Nhiều tập đoàn nhà nước làm ăn kém hiệu quả
Covid-19 ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp nhà nước, nên lãi trước thuế năm 2020 của 11 tập đoàn, tổng công ty giảm tới 21% so với 2019, chỉ đạt 116.776 tỷ đồng.
Chính phủ vừa gửi Quốc hội báo cáo về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2020. Báo cáo tổng hợp tình hình sức khoẻ của 807 doanh nghiệp có vốn góp nhà nước đến 31/12/2020, trong đó 459 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; 187 đơn vị Nhà nước giữ 50% vốn và 161 doanh nghiệp có dưới 50% vốn nhà nước.
Theo báo cáo Chính phủ, tổng tài sản của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các công ty mẹ - con là hơn 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1% so với 2019. Tài sản cố định chiếm bình quân 36% tổng tài sản.
Chính phủ đánh giá, Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp nhà nước, nên lãi trước thuế năm 2020 của 11 tập đoàn, tổng công ty giảm tới 21% so với 2019, chỉ đạt 116.776 tỷ đồng.
Các tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, như Viettel 39.372 tỷ đồng, PVN 19.860 tỷ đồng, EVN 15.316 tỷ đồng, VNPT 7.055 tỷ...
Tính riêng công ty mẹ, một số tập đoàn, tổng công ty có lãi trước thuế năm 2020 giảm sâu, như công ty mẹ PVN giảm 36%, doanh thu giảm 17% so với thực hiện 2019. Công ty mẹ TKV giảm lãi trước thuế và doanh thu lần lượt là 48% và 7%, do ảnh hưởng của Covid-19 đã tác động trực tiếp tới thị trường tiêu thụ than, khoáng sản.
Hay công ty mẹ EVN giảm 24% lãi trước thuế, doanh thu cũng giảm 2% so với 2019. Năm 2020, EVN hỗ trợ giảm 12.300 tỷ tiền điện cho người dân chịu ảnh hưởng của Covid-19 nên doanh thu giảm, đồng thời chi phí nguyên liệu đầu vào tăng.
Còn công ty mẹ Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam có lãi trước thuế giảm 99%, doanh thu giảm 56% so với 2019; công ty mẹ Mobifone giảm 24% lãi trước thuế, doanh thu cũng giảm 9%...
Vì nhiều lý do, gồm cả chủ quan, khách quan, báo cáo của Chính phủ cho biết số lỗ luỹ kế theo báo cáo hợp nhất của 11 tập đoàn, tổng công ty là hơn 11.464 tỷ. Trong đó, Vinachem lỗ phát sinh gần 5.393 tỷ đồng; Vinalines 3.171 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.257 tỷ đồng, Tổng công ty Cà phê Việt Nam 848,5 tỷ đồng...
7 công ty mẹ lỗ luỹ kế 6.064 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ Vinachem lỗ 2.953 tỷ đồng; công ty mẹ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam 1.257,3 tỷ đồng; công ty mẹ Vinalines 1.117 tỷ đồng... Các doanh nghiệp nhà nước giữ 50% vốn cũng có số lỗ lớn. Theo báo cáo hợp nhất, tổng số lỗ phát sinh của 30 trong 187 doanh nghiệp là 12.003 tỷ đồng. Tính riêng công ty mẹ, có 3 doanh nghiệp ghi nhận lỗ phát sinh 9.032 tỷ đồng.
Một số công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty có khoản nợ phải thu khó đòi lớn, như Vinachem là tập đoàn có nợ phải thu khó đòi của công ty mẹ lớn nhất với 11.005 tỷ đồng do phải trả nợ khoản vay nước ngoài của dự án đạm Ninh Bình theo chỉ đạo của Thủ tướng với khoản vay của China Eximbank, nhưng công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình không thanh toán nợ cho tập đoàn đúng hạn. Vinachem đã phải trích lập dự phòng rủi ro nợ phải thu khó đòi 3.974 tỷ đồng.
PVN cũng có khoản nợ phải thu của công ty mẹ là 6.410 tỷ đồng, gồm uỷ thác cho vay qua ngân hàng OceanBank 819 tỷ đồng, PVComBank 707 tỷ đồng; Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn 4.218 tỷ đồng; PVText 295 tỷ đồng. PVN đã trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 4.357 tỷ đồng.
Viettel cũng có khoản nợ phải thu của công ty mẹ 877 tỷ đồng, MobiFone là 693 tỷ đồng chủ yếu là nợ cước viễn thông của khách hàng.
Một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu trên tổng tài sản cao (trên 50%) là Tổng công ty xây dựng Lũng Lô 1.365 tỷ đồng (66%); Tổng công ty Tháo Sơn 2.250 tỷ đồng (63%), Vinachem 9.989 tỷ đồng (57%), Tổng công ty xây dựng Trường Sơn 2.512 tỷ đồng (56%)...