Tòa án nhân dân huyện Sóc Sơn có ‘om bản án’?
Tòa án nhân dân (TAND) huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị tố có dấu hiệu vi phạm, vì sau thời hạn 15 ngày tuyên án, nhưng nguyên đơn không nhận được bản án. Việc này đã khiến nguyên đơn không thể thực hiện được quyền kháng cáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp hi hữu xảy ra đối với chị Lê Thị N. (trú tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Chị N. là nguyên đơn trong một vụ án ly hôn, theo Luật Hôn nhân và gia đình. Anh H. chồng chị N. là bị đơn.
Vụ án ly hôn tưởng chừng là nhỏ lẻ, nhưng những vấn đề về quy trình, hình thức và trình tự thủ tục giải quyết lại thể hiện những giá trị pháp lý quan trọng mà những người có thẩm quyền nếu bỏ qua thì sẽ dẫn đến những hệ lụy và thiếu tính nghiêm minh trong công tác xét xử của ngành tòa án, ảnh hưởng đến uy tín và năng lực của hệ thống tư pháp.
Chị N. cùng gia đình chồng - anh H., chung sống trên mảnh đất rộng hơn 1.200 m2 (trong đó có 240 m2 đất ở và hơn 1.000 m2 đất nông nghiệp liền kề). Do phần đất nông nghiệp của chị N. được phân chia từ rất lâu trong quá trình sinh sống ở nhà chồng, khi tình cảm gia đình chưa rạn vỡ, qua quá trình thực hiện chính sách của nhà nước về việc “dồn điền đổi thửa” nên phần diện tích đất nông nghiệp của chị N. hợp thành một khối, không xác định vị trí riêng tư cụ thể.
Khi hạnh phúc đổ vỡ, thì chính điều này lại gây xáo trộn và khó khăn trong công tác hòa giải, chia tài sản, ai cũng muốn giữ cho mình cái lợi. Quá trình hòa giải, thẩm phán cùng gia đình anh H. luôn “hướng” cho chị N. nhận 1 mảnh đất nông nghiệp bỏ hoang không canh tác được, cách xa nhà, không có đường vào vì các hộ khác làm nhà, xây tường ngăn cách bịt kín lối đi. Xác minh thông tin tại UBND xã Tân Minh thì mảnh đất nông nghiệp này không phải mảnh đất nông nghiệp của chị N. được phân chia nên việc hòa giải, phân chia không thành.
Ngày 30/9/2021 vụ án ly hôn giữa chị N. và anh H. được TAND huyện Sóc Sơn đưa ra xét xử. Tỷ lệ tài sản được tòa xác định, anh H. hưởng 65% và chị N. hưởng 35% (người chồng hưởng 2/3 ngôi nhà hiện tại và 2/3 diện tích đất ở). Phần đất nông nghiệp mà chị N. được hưởng theo sự phân chia mà Nhà nước giao là 180 m2 chính là mảnh đất nông nghiệp “không thể canh tác được, không có lối vào(!?)”.
Chị N. cho rằng việc phân chia tài sản tại tòa là thiếu khách quan khi nhà và đất ở, đất nông nghiệp được chị và anh H. tạo lập suốt từ năm 1999 tới nay. Tiền thuế cùng đóng hàng năm, cùng dành công sức, tiền bạc đóng góp tôn tạo. Trong khi đó tòa lại tuyên chia anh H. hưởng gần hết ngôi nhà 2,5 tầng và 2/3 diện tích ở. Để chị và cô con gái đang tuổi vị thành niên không có nhà ở, phải đi thuê.
Không đồng ý với phán quyết của tòa, khi chị phải nhận mảnh đất nông nghiệp “không canh tác được, không có lối vào” và phần diện tích nhà, đất ở ít hơn dù công tôn tạo, gây dựng với anh H. là như nhau. Hơn nữa, còn phải nuôi cô con gái đang tuổi vị thành niên nên chị N. muốn kháng cáo lại vụ án thì lại không nhận được bản án để có thể thực hiện được quyền của mình (!?)
Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Mậu Trường, Chánh án TAND huyện Sóc Sơn cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh, ông đã nhắc nhở thẩm phán xét xử phải đảm bảo tố tụng một cách khách quan, vô tư. Việc chưa giao án, ông Trường sẽ nhắc nhở. Những gì thuộc công tác quản lý, ông Trường sẽ trao đổi, chấn chỉnh đối với thẩm phán, sẽ làm rõ sau.
Điều 269 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015: Cấp trích lục bản án; giao, gửi bản án
1. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc phiên tòa, các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện được Tòa án cấp trích lục bản án.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tuyên án, Tòa án phải giao hoặc gửi bản án cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện và Viện kiểm sát cùng cấp.