Điểm lại những đại án kinh tế được xét xử trong vòng 2 năm qua
Nhìn lại những đại án kinh tế trong 2 năm qua có thể thấy nhiều đối tương sử dụng thủ đoạn lắt léo để hòng thoát tội, qua mặt cơ quan kiểm tra, giám sát. Thậm chí, có đối tượng gây thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhận hối lộ số tiền hối lộ rất lớn "xưa nay chưa từng có",...
Năm 2020
Trong năm 2020, nhiều vụ đại án tham nhũng, kinh tế đã được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ chủ chốt, nguyên là lãnh đạo cấp cao vi phạm bị xử lý hình sự.
Đáng chú ý là vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.
Tháng 4/2020, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử đối với bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cùng một số đồng phạm liên quan thương vụ nói trên.
Theo hồ sơ bản án, bị cáo Nguyễn Bắc Son với tư cách Bộ trưởng là người trực tiếp thành lập, đánh giá dự án, định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý bản ghi nhớ, ký quyết định thành lập tổ thẩm định, thống nhất giá mua 95% cổ phần là hơn 8.900 tỷ đồng.
Sau khi MobiFone chuyển tiền cho AVG, ông Nguyễn Bắc Son đã nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ (cựu Chủ tịch HĐQT AVG) số tiền 3 triệu USD.
Theo HĐXX cấp phúc thẩm, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo gây thiệt hại thuộc sở hữu nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng, làm chậm tiến độ cổ phần hóa MobiFone.
Một số bị cáo nhận số tiền hối lộ rất lớn "xưa nay chưa từng có" nên cần có hình phạt nghiêm khắc để đảm bảo tính răn đe.
Ông Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên y án chung thân về tội “Vi phạm quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Nhận hối lộ”.
Đầu tháng 12/2020, Tòa án Quân sự Trung ương đã mở phiên xét xử phúc thẩm vụ án mất quyền quản lý, sử dụng trong 49 năm đối với 3 lô đất nằm trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP HCM gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước 939 tỷ đồng
HĐXX phúc thẩm tuyên án ông Nguyễn Văn Hiến, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, 3 năm 6 tháng tù (án sơ thẩm 4 năm tù).
HĐXX cũng bác kháng cáo của bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn), tuyên 20 năm tù (tổng hợp hình phạt chung với bản án trước đó, bị cáo phải chấp hành bản án 30 năm tù).
Cũng liên quan đến bị cáo Đinh Ngọc Hệ, ngày 22/12/2020, TAND TP HCM đã mở phiên tòa xét xử liên quan đến những sai phạm tại cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Bản án sơ thẩm đánh giá, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải) thừa nhận hành vi nhưng xác định không phạm tội danh như cáo trạng truy tố.
Tuy nhiên, từ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án cùng lời khai của các bị cáo tại tòa và tại cơ quan điều tra, HĐXX cho rằng có cơ sở khẳng định ông Thăng và các cán bộ ở Bộ Giao thông Vận tải đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát lãng phí.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") đã lợi dụng mối quan hệ với bị cáo Đinh La Thăng để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước ngay từ đầu. HĐXX nhận định, bị cáo Hệ là chủ mưu, chỉ đạo làm giả hồ sơ để được tham gia đấu giá.
Kết thúc phiên tòa, TAND TP HCM đã tuyên án ông Đinh La Thăng 10 năm tù.
Tòa tuyên phạt bị cáo Đinh Ngọc Hệ án chung thân tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 13 năm tù tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Tổng hợp hình phạt với bản án trước đó là tù chung thân.
Năm 2021
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban KTTƯ đã thành lập 14 đoàn kiểm tra; đã xử lý, kiến nghị xử lý kỷ luật một tổ chức đảng trực thuộc Trung ương, 7 cán bộ diện Trung ương quản lý và nhiều cán bộ, lãnh đạo quản lý các doanh nghiệp nhà nước có sai phạm.
Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế trên 54.470 tỷ đồng và 1.760 ha đất, kiến nghị xử lý tài chính hơn 23.499 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 7.000 tỷ đồng và 644 ha đất.
Hơn 850 tập thể và hơn 2.000 cá nhân bị kiến nghị xử lý hành chính. Ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý 20 vụ, 35 người tham nhũng và có liên quan đến tham nhũng.
