Mở cửa, nếu không muốn chậm chân
Nói về chính sách mở cửa của Singapore dù vẫn còn nhiều ca nhiễm, Giáo sư Teo Yik Ying (Hiệu trưởng Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock) cho rằng, điều đó sẽ mang lại lợi ích cho người dân và quan hệ thương mại. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã rục rịch mở cửa trở lại, để hồi phục kinh tế.
Lợi ích nhiều hơn rủi ro
“Chung sống với Covid-19 không phải là một hành trình suôn sẻ và dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng phải kết nối trở lại với thế giới. Đặc biệt là chúng ta phải tiếp tục mở lại biên giới một cách an toàn” - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói giữa lúc số ca nhiễm vẫn tăng và có dấu hiệu gây áp lực lên hệ thống y tế.
Theo tờ Straits Times, Singapore dự kiến mở thêm “làn đi lại” cho người được tiêm chủng đầy đủ đến từ 9 quốc gia khác là Anh, Canada, Đan Mạch, Pháp, Italy, Hà Lan, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Mỹ, bắt đầu từ hôm nay, ngày 19/10. Straits Times dẫn lời Giáo sư Teo Yik Ying rằng “lợi ích từ chính sách mở cửa này chắc chắn nhiều hơn rủi ro. Rủi ro lây lan dịch bệnh là có, nhưng không lớn hơn nguy cơ lây nhiễm cộng đồng từ người dân địa phương kể cả khi khách nước ngoài đến nhiều vì họ cũng đã tiêm đầy đủ vaccine”.
Ông Teo Yik Ying cũng lý giải nguyên nhân thúc đẩy Singapore mở cửa bao gồm 2 yếu tố: Thứ nhất là yếu tố sức khỏe cộng đồng và thứ hai là yếu tố kinh tế. Tới nay, tỷ lệ tiêm chủng của Singapore đã đạt hơn 85%. Các ca bệnh mới mắc phần lớn không có triệu chứng, được phát hiện nhờ chiến lược truy vết để cách ly và xét nghiệm. Vì thế cũng khó tiến triển thành bệnh nặng.
Từ đó Giáo sư Teo cho rằng, trong bối cảnh này rủi ro phát sinh từ khách du lịch thực sự rất thấp, và trên thực tế thấp hơn nhiều so với từ chính người dân địa phương, vì du khách quốc tế đến Singapore sẽ cần phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với Covid-19.
“Với những gì đã và đang diễn ra, nếu chúng ta không sớm mở cửa với thế giới thì sẽ chậm chân” - ông Teo nói.
Nhiều nước rục rịch mở cửa
Từ tháng 4 cho tới tháng 6, Ấn Độ quằn quại trong đại dịch, do biến thể Delta 16. Những người bi quan cho rằng quốc gia đông dân thứ hai thế giới sẽ còn phải chịu sự hủy hoại kéo dài. Nhưng tới nay, chính Ấn Độ lại cũng đang rục rịch mở cửa.
Kể từ hôm 15/10, Ấn Độ đã rộng cửa đón du khách nước ngoài được tiêm phòng đầy đủ và xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành.
Quyết định mở cửa biên giới được đưa ra nhờ số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày tại Ấn Độ giảm xuống dưới 20.000 ca (từ mức cao nhất 400.000 ca hồi tháng 5) và nhiều người dân đã được tiêm phòng. Theo AP, gần 70% dân số trưởng thành đủ điều kiện tiêm chủng của Ấn Độ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Cũng trong ngày 15/10, thành phố Sydney của Australia cũng đã cho phép du khách nước ngoài đã tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh mà không cần cách ly. Bang New South Wales, gồm thành phố Sydney, là bang đầu tiên của Australia đạt tỉ lệ tiêm phòng 80% dân số trong ngày 16/10, vượt xa những nơi còn lại của nước này.
Trước đó, Australia đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020, chỉ cho phép công dân và người thường trú nhập cảnh với điều kiện tự trả chi phí cách ly 2 tuần tại khách sạn. Theo Reuters, Thủ đô Canberra cũng đã dỡ bỏ phong tỏa sau hơn 2 tháng, với các quán cà phê, quán rượu và phòng tập thể dục được mở cửa.
Còn tại Malaysia, trong một nỗ lực mở cửa biên giới, Chủ tịch Hội đồng Phục hồi quốc gia Muhyiddin Yassin cho biết, chính phủ đang cân nhắc cho phép nhập cảnh mà không cần cách ly hoặc cách ly ngắn hạn đối với du khách quốc tế đã tiêm chủng đầy đủ, đến từ một số quốc gia nhất định. Ông Yassin cũng cho rằng mở cửa biên giới là điều không thể thiếu trong quá trình phục hồi hậu Covid-19. Các du khách có thể được yêu cầu xét nghiệm nhanh âm tính trước khi khởi hành bên cạnh việc có chứng nhận tiêm phòng vaccine đầy đủ.
Khi tỷ lệ tiêm phòng đã tăng lên, Hàn Quốc cũng khẩn trương chuẩn bị chuyển sang chiến dịch “sống chung với Covid-19”. Kể từ ngày 18/10, các cuộc tụ tập ở thủ đô Seoul đã được phép nâng lên tối đa 8 người nếu 4 người trong số này đã tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc cũng nới lỏng các hạn chế về giờ hoạt động đối với nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim.
Trong bối cảnh chung khi thế giới xác định “sống chung với Covid”, việc các quốc gia mở cửa biên giới được cho là phương án đúng đắn, tuy rằng nỗi lo tái bùng phát dịch bệnh vẫn còn đó. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, đã đến lúc cần coi SARS-CoV-2 như bệnh cúm mùa, hay còn gọi là bệnh “đặc hữu”. Mà đã như vậy thì không thể “ngồi đợi”, mà phải chủ động mở cửa biên giới.
“Covid-19 đã gây ra thảm họa cho loài người suốt gần 2 năm qua. Giờ là lức phải để cho cuộc sống bình thường trở lại. Nếu cứ co cụm thì những nỗ lực khống chế dịch suốt thời gian qua cũng như việc tiêm vaccine mất đi rất nhiều ý nghĩa” - Giáo sư dịch tễ học Mario Cambell nói với Straits Times.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, số ca tử vong do dịch Covid-19 giảm xuống mức thấp nhất trên phạm vi toàn cầu trong gần một năm qua với gần 50.000 ca tử vong hồi tuần trước. Số ca tử vong do Covid-19 đang giảm ở mọi khu vực, tuy nhiên bất bình đẳng về vaccine vẫn tiếp tục diễn ra ở phần lớn các nước đang phát triển. Ông Tedros cho biết 56 quốc gia vẫn chưa đạt được mục tiêu của WHO về tiêm phòng cho 10% dân số, đồng thời các trường hợp tử vong được ghi nhận cao nhất ở các quốc gia ít được tiếp cận với vaccine nhất.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO), cho biết số ca mắc Covid-19 nói chung đang giảm ở khu vực Bắc Mỹ nhưng vẫn ở mức cao ở Trung Tây Mỹ, Alaska và lãnh thổ Tây Bắc của Canada.