‘Cởi trói’ cho điện ảnh
Theo kế hoạch, kỳ họp thứ 2 Quốc hội khoá XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được lấy ý kiến thảo luận và xem xét, nếu được sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022. Đây được xem là tiền đề quan trọng trong việc tạo ra cơ chế chính sách để phát triển nền công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam.
Cắt bỏ các quy định “nhiêu khê”
Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ bảo đảm quán triệt, bám sát 4 định hướng lớn. Cụ thể, tạo hành lang pháp lý để phát triển ngành điện ảnh theo hướng vừa là một ngành nghệ thuật sáng tạo, vừa là ngành kinh tế, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển trong tổng hòa mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác (du lịch, vui chơi, giải trí, truyền thông…).
Các quy định, chính sách pháp luật bảo đảm nguyên tắc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; nâng cao hưởng thụ văn hóa của người dân. Bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, huy động các nguồn lực, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng chuyển đổi số để phát triển ngành công nghiệp điện ảnh. Luật ban hành phải phù hợp, đồng bộ, khả thi khắc phục tình trạng luật khung, luật ống; chính sách đưa ra phải đánh giá kỹ lưỡng, gắn với nguồn lực thực hiện.
Có thể nói, so với những quy định hiện hành của Luật Điện ảnh 2006 các sửa đổi trong dự thảo đang tạo ra những cơ chế mở, “cởi trói” cho các doanh nghiệp làm điện ảnh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng nhìn nhận, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đang đưa ra giải pháp rất phù hợp, đó là quy định theo hướng hậu kiểm, kèm theo tiêu chí phân loại và danh sách các hành vi bị cấm để xử lý khi phát hiện sai phạm. Tiền kiểm thường chỉ áp dụng với mục đích hạn chế rủi ro tiềm năng trong những trường hợp mối nguy hại rất lớn và hiện hữu. Trong khi đó, cơ chế hậu kiểm vừa đủ đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, bảo đảm phim được phát hành tuân thủ theo các tiêu chí đánh giá của cơ quan chức năng, vừa phù hợp với thực trạng hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành điện ảnh, đặc biệt là các dịch vụ video theo yêu cầu - VOD.
Bên cạnh đó, ông Đồng cũng đề xuất, nếu coi phân loại phim là một dịch vụ nên cho phép hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh tham gia cung cấp dịch vụ phân loại nội dung phim và Hội đồng Trung ương về thẩm định và phân loại phim sẽ đóng vai trò “cầm cân nảy mực” khi có các tranh chấp, khiếu nại về phân loại phim. Cần bổ sung quy định phải có công cụ trực tuyến thân thiện để người dùng có thể báo cáo vi phạm một cách thuận lợi. Ngoài ra, cần bỏ Điều 14 về “Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài” vì Luật Doanh nghiệp, Luật Dân sự hiện đã đủ điều chỉnh.
“Khát vọng của mọi nền điện ảnh đều hướng đến sản phẩm có giá trị nghệ thuật cao, đoạt các giải thưởng danh giá. Tuy nhiên, để có các tác phẩm giá trị nghệ thuật cao như thế, chúng ta cần chân đế tốt hơn. Chân đế của ngành công nghiệp điện ảnh là các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp dịch vụ điện ảnh. Hiện nay chân đế của ngành công nghiệp Việt Nam rất hạn hẹp” - ông Đồng bày tỏ.
Cần có cách nhìn thông thoáng
Không thể phủ nhận trong những năm qua nền điện ảnh Việt Nam đã và đang có những bước tiến vượt bậc. Tuy nhiên, cùng với các bộ phim đạt doanh thu hàng trăm tỷ hay các giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế vẫn là những “án phạt” bởi những bộ phim đi “thi chui” hay không đáp ứng được các tiêu chí của Hội đồng thẩm định. Nhưng ngoài những bộ phim bị phạt “đúng người, đúng tội” thì nhiều tác phẩm bị “tuýt còi” bởi những nguyên nhân hết sức “tréo ngoe”.
Giám đốc điều hành công ty giải trí Thaole Entertainment Lê Thị Phương Thảo cho rằng, đối với việc phổ biến phim trên mạng, áp dụng phương thức hậu kiểm là phù hợp, bởi chúng ta chưa có đủ lực lượng, nguồn lực để thực hiện tiền kiểm, khi mỗi ngày có hàng nghìn sản phẩm được đưa lên internet. Nên giao trực tiếp cho đơn vị cung cấp dịch vụ phân loại, dán nhãn phim.
Ngoài ra, bà Thảo cũng cho biết, nhiều đoàn phim Hollywood từng liên hệ để quay tại Việt Nam nhưng đa phần rất khó để thực hiện. Khi đoàn phim nước ngoài có ý tưởng hay, có quyết tâm, ngân sách để thực hiện ngay, thì có khi quy trình lại mất đến một năm. Chúng ta cần bổ sung cụ thể quy trình cấp phép tại Việt Nam càng sớm càng tốt để họ nhanh chóng quyết định vào quay, hợp tác với chúng ta sau đại dịch.
Còn dưới góc độ làm phim, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng, có những nội dung cấm rất hiển nhiên được đề cập đến trong các bộ luật khác như vi phạm Hiến pháp, tuyên truyền chống Nhà nước, ủng hộ khủng bố, kích động tôn giáo, không cần thiết phải nhắc lại trong Luật Điện ảnh... Nhưng bên cạnh đó, một số nội dung lại quá mơ hồ và cần được lý giải rõ ràng thế nào là vi phạm chính sách tôn giáo quốc gia, hay thế nào là nội dung xâm hại trẻ em bị nghiêm cấm. Khi dự thảo Luật đưa ra không rõ ràng sẽ dẫn đến việc tùy ý diễn giải, vô tình hoặc cố ý gây khó dễ người làm phim đều có thể xảy ra.
Thực tế cho thấy, thời gian qua câu chuyện điện ảnh nói chung và việc góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khá “nóng”. Từ ý kiến của chính những người trong cuộc là các nhà sản xuất, nhà làm phim, đơn vị phát hành… tại các diễn đàn mới thấy dù đã hết sức cố gắng nhưng điện ảnh Việt đang phải “gồng mình” thích ứng với những quy định “xưa cũ”. Vì thế, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất cập hiện nay, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn thúc đẩy ngành công nghiệp điện ảnh phát triển, khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh và tận dụng được cơ hội từ sự phát triển của khoa học, công nghệ, kỹ thuật số. Cho dù Luật Điện ảnh (sửa đổi) không thể đưa vào hết các chính sách phát triển ngành; nhưng có thể tạo cú hích lớn thông qua những quy định thuận lợi và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp và người sáng tạo nội dung.