Quảng Nam: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

Tấn Thành- Chí Đại 18/10/2021 13:22

Tại Quảng Nam, mưa lớn trên diện rộng 2 ngày qua cùng với thủy điện xã lũ điều tiết, nhiều vùng hạ du bị ngập nặng, trong khi đó ở miền núi sạt lở, chia cắt nhiều tuyến đường. Hiện nay ngưng mưa, nước rút, chính quyền địa phương đang tập trung khắc hậu quả để ổn định đời sống người dân.

Sáng 18/10, chúng tôi đã đi tìm hiểu việc khắc phục hậu quả mưa lũ tại nhiều địa phương. Theo đó, trên địa bàn các huyện như: Tây Giang, Phước Sơn và Đại Lộc;… thuộc tỉnh Quảng Nam trời đã tạnh mưa. Tuy nhiên một số tuyến đường ĐH 1 từ xã Phước Thành đi xã Phước Lộc mưa lớn đã làm nhiều điểm sạt lở, bùn đất từ trên triền đồi núi trôi xuống gây khó khăn cho phương tiện đi lại. Đáng lo có nhiều điểm sạt lở trên mặt đường tạo thành hồ sâu rất nguy hiểm.

Khắc phục các điểm sạt lở trên tuyến đường Km 43 ĐT 606, đoạn Tr’hy đi xã A xan.

Tại huyện Tây Giang, chính quyền huyện đã đưa máy móc đến khắc phục các điểm sạt lở tại đoạn đường Km 43+300 ở xã Tr’Hy đi các xã vùng cao huyện này. Ngoài ra, nước sông, suối trên địa bàn Tây Giang bắt nước rút xuống.

Ông Lê Hoàng Linh, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết, việc thiệt hại do mưa lớn gây ra đang được kiểm tra thống kê, đồng thời chúng tôi cho đưa phương tiện, máy móc đến các địa điểm sạt lở nặng để khắc phục sớm lưu thông đi lại giữa các xã vùng cao.

Lực lượng chức năng Tây Giang dọn dẹp bùn đất trôi vào nhà dân.

Anh Nguyễn Huy Điệp, trú huyện Tây Giang cho biết: “Sáng 18/10, trên địa bàn huyện Tây Giang trời đã tạnh mưa, tuy nhiên, nhiều đoạn đường lên các xã vùng cao vẫn bị sạt lở, chia cắt gây khó khăn cho phương tiện đi lại. Nhiều nhà dân ở địa bàn huyện bùn đất trôi vào nhà nên lực lượng xung kích giúp bà bà con đang dọn dẹp để sớm ổn định cuộc sống”.

Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, lưu lượng nước các con sông trên địa bàn đã giảm xuống. Hiện tại chính quyền đang khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở đất đá tràn xuống đường.

Bà Trương Vũ Xuân Bình đang dọn dẹp nhà cửa.

“Hiện nay, các tuyến đường trên địa bàn 3 xã vùng cao của huyện Phước Sơn gồm Phước Công, Phước Thành, Phước Lộc bị sạt lở nặng, phương tiện lưu thông đi lại hết sức khó khăn. Chúng tôi đang tập trung máy móc, nhân lực để khai thông đảm bảo thông tuyến”, ông Trung thông tin.

Còn tại huyện Nam Trà My, ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng cho biết, trên địa bàn có mưa lớn, khiến các con suối trên địa bàn dâng cao gây khó khăn cho phương tiện đi lại.

“Ngay từ tối 16/10, chính quyền xã Trà Leng đã sơ tán 100 hộ dân ở thôn 1 và thôn 2 đến ở xen ghép nơi cao ráo vững chãi để đảm bảo an toàn trước tình hình mưa lớn có thể xảy ra vài ngày tới. Cùng với việc phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương cũng đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19”, ông Cường nói.

Đồ đạc chuẩn bị được di chuyển xuống dưới sau khi nước rút.

Ở huyện Bắc Trà My, ông Trần Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, hiện tại tuyến Quốc lộ 40B lên 6 xã vùng cao của huyện và huyện Nam Trà My nước sông Trường đoạn qua địa phận xã Trà Sơn đã xuống thấp, người dân có thể đi lại bình thường.

Trong khi đó ở vùng hạ du, nếu ngày hôm qua người dân cùng nhau chạy lũ, thì hôm nay (18/10), tại huyện Đại Lộc, mức nước sông Vu Gia đang xuống thấp, bà con đang khẩn trương dọn dẹp nhà cửa, quét dọn sân vườn để đảm bảo vệ sinh môi trường; một số tuyến đường như: Nguyễn Tất Thành, thị trấn Ái Nghĩa; tuyến đường đi xã Đại Lãnh- xã Đại Hưng nước sông đã rút xuống thấp nên các phương tiện lưu thông đã đi lại bình thường.

Bà Lê Thị Hà đang dọn dẹp nhà cửa sau khi nước lũ rút.

Bà Trương Vũ Xuân Bình (42 tuổi), trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc cho hay, vào lúc 14 giờ, ngày 17/10, nước sông Vu Gia dâng lên nhanh cao nước tràn vào nhà bà. Sau đó, gia đình vội đưa các đồ đạc trong nhà lên vị trí cao. Rất may, từ khuya ngày 17 đến sáng 18/10, nước bắt đầu rút xuống, vì vậy nước rút xuống tới đâu thì bà dọn dẹp nhà cửa tới đây.

“Tôi đã quen với cảnh ngập lụt, mỗi khi vào mưa bão nên tôi và bà con địa phương đã chuẩn bị đầy đủ ghe hoặc di chuyển đồ đạc lên vị trí cao trong nhà để tránh bị thấm nước vào dẫn đến hư hỏng”, bà Bình nói.

Đang dọn dẹp nhà cửa, bà Lê Thị Hà (70 tuổi), trú xã Đại Đồng cho biết, từ hôm qua nước lũ dâng nhanh, nhà bà ngập sâu gần 2m nhiều đồ đạc không kịp đưa lên cao đã bị hư hỏng. “Đêm qua cả hai vợ chồng thức trắng để canh nước lũ. May đến sáng nay nước lũ rút nên tôi và chồng dọn lại đồ đạc, quét bùn đất bám trong nhà”, bà Hà nói.

Thầy, cô giáo Trường tiểu học Trương Hoành dọn dẹp.

Tương tự, bà Trương Vũ Xuân Bình (42 tuổi), trú Đại Đồng hay, mức nước dâng lên cao khoảng 1m, ngâm gần 5 giời đồng hồ khiến cuộc sống sinh hoạt gặp không ít khó khăn.

“Nước lũ dâng cao mà lại rút nhanh nên lượng bùn đất rất ít. Đồ đạc gia đình cũng đã đưa lên cao nên cũng không hư hỏng gì”, bà Bình chia sẻ.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, hiện nước lũ đã rút tất cả khu vực trên địa bàn huyện Đại Lộc đi lại được. Nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống sau lũ huyện đã huy động các cán bộ, chiến sĩ về các địa phương để giúp người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục một số tuyến đường bị hư hỏng.

“Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương làm báo cáo thiệt hại sau trận lũ, sớm lê phương án hỗ trợ đối với những hộ dân chịu thiệt hại nặng”, ông Quang thông tin.

Báo cáo ban đầu của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cho biết, về nông nghiệp huyện Nam Giang có 2,3 ha lúa rẫy bị ngã đỗ, 1 điểm trường thôn Cha’ nốc, xã Ch’ơm, huyện Tây Giang bị ngập bùn đất 20cm; đất đá sạt lỡ vào trường mẫu giáo Sơn Trà, thôn 2, xã Trà Giáp, huyện Bắc Trà My; 2 nhà dân ở xã Phước Hiệp, Phước Xuân bị tốc mái.

Các tuyến đường ĐH đi xã vùng cao huyện Phước Sơn bị sạt lở, ngập nước tại các ngầm tràn tạm chưa lưu thông được; các cầu tạm tại xã Phước Thành đã bị cuốn trôi 2 cái, Phước Kim 1 cái; Một số tuyến đường ở huyện Tây Giang bị ngập sâu trên 1m gây ách tắc giao thông; đoạn đường tại thôn Cr’tooh, xã A Vương; tuyến đường ĐT 606 bị ngập sâu tại 2 vị trí trí Km 17+250 (cầu Bhalừa), Km 17+650 (ngầm tràn);…

Hiện nay ở Quảng Nam đã ngừng mưa, người dân từ vùng núi đến đồng bằng đã và đang tập trung dọn dẹp vệ sinh môi trường, tích cực sửa chữa các tuyến đường bị sạt lở để đảm bảo giao thông. Tuy nhiên hiện đã bước vào mùa mưa bão người dân nhất là vùng sạt lở núi và ngập sâu khi lũ về luôn trong tâm trạng lo âu.

Tấn Thành- Chí Đại