Băn khoăn việc huy động vàng trong dân

H.Hương 19/10/2021 06:30

Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn tiền trong dân còn rất nhiều và thường được dự trữ qua vàng. Nền kinh tế vừa trải qua bão dịch Covid -19, câu hỏi đặt ra hiện nay là làm sao huy động được vàng trong dân để đưa vào sản xuất kinh doanh, thay vì để vốn chết?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trong cuộc họp Thường vụ Quốc hội hôm 12/10 cũng quan tâm đến việc, làm sao để huy động nguồn lực trong dân? Làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai hay vàng, USD, hay gửi tiết kiệm ...

Giới chuyên gia cho rằng, cần phải huy động được nguồn lực nhàn rỗi trong dân, trong đó có nguồn lực tiềm năng là hàng trăm tấn vàng. Lượng vàng này quy đổi ra có thể giảm áp lực vay nợ nước ngoài, giúp Chính phủ có thêm nguồn lực để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tái sản xuất kinh doanh.

Nhiều năm trước, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) từng kiến nghị huy động 500 tấn vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh. Đại diện VGTA cho biết, người Việt luôn xem vàng là tài sản để dành và tích trữ, mang lại sự may mắn và an tâm lâu dài cho cuộc sống. Một lượng lớn vàng, tương đương nhiều tỷ USD, của người dân đang nằm “bất động” là sự lãng phí rất lớn.

Có một nguồn lực tiềm năng như vậy nhưng làm thế nào để có thể huy động nguồn vốn đó? Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, có thể sử dụng số vàng đó để thế chấp với các tổ chức tài chính thế giới và vay tiền của họ. Bởi Việt Nam vẫn cần phải vay nợ nước ngoài. Ông Hiếu đề xuất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là cơ quan chủ trì để huy động nguồn vốn từ nhân dân qua việc phát hành chứng chỉ vàng. Đây là một công cụ tài chính phổ biến trên thế giới. Theo đó, NHNN sẽ đứng ra huy động số vàng từ nhân dân thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại (NHTM) và số vàng đó sẽ được lưu trữ tại các NHTM dưới sự ủy quyền của NHNN. Đồng thời, NHNN cũng cam kết với người dân sẽ trả lại đúng với số vàng mà đã vay từ nhân dân.

TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, NHNN nên ủy quyền cho một ngân hàng nào đó chuyên huy động và cho vay bằng vàng. Đặc biệt cần có sự tham gia của NHNN để tạo lòng tin trong nhân dân. Đồng thời cũng cần xây dựng sàn giao dịch vàng và việc mua bán, trao đổi sẽ không bằng vàng vật chất mà qua chứng chỉ vàng. Điều này sẽ giúp việc giao dịch hiệu quả và an toàn hơn.

Còn theo chuyên gia kinh tế - TS Phạm Xuân Hòe, mấu chốt của việc huy động vốn là nằm ở lòng tin của người dân. Theo đó, để huy động được nguồn vốn từ nhân dân cần có sự công khai, minh bạch từ việc huy động đến việc sử dụng nguồn vốn của Chính phủ.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, huy động vàng, dù ở bất kỳ hình thức nào, cũng khiến tình trạng vàng hóa gia tăng và kích thích tâm lý tích trữ vàng. Vay vốn bằng vàng, dù đã bớt rủi ro vì bảo hiểm trượt giá, thì vẫn làm tăng gánh nặng nợ quốc gia trong tương lai. Chưa kể, trong bối cảnh vốn ngân hàng đang ứ thừa hiện nay, việc đặt vấn đề huy động vàng là chưa cần thiết.

Việc các chuyên gia lo lắng, sốt ruột khi một lượng vàng lớn đang nằm bất động trong dân là dễ hiểu. Song có lẽ còn đáng lo hơn nếu lượng vàng được “bơm” ra nền kinh tế một cách không hiệu quả. Nếu không khéo, an toàn của hệ thống ngân hàng cũng bị ảnh hưởng. Việc các ngân hàng trả giá quá đắt vì huy động vàng thời gian trước đây chính là bài học khiến NHNN thận trọng.

Có ý kiến cho rằng, bản chất việc huy động vàng là đi ngược lại với nguyên tắc kinh tế. Vàng, hiện được cất giữ trong dân, có tính chất giống như mọi tài sản khác và chỉ ưu việt hơn về giá trị. Nếu thực hiện huy động, vàng sẽ mang thêm chức năng là phương tiện lưu thông tương tự như tiền. Khi có thêm chức năng này, nhu cầu về vàng sẽ tăng lên. Cộng với các ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, khi giá vàng thế giới tăng sẽ tạo ra những cú sốc tích trữ, đầu cơ, khiến thị trường bất ổn và dễ tổn thương hơn.

H.Hương