kẹt không thể di chuyển được khi tuyến đường vào thị trấn nước ngập sâu.

Bà Nguyễn Thị Hoa (51 tuổi), trú thôn Hóa Phú cho biết, sáng 17/10, mức nước dâng rất chậm nhưng đến khoảng 1h nước lũ đổ về nhanh, chỉ vài giờ nước sông Vu Gia dâng cao đã tràn vào nhà dân.

Còn ông Phạm Văn Thêm (53 tuổi), trú thôn Hóa Phú cho hay, do thủy điện trên thượng nguồn xả lũ nên mức nước vẫn đang dâng rất nhanh.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Hiện tại trên địa bàn huyện trời đã tạnh mưa, nước sông trên Vu Gia đang xấp xỉ mức báo động III.

Chính quyền huyện cũng cử lực lượng chức năng chốt chặn ở các điểm nước ngập tràn qua đường để cảnh báo không cho người dân đi lại và nếu mức nước sông tiếp tục dâng cao, gây ngập sâu thì địa phương sẽ lên phương án sơ tán dân khẩn cấp”.

Còn tại Quảng Ngãi, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bình Sơn cho biết, trên địa bàn huyện vừa xảy ra trận lốc xoáy khiến hàng chục nhà dân bị tốc mái, hư hỏng nặng nề.

Theo đó, đêm 17/10, mưa lớn kết hợp với trận lốc xoáy với cường độ mạnh quét qua địa bàn các xã ven biển của huyện Bình Sơn, khiến 45 ngôi nhà bị tốc mái từ 30-100%. Trong đó, xã Bình Thạnh 33 nhà, xã Bình Chánh 12 nhà. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt khắc phục thiệt hại cho người dân.

Tập trung ứng phó mưa lũ

Ngày 17/10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công điện số 1388/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký về việc tập trung ứng phó mưa lũ tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên. Trong công điện có nhấn mạnh: Để chủ động ứng phó mưa lũ, nhất là lũ quét, sạt lở đất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

UBND các tỉnh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, tập trung một số nhiệm vụ sau:

Chủ động rà soát, huy động lực lượng tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực không bảo đảm an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu chia cắt, vùng thấp trũng ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khu vực đã từng xảy ra sạt lở đất, ngập lụt năm 2020; đồng thời bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ phải sơ tán, không để người dân bị thiếu đói, rét.

Tổ chức thông tin kịp thời, hướng dẫn người dân đi lại an toàn khi có mưa lũ; triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ giao thông an toàn qua các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập sâu; hướng dẫn người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.

Triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập; tổ chức giám sát việc vận hành an toàn các hồ đập trên địa bàn. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn và khắc phục kịp thời sự cố và hậu quả mưa lũ, không để bị động bất ngờ.

H.V.

N. Quốc – T. Thành