Học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch
Việt Nam đã trải qua 4 lần bùng phát dịch Covid-19. Đợt dịch lần thứ 4 này là dài nhất, nguy hiểm nhất và cũng thiệt hại nhiều nhất cả về kinh tế cũng như về sinh mạng con người.
Cả nước có 62/63 tỉnh thành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Gần 20 triệu học sinh, sinh viên từ mầm non đến đại học không tới trường, học trực tuyến ở nhà. Chúng ta tuyệt đối không thể xem thường tình trạng học sinh không được tới trường. Học liên tục tại nhà, phong tỏa khu dân cư là những tháng ngày khó quên trong đời của mỗi đứa trẻ. Xa bạn bè, xa trường lớp, không được đến các câu lạc bộ thể chất và nghệ thuật là những trải nghiệm đặc biệt và khó khăn mà trẻ gặp phải trong mùa dịch.
Trẻ không hoạt động tập thể, không giao tiếp trực tiếp và mất kết nối với bạn bè, thầy cô và xã hội. Trong khi đó, hoạt động là bản chất và đặc thù của trẻ. Giao tiếp là phương thức phát triển ngôn ngữ, có ảnh hưởng tới hứng thú, tinh thần, thái độ học tập của các em. Mất kết nối với xã hội, khiến trẻ không dám đến nhà bạn bè, hàng xóm và thăm người thân. Tất cả những thiếu hụt này sẽ ảnh hưởng lớn tới các yếu tố cơ bản hình thành nhân cách của trẻ ở hiện tại và tương lai…
Hiệu quả học trực tuyến thấp, ảnh hưởng nhất định tới kết quả học tập học sinh và chất lượng giáo dục. Lý thuyết lấn át thực hành, ít tương tác trong quá trình học, ít hoạt động nhóm, dễ mất động lực học tập, quên dần các kỹ năng mềm… là những hạn chế của học trực tuyến và nguy hiểm hơn là sau này trẻ khó thích ứng khi học trực tiếp trở lại.
Một thời gian dài, trẻ phải ngồi trước màn hình thiết bị điện tử khiến các em cảm giác cô lập, xa cách, gây căng thẳng, lo âu. Từ đó trẻ dễ dẫn tới gia tăng cảm xúc tiêu cực hay cáu gắt, cãi lại người lớn, luôn thấy mệt mỏi, buồn phiền, thậm chí trầm cảm, rối loạn hành vi và khó tập trung chú ý. Một số chức năng hoạt động của cơ thể bị ảnh hưởng như mỏi mắt, nhức mắt, ù tai, đau tai khi phải tiếp xúc lâu và liên tục với mạng và máy tính hay truyền hình. An toàn điện, an toàn không gian số và an ninh mạng là những vấn đề nhức nhối của nhiều gia đình, nhiều học sinh… Có học sinh đã tử vong vì điện giật hay nổ thiết bị công nghệ khi học trực tuyến.
Do khó quản lý hoạt động học trực tuyến, học sinh dễ bị sa vào những trang tin giả hoặc lừa đảo trên mạng. Đặc biệt, học sinh rất hay bị cám dỗ bởi game và nặng hơn là nghiện nó; quá mải mê Youtube, video có nội dung phản cảm, dung tục ảnh hưởng tới sự phát triển giá trị sống, tâm hồn trong sáng của trẻ sau này.
Với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- của Chính phủ trong tình hình mới, chúng ta cần linh hoạt để đưa học sinh trở lại trường, tránh những bất lợi to lớn ảnh hưởng cho sự phát triển lâu dài của mọi trẻ em. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn cho trẻ em trở lại trường phải được coi là trên hết.