Khắc tinh của Covid-19
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, khẳng định đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt nếu con người hợp tác với nhau. “Điều tôi muốn nói tất cả đều phụ thuộc vào hành vi của con người, cho dù chưa thể khẳng định bao giờ thì đại dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn, nhưng đó mới là khắc tinh của Covid-19” - bà Walensky nói.
Chiến đấu với kẻ thù chung
“Hiện tại chúng ta có nhiều công cụ khoa học. Chúng ta có vaccine. Nhưng chúng ta không thể dự đoán được hành vi của con người. Và đó chính là điều làm cho cuộc chiến chống lại Covid-19 thêm khó khăn và kéo dài” - CNN dẫn lời bà Walensky.
Đã gần 2 năm kể từ khi đại dịch bùng phát ở Mỹ, số ca nhiễm ở nước này lúc tăng lúc giảm, có khi số người nhiễm biến thể Delta vọt lên đỉnh điểm hơn 172.000 ca mỗi ngày hồi giữa tháng 9. Điều đó khiến giới nghiên cứu vi trùng học băn khoăn: Liệu đây có phải là đợt dịch lớn cuối cùng và bao giờ thì nó kết thúc?
“Chỉ khoảng 55% dân số đã tiêm đầy đủ vaccine, nước Mỹ chưa đạt đủ mức miễn dịch cộng đồng trước biến thể Delta dễ lây nhiễm. Điều đó có nghĩa là chúng ta cần rất nhiều sự bảo vệ trong cộng đồng để không bị mắc bệnh” - Giám đốc CDC Mỹ lý giải và chỉ ra rằng điều đáng tiếc là đến nay con người vẫn “đang chiến đấu với nhau chứ không phải chiến đấu với kẻ thù chung là virus”.
Chúng ta chỉ có thể tạo ra “khắc tinh” với virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, theo Tiến sĩ Rochelle Walensky, đó phải là ý thức của tất cả mọi người, từ những người đứng đầu chính phủ cho tới ông chủ các tập đoàn dược phẩm, các phòng nghiên cứu và tất cả người dân.
Bao giờ đại dịch chấm dứt?
Trong cuộc hội đàm với trang tin công nghệ Gizmodo, giới chuyên gia y tế thế giới đã nêu nhận định của mình về thời điểm dịch Covid-19 được xem là có thể chấm dứt trên toàn cầu.
Theo Marisa Eisenberg, Phó Giáo sư khoa Dịch tễ trường Đại học Michigan (Mỹ), vẫn còn quá sớm để xác định một ngày cụ thể mà virus Corona sẽ biến mất, vì rõ ràng cuộc chiến với nó vẫn là một chặng đường dài. Tuy nhiên, bà Eisenberg vẫn hy vọng nhân loại cuối cùng cũng sẽ đạt trạng thái “Zero Covid”. Đó là thời điểm Covid-19 chỉ còn được xem như bệnh đặc hữu, lây lan theo mùa, và hầu hết người nhiễm sẽ không còn chuyển biến xấu do đã được tiêm vaccine hoặc sản sinh một lượng kháng thể vừa đủ để kháng virus.
Cùng chung quan điểm với Phó giáo sư Eisenberg, Giáo sư Art Reingold, Trưởng khoa Dịch tễ tại Đại học California cho rằng, thời điểm dịch Covid-19 “chấm dứt” phụ thuộc vào việc liệu còn xuất hiện thêm các biến thể có khả năng kháng vaccine trong tương lai hay không, và khi nào tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ trên thế giới đủ lớn để đạt miễn dịch cộng đồng. Đây đều là hai yếu tố chưa thể đoán định ở thời điểm hiện tại.
“Tôi cho rằng, viễn cảnh Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu đối với chúng ta vẫn chưa thể đến trong vòng từ 12 đến 18 tháng tới”- bà Reingold đưa ra nhận định.
Đến từ Trung tâm An ninh y tế John Hopkins, Tiến sĩ Amesh Adalja nói rằng, dịch Covid-19 sẽ chỉ kết thúc trên phạm vi toàn cầu khi hầu hết các quốc gia có thể điều trị virus Corona giống như các loại virus đường hô hấp khác mà thế giới đang phải đối phó quanh năm.
“SARS-CoV-2 là một loại virus đường hô hấp có tính lây lan, gây ra một loạt triệu chứng được lưu hành trong vật chủ, nên rất khó để có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt hoàn toàn” - ông Adalja cho biết. “Mục tiêu hàng đầu hiện nay vẫn là loại bỏ khả năng gây bệnh nặng, cùng số ca nhập viện và tử vong trên diện rộng. Điều này chỉ có thể đạt được bằng cách tiêm chủng cho những người có nguy cơ mắc Covid-19 biến chứng cao nhất, để giảm nguy cơ nhập viện đối với họ”.
Còn Tiến sĩ Leana Wen đến từ Đại học George Washington nói: “Tôi không nghĩ rằng có thể định nghĩa chính xác thời điểm dịch bệnh chấm dứt sẽ diễn ra như thế nào. Liệu nó sẽ chấm dứt khi không còn ca nhiễm Covid-19 nào khác? Liệu nó sẽ chấm dứt khi số ca nhập viện dừng ở mức khiến chúng ta không còn lo lắng về việc quá tải các hệ thống chăm sóc sức khỏe? Liệu nó sẽ chấm dứt khi số người tử vong giảm xuống dưới một ngưỡng nhất định?”.
Tuy nhiên, bà Leana Wen cũng cho rằng đến một thời điểm nào đó chúng ta sẽ có đủ hiểu biết về dịch bệnh này để đạt được trạng thái ổn định, và không còn xem nó là mối quan tâm hàng đầu trong mọi quyết định của mình. “Nhưng điều này sẽ khó xảy ra chừng nào trẻ em hay các đối tượng dễ bị tổn thương nhất chưa được tiếp cận đầy đủ với vaccine Covid-19” - bà Wen nói.
Sau nhiều tháng bất đồng, cuộc thảo luận giữa các thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WTO) mới kết thúc tại Geneva (Thụy Sĩ) vẫn chưa thể đi đến thống nhất chung về bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine Covid-19. Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc WTO - Ngozi Okonjo-Iweala, các cuộc đàm phán về việc từ bỏ bản quyền đối với vaccine ngừa Covid-19 đã “bế tắc”, nhưng các cuộc tham vấn không chính thức vẫn đang tiếp tục và các bên có thể sớm tìm được tiếng nói chung tại cuộc họp sẽ được tổ chức vào ngày 26/10 tới.
Theo thống kê, tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trung bình ở các nước giàu cao hơn 30 lần so với ở các nước nghèo. Nhiều nước giàu hiện đang xem xét triển khai liều vaccine thứ ba trong khi hàng tỷ người vẫn chưa được tiêm mũi đầu tiên. Tổng Giám đốc WTO nhấn mạnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 thấp đang “tàn phá cuộc sống và sinh kế của người châu Phi “ và đây là điều “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức”.