Nhà văn Nguyễn Quốc Trung: An yên như mây trắng trên trời

phương Văn 13/10/2021 09:00

Dịch Covid-19 thật quái ác, nó đã cướp đi sinh mạng của biết bao người. Bất ngờ. Độc ác và tàn nhẫn. Có người vừa mươi ngày trước nói cười vô tư lự, thế mà mươi ngày sau gia đình đã nhận về lọ tro cốt. Một trong những người như thế là nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Cố nhà văn Nguyễn Quốc Trung.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung vào Viện Quân y 175 vì mắc Covid-19 ngày 30/8/2021. Đúng mười ngày sau, ngày 10/9, ông ra đi không trăn trối một lời. Chúng tôi đã mất đi một người anh, người bạn văn thầm lặng. Cuộc sống lại vơi đi.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung viết rất nhiều về mảnh đất Campuchia. Đó là các tiểu thuyết “Biên giới”, “Bên vùng thốt nốt”, “Đất không đổi màu”, “Người trong cõi người”. Anh ở chiến trường nhiều năm, trực tiếp đi theo các đoàn quân vừa cầm bút vừa cầm súng. Anh có gì đó phảng phất giống với nhà văn liệt sĩ anh hùng Nguyễn Thi. Cuộc đời Nguyễn Thi thật kỳ lạ. Nguyễn Thi viết về nhân vật anh hùng là chị Út Tịch sau này chính nhà văn cũng trở thành anh hùng. Sau này, những trang văn của Nguyễn Quốc Trung về mảnh đất Chùa Tháp cũng góp phần tạo thêm vẻ đẹp của những người lính viết văn.

Những ngày tháng ở Campuchia, Nguyễn Quốc Trung thường đi với nhà văn Nguyễn Chí Trung vừa là đàn anh vừa là thủ trưởng. Nguyễn Chí Trung nổi tiếng nghiêm khắc đã rèn luyện Nguyễn Quốc Trung như thế nào chắc chắn luôn là một bí mật. Chỉ biết rằng sau này hễ nhìn thấy Nguyễn Chí Trung lập tức Nguyễn Quốc Trung đi như chạy đến để chào hỏi. Mà anh nói rất nhanh, nhiều câu không rõ càng khiến vị thiếu tướng nghiêm hơn. Bây giờ cả hai nhà văn tên Trung đều đã bay về cõi Phật.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 quê ở Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vùng đất của những trượng phu lừng lẫy văn võ kiêm thông. Anh thường hay về quê. Hôm bố anh mất, chúng tôi vào Hương Sơn thấy gia cảnh nhà anh cũng bần hàn lắm.

Những ngày ở Campuchia đối với anh nhất định là những ngày đáng giá nhất của cuộc đời mình. Bởi vì anh chính là như được sinh ra từ đất nước Chùa Tháp vậy.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung luôn bị chiến tranh ám ảnh, đến mức anh luôn nghe thấy tiếng súng? Mỗi khi đi trong khu vườn của chiến cây ở thành phố, nhất là như bách thảo chẳng hạn, chúng tôi thường thấy anh rất bồn chồn, luôn nhìn quanh quất như sắp bị địch phục kích. Anh còn bắt chúng tôi phải hết sức cảnh giác với bóng tối, nhất là ở các lùm cây rậm rạp.

Nhà văn Vũ Cao và nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ảnh tư liệu.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung có những trang văn viết về phụ nữ rất hay. Đó là ở trong tiểu thuyết “Người đàn bà khóc mướn” viết về mối tình huyền thoại để từ đó khái quát vẻ đẹp của hai dân tộc Việt và Khơ me của một người lính tình nguyện Việt Nam với cô gái từng là đào hát làm vũ nữ hoàng gia. Văn hóa và đức tin chính là vẻ đẹp cao nhất của con người qua ngòi bút Nguyễn Quốc Trung. Nó không chỉ sống động mà đã đạt tới tầm biểu tượng. Đây chính là cuốn sách tạo nên dấu mốc thương hiệu văn chương Nguyễn Quốc Trung. Điều này cũng lý giải tại sao mỗi khi cầm bút viết về phụ nữ Nguyễn Quốc Trung thường có những trang văn sống động. Dường như trong anh vẫn mắc nợ một điều gì đó.

Trong đời sống, anh có vẻ như là người tổ chức không chặt chẽ lắm cuộc đời mình. Anh có vẻ như không đoái hoài gì tới hạnh phúc cá nhân? Thật lạ! Gia đình vợ con anh luôn là một ẩn số với chúng tôi. Đã nhiều lần chúng tôi tìm cách làm rõ điều này nhưng đều không có kết quả. Tới tận khi anh đã ra đi, bạn bè và cơ quan phải rất vất vả mới tìm được người nhà của anh, kể cũng là một sự lạ.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung nhất định là một người có tài. Nguyễn Quốc Trung lại là kẻ vụng miệng đôi khi gần sát đến vạ miệng nhưng chẳng ai chấp nhất gì anh. Anh nói thật hay nói giỡn chơi đều rất giống nhau, người đời thường coi như mây bay gió thoảng. Nhưng đến khi anh mất, chúng tôi mới nghiệm ra anh là người nghiêm chỉnh và trách nhiệm với bạn bè, với cơ quan. Còn gia đình thì như đã kể ở trên, chúng tôi xin chịu.

Nếu có chia ra văn phái thì tôi xếp đặt nhà văn Nguyễn Quốc Trung vào văn phái thầm lặng. Cả trong viết cả trong sống Nguyễn Quốc Trung đều xứng đáng ở khu vực này. Hay là do chúng tôi quá ồn ào? Hay là tại do anh bẩm sinh đã là như thế? Như thế cuộc đời có yên hàn ổn thỏa hơn chăng? Chưa chắc anh trong cuộc đời này đã bao giờ được thực sự yên hàn tĩnh tại. Lúc nào anh cũng như nhấp nhổm không yên. Gặp nhau tay bắt mặt mừng mà đôi mắt anh vẫn nhìn về đẩu đâu xa vắng. Nhiều lúc tôi cảm nhận anh như một làn khói mỏng thoắt đến thoắt đi và bây giờ đây đã bay thẳng lên trời.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tự mở ra một thế giới khác cho mình. Anh đã hoàn toàn tự do độc lập danh chính ngôn thuận mà điền tên vào trời xanh mây trắng. Mây trắng bay thanh bình.

Bây giờ, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã ra đi. Thầm lặng an yên về miền mây trắng. Nhưng với lứa nhà văn đàn em chúng tôi, anh luôn còn mãi, an yên như mây trắng trên trời.

phương Văn