Các cơ quan tố tụng khởi tố 1.850 vụ án với gần 3.300 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Đáng chú ý, trong số này vụ án Ethanol Phú Thọ.
Tháng 3/2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo trong vụ án này đã gây hậu quả nghiêm trọng khiến Dự án phải dừng thi công. Dự án này chưa hoàn thành, chưa có hạng mục nào đi vào hoạt động nên các cơ quan tố tụng đã xác định thiệt hại là hơn 543 tỷ đồng.
Tại phiên tòa, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Đinh La Thăng 11 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Tổng hợp với bản án 30 năm tù trước đó, hình phạt chung áp dụng đối với bị cáo Đinh La Thăng là 30 năm tù.
Cùng bị tuyên phạt về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” với bị cáo Thăng còn có 9 bị cáo khác.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị phạt 10 năm tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp hình phạt đối với 2 tội danh này là 18 năm tù. Tổng hợp với các bản án trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Thanh là tù chung thân.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng (Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Công ty CP Đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc - PVC Kinh Bắc) bị tuyên phạt 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Tổng hợp với bản án 13 năm tù trước đó, hình phạt chung đối với bị cáo Hồng là 17 năm tù.
Tháng 5/2021, HĐXX TAND TP Hà Nội đã tuyên bản án sơ thẩm đối với 14 bị cáo trong vụ án “Buôn lậu”, “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Nhật Cường.
Theo bản án, trong quá trình kinh doanh của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã thực hiện việc buôn lậu hàng hóa, thành lập Công ty Nhật Cường Quảng Châu (Trung Quốc) để phục vụ cho việc vận chuyển hàng lậu.
Cụ thể, Bùi Quang Huy đã thuê nhiều đường dây vận chuyển hơn 250.000 sản phẩm lậu (di động các loại, máy tính, máy nghe nhạc...) từ nước ngoài qua đường biển, đường hàng không về Việt Nam tiêu thụ.
Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy và đồng phạm đã tiêu thụ được 255.000 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.
Về hành vi “Vi phạm quy định về hoạt động kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, từ năm 2014, bị cáo Bùi Quang Huy chỉ đạo lập hai hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP (có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con để theo dõi nội bộ) và phần mềm MISA (để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước...).
Hành vi này của các đối tượng theo HĐXX còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp, tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.
HĐXX sơ thẩm quyết định xử phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc Tài chính Công ty Nhật Cường) 14 năm tù về cả hai tội danh “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó TGĐ Công ty Nhật Cường) lĩnh án 13 năm về tội “Buôn lậu”.
Các bị cáo còn lại nhận mức hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội.
Cũng trong năm 2021, đại án thất thoát hơn 1.600 tỷ tại BIDV liên quan đến cựu Chủ tịch Trần Bắc Hà khiến dư luận không khỏi xôn xao.
Tháng 6/2021, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV).
Các bị cáo trong vụ án có đơn kháng cáo, gồm: Đinh Văn Dũng (cựu TGĐ Công ty Bình Hà), Đoàn Hồng Dũng (cựu GĐ Công ty Trung Dũng), Nguyễn Thị Thanh Sơn (cựu GĐ Công ty Hà Nam).
Theo hồ sơ bản án, trong khoảng thời gian từ năm 2011 - 2016, lợi dụng chức trách được giao, ông Trần Bắc Hà đã chỉ đạo cấp dưới tại BIDV và BIDV - Chi nhánh Hà Tĩnh, Chi nhánh Hà Thành cho Công ty Bình Hà và Công ty Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát cho BIDV số tiền 1.664 tỷ đồng.
Quá trình xét xử, HĐXX cấp phúc thẩm quyết định bác kháng cáo của 3 bị cáo có đơn kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm.
Cụ thể, bị cáo Đinh Văn Dũng lĩnh án 12 năm tù; Đoàn Hồng Dũng 18 năm tù; Nguyễn Thị Thanh Sơn 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Hơn 14.400 tỷ đồng được thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 1.990 tỷ đồng.
Kết quả phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng diễn ra vào đầu tháng 8/2021, Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm cần khẩn trương xét xử 5 đại án, trong số này có vụ án liên quan cựu tổng cục phó tình báo. Năm vụ án được yêu cầu khẩn trương đưa ra xét xử gồm: Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Tham ô tài sản, Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) và các đơn vị liên quan; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ, Nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan. |