Hôm nay 20/10, khai mạc kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Ngày 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó kỳ họp khai mạc vào ngày 20/10, bế mạc vào ngày 13/11, chia làm 2 đợt, họp trực tuyến và tập trung.
Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt.
Đợt 1: Họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 62 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/10 đến ngày 30/10/2021).
Đợt 2: Họp tập trung tại Nhà Quốc hội (từ ngày 8/11 đến ngày 13/11/2021).
Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.
Nhiều nội dung được xem xét trong kỳ họp
Ông Tuấn cho hay, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung như: Báo cáo Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 (trong đó có việc bổ sung dự toán thu, chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2021 của tỉnh Quảng Nam; lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương).
Đặc biệt, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021. Tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Đồng thời nghe UBTƯ MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.
Có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”
Trả lời về việc áp dụng pháp luật trong phòng, chống dịch Covid-19 có sự không thống nhất, cát cứ, có tình trạng áp dụng sai, lạm quyền, vậy có việc trao quyền không đi liền với giám sát hay không? ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết: Qua rà soát việc thực hiện Nghị quyết 30 thấy rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 4 văn bản chỉ đạo, còn Chính phủ có 8 văn bản. Do trao quyền để đáp ứng việc chống dịch trong tình hình khẩn cấp nên có cái khác với luật. Ngay cả các địa phương cũng ban hành văn bản. Vì vậy hiện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ rà soát tổng thể các văn bản trong công tác phòng, chống dịch để xem có vượt quyền, trái với với quy định hay không, để đánh giá lại toàn bộ.
Theo ông Phong, qua thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy, đến nay Chính phủ và các bộ, ngành vẫn chưa đánh giá tổng thể hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống Covid-19. Thời gian qua do chống dịch nên mỗi địa phương có cách làm khác nhau gây bức xúc trong xã hội.
“Mỗi địa phương quy định 1 kiểu, có biểu hiện cát cứ nên có hiện tượng “trên bảo dưới không nghe”. Vì vậy sau khi đánh giá, Chính phủ sẽ có chiến lược thích ứng với tình hình dịch bệnh trong thời gian tới” - ông Phong cho hay.
Lùi thời điểm cải cách tiền lương
Trả lời về việc cải cách tiền lương lại tiếp tục lỡ hẹn, ông Phong cho biết, việc cải cách tiền lương là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ công chức viên chức. Đây là vấn đề đã được chuẩn bị kỹ các nguồn lực để cải cách tiền lương như: tiết kiệm phòng, chống tham nhũng, tiết kiệm 10% chi thường xuyên. Nhưng việc thực hiện các yếu tố tạo nguồn là các điều kiện cần thiết trên chưa đạt yêu cầu. Trong khi đó, Đề án về vị trí việc làm cũng chưa hoàn thiện.
“Nghĩa là các điều kiện cần và đủ đều chưa đáp ứng. Nhất là nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đã đề nghị dùng nguồn cải cách tiền lương để chi cho phòng, chống dịch. Do đó Trung ương đã quyết định lùi vào thời điểm thích hợp” - ông Phong lý giải.
Liên quan đến việc nhóm vấn đề và những Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Tất cả ĐBQH sẽ cho ý kiến, hiện từ ý kiến của các Đoàn ĐBQH gửi về có 59 nhóm vấn đề. Dự kiến ngày 27 hoặc ngày 28/10, Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH. Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và thống nhất Bộ trưởng nào sẽ trả lời chất vấn, sau đó, Thủ tướng trả lời chất vấn.