Bãi bồi trôi theo dòng nước

Đình Minh 20/10/2021 10:00

Chỉ trong vòng 5 năm qua, hàng chục héc ta bãi bồi của người dân xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) đã bị trôi tuột xuống dòng sông Mã trong sự bất lực của chính quyền địa phương. Nỗi lo mất đất sản xuất chưa nguôi thì giờ đây, hàng trăm hộ dân bắt đầu phải nghĩ đến việc “tháo chạy” do diện tích sạt lở đã ăn sâu đến gần nhà.

Sạt lở diễn biến phức tạp

Theo số liệu từ UBND xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy), tới nay, diện tích bãi bồi sạt lở của người dân các thôn Tiên Lăng, Đồi Chông, Tường Yên, Quan Phác, Vân Trai, Quan Bằng và Vân Cát là 84 ha. Theo người dân địa phương, từ năm 2012 đến giữa năm 2017, do hoạt động khai thác cát trên sông Mã của mỏ cát số 45, 46, 47 diễn ra rầm rộ, cộng thêm nhiều đợt mưa lũ, xả nước của nhà máy thủy điện nên hàng chục héc ta diện tích hoa màu và đất nông nghiệp của người dân đã bị cuốn trôi.

Từ năm 2017-2019, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo thống kê của UBND xã Cẩm Vân, trong 3 năm, toàn xã đã bị sạt mất hơn 12 ha đất bãi bồi. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, dù trên dòng sông Mã không xảy ra trận mưa lũ nào lớn như những năm trước nhưng nhiều héc ta đất bãi bồi thuộc xã Cẩm Vân vẫn tiếp tục trôi tuột xuống sông mà không có điểm dừng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, đoạn bãi sông qua thôn Quan Phác, Vân Trai... đã bị nước sông ăn sâu vào từ 30-40 m khiến người dân bị mất đất và hoa màu.

Từ hữu ngạn sông Mã, cả một triền sông kéo dài gần 10 km chạy dọc qua địa phận xã Cẩm Vân đều đang bị sạt lở. Nghiêm trọng nhất là diện tích đất nông nghiệp các thôn Quan Phác, Tường Yên, Vân Trai, Quan Bằng… có rất nhiều điểm sạt lở mới và ăn sâu vào đất nông nghiệp, bề mặt sạt lở có nhiều vết nứt kéo dài, ở mép sông nơi bị sạt lở vách đất dựng đứng cao từ 3-5 m.

Ông Phạm Duy Kỳ - người dân thôn Quan Phác cho biết: Trước kia, khi chưa có các mỏ cát về khai thác thì gia đình ông có 300 m2 đất bãi bồi để trồng hoa màu. Năm 2012, từ khi xuất hiện 3 mỏ cát số 45, 46, 47, tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng, đến nay đã cuốn trôi mất 260 m2 đất của gia đình.

“Nhà tôi còn mỗi 40 m2 đất bãi bồi nhưng hiện cũng đang trong tình trạng bị sạt lở. Theo tôi, nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do việc hút cát vô tội vạ của các mỏ cát trên địa bàn. Chỉ khoảng vài năm nữa, diện tích đất bãi bồi sẽ mất hết, khi đó không biết lấy gì để làm ăn nữa” - ông Kỳ phản ánh. Được biết, từ 16ha đất bãi bồi vào những năm đầu 2000 đến nay, diện tích đất này của thôn Quan Phác chỉ còn khoảng 10ha, 6ha đất ven sông của hơn 250 hộ dân đã bị dòng nước “ăn gọn”.

Lo trôi mất nhà

Một số người dân sinh sống lâu đời tại xã Cẩm Vân cho biết, nhiều diện tích đất nông nghiệp và hơn 20 nhà dân sống gần mép sông đã bị cuốn trôi. Nhiều gia đình chỉ sau 1 đêm đã không còn đất sản xuất. Nghiêm trọng hơn, hiện có những đoạn sạt lở đã tiến sát vào nhà dân, chỉ còn cách chừng 5-10 m. Nằm đối diện mỏ cát số 46, gia đình chị Lê Thị Thúy, 33 tuổi - trú thôn Vân Trai, ngày đêm lo lắng khi vị trí ngôi nhà đang ở chỉ cách mép sông khoảng gần 10 m.

“Trước kia, nhà tôi cách mép sông cả trăm mét, có trồng hoa màu rất nhiều. Tuy nhiên, gần đây, bờ bãi phía sau nhà bị sạt lở liên tục khiến hàng trăm mét đất trôi tuột xuống lòng sông. Hiện tại, vị trí ngôi nhà chỉ cách mép sông khoảng gần chục mét nên gia đình rất lo lắng vì mùa mưa bão đang đến, nếu sạt lở tiếp chắc chắn phải sơ tán khẩn cấp nhưng hiện chưa biết ở đâu được” - chị Thúy bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch UBND xã Cẩm Vân xác nhận: Tình trạng sạt lở bãi sông khiến nhiều diện tích đất của người dân bị cuốn trôi là có thật. “Cuối tháng 3 vừa qua, tuyến kè chống sạt lở dài 948,78m đi qua địa bàn xã đã hoàn thành. Đến nay, tuyến kè này cơ bản đã hạn chế được tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, tại các thôn Quan Phác, Vân Trai, bãi bồi của người dân vẫn bị sạt do nơi đây chưa có kè. Trong thời gian tới, rất mong tