Nghịch lý trong bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc
Các tác phẩm âm nhạc được xem là đứa con tinh thần của các nhạc sĩ. Tuy nhiên, với những chiêu trò, lỗ hổng trên môi trường internet hiện nhiều tác phẩm âm nhạc đang bị đánh cắp. Thậm chí chính tác giả còn bị “tố” vi phạm bản quyền với tác phẩm do mình sáng tác.
Ngang nhiên bị “cướp” tác phẩm
Mới đây, dư luận xã hội, đặc biệt là giới âm nhạc đã phản ứng hết sức dữ dội xung quanh việc nhạc sĩ Giáng Son, tác giả của ca khúc “Giấc mưa trưa” bị tố vi phạm bản quyền trên Youtube.
Cụ thể, trong đơn kiến nghị gửi Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - đơn vị mà nhạc sĩ đã ủy quyền, nhạc sĩ Giáng Son bày tỏ: “Tôi mới thành lập một kênh Youtube cho riêng mình mang tên “Giáng Sol Official” để chia sẻ những bài hát, album cũ mới của mình đến các khán giả yêu nhạc vào ngày 25/9/2021. Tôi đã rất cẩn thận về vấn đề bản quyền và chỉ đưa bản “Giấc mơ trưa” được phối khí riêng với giọng ca Khánh Linh trong album đầu tiên “Giáng Son” được sản xuất và phát hành năm 2007. Tức là mọi bản quyền về tác giả, phối khí, thu âm là thuộc về tôi. Sau khi tôi đưa lên vài ngày thì có thông báo khiếu nại của BHmedia thay mặt Hồ Gươm Audio Video là chủ sở hữu bản quyền. Tôi vô cùng bức xúc vì tôi không hề ký bản quyền với Hồ Gươm Audio Video và BHmedia. Mọi sở hữu bản quyền phải thuộc về tôi!”.
Chia sẻ thêm về vụ việc, nhạc sĩ Giáng Son cho biết, nghệ sĩ Dương Thùy Anh (đàn nhị) đã từng xin bản phối “Giấc mơ trưa” để đi diễn và làm CD, do bên Hồ Gươm Audio Video phát hành. CD này sau đó đã được BHmedia mua lại nên mới bị đánh bản quyền trên Youtube. Dù vậy, đây là 2 bản phối khác nhau và BHmedia không hề có quyền gì với bản phối của Giáng Son. Nhạc sĩ Giáng Son vẫn có toàn quyền với ca khúc do chính chị sáng tác. Được biết, hiện VCPMC đã và đang làm việc với tác giả ca khúc “Giấc mơ trưa” để triển khai xử lý sự việc trên dựa theo pháp luật về Luật Bản quyền.
Tuy nhiên, trường hợp của nhạc sĩ Giáng Son chỉ là một trong số rất nhiều nhạc sĩ rơi vào tình cảnh bị tố vi phạm bản quyền với chính tác phẩm do mình sáng tác. Từng là người “bị hại”, nhạc sĩ Minh Châu cho biết: “Tôi cũng từng bị BHmedia cảnh báo vi phạm bản quyền chính những tác phẩm do tôi sáng tác. Cảm giác đầu tiên khi bị “tố” là tôi thấy mình bị xúc phạm. Ngay sau khi tôi phản ứng thì đại diện BHmedia đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên Youtube của tôi. Nhưng tôi nghĩ, đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được, bởi Youtube rất dân chủ. Ai cảm thấy bị xâm phạm thì cứ việc lên tiếng, Youtube cứ việc khai thác nếu tác phẩm hay, nhiều người thích, chứ Youtube không có trách nhiệm làm quan tòa phân xử ai đúng ai sai. Ở nước ngoài không có chuyện như vậy. Cái gì của họ, họ mới nhận, không ai đi nhận vơ của người khác, cái đó rất là xấu”.
Muôn nẻo chiêu trò
Có thể nói, hiện nay có rất nhiều chiêu trò đánh tráo khái niệm và lách luật để xâm phạm bản quyền mà các tác giả, nếu không giỏi về công nghệ thì không thể biết và khiếu nại. Đơn cử như trường hợp của nhạc sĩ Lã Văn Cường khi hơn 30 tác phẩm của ông bị xâm phạm trên Youtube.
Nhạc sĩ Lã Văn Cường cho biết, những bài đó đều do ông bỏ tiền hòa âm, phối khí ghi âm, ghi hình và cả ca sĩ hát đều bị ai lấy mất. Nhạc sĩ cũng cho biết thêm có những ca khúc ông đã ký với Hãng Phim Trẻ để sản xuất phát hành, có hợp đồng đàng hoàng cũng bị người ta “cướp mất” và khi đưa lên mạng thì họ sửa cả tên tác giả, tên ca sĩ và thậm chí ghi tác giả đã mất. Đơn cử như “Tuyệt phẩm Trịnh Công Sơn”. Khi khiếu nại thì BHmedia trả lời rằng Làng Văn có toàn quyền sở hữu tác phẩm.
“Nhưng tôi đâu có ký với Làng Văn và khi yêu cầu trưng hợp đồng ra thì họ không đưa ra được. Chưa bao giờ tôi ký hay ủy quyền cho công ty nào cả ngoài VCPMC. Khi tìm hiểu tôi mới biết Làng Văn là chủ với các công ty con là Vafaco/Audio Salad và Mimosa. BHmedia là Công ty đại diện của Làng Văn tại Việt Nam. Tôi thực sự rất bất bình. Tôi đã yêu cầu VCPMC tiến hành các thủ tục theo trình tự pháp luật để lấy lại sự công bằng cho tôi. Tác phẩm là tài sản trí tuệ, đâu thể để tác phẩm của mình bị xâm phạm” - nhạc sĩ bức xúc bày tỏ.
Đồng quan điểm, nhạc sĩ Minh Châu cho biết thêm, đây là hiện trạng chung của các nhà khai thác nội dung trên nền tảng internet. Nhiều công ty, mua hoặc được ủy quyền khai thác ví dụ 1.000 bản ghi âm, nhưng sau đó công bố có quyền của tất cả các bản ghi và lại đăng ký với Youtube tác phẩm đó thuộc độc quyền của họ. Như vậy là đã cố ý gian dối ngay từ đầu, nên không chỉ tác giả mà nhiều đơn vị khác khi khai thác sử dụng tác phẩm cũng bị “tố” vi phạm bản quyền. Thậm chí có những tác giả khi tìm được đường link tác phẩm của mình bị xâm phạm, tra google cũng chả biết cái công ty đó nó ở đâu. Còn những nhạc sĩ không biết về công nghệ thì chịu rất nhiều thiệt thòi vì những vi phạm trong kinh doanh bản thu âm, ghi hình trên nền tảng mạng ở Việt Nam rất lớn.
“Tôi phản ứng mạnh buộc BHmedia phải ngay lập tức gỡ cảnh báo đối với các tác phẩm của tôi nhưng còn tới 60-70 tác phẩm của tôi bị các công ty khác nhận vơ là của họ thì sao? Vì vậy, tôi cũng như Giáng Son đều mong mỏi VCPMC cùng với những chính sách về bản quyền âm nhạc, về sở hữu trí tuệ của Việt Nam sẽ đi vào trật tự để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tác giả” - nhạc sĩ Minh Châu nói.
Có thể nói, một công ty có hoạt động khai thác về quyền tác giả, BHmedia hay bất cứ đơn vị kinh doanh nào về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực âm nhạc đều phải hiểu rõ các nhạc sĩ đã là thành viên của VCPMC thì việc mời và ký với nhạc sĩ hoặc sử dụng tác phẩm của họ mà không thông qua VCPMC trong bất kể trường hợp nào đều là phạm luật.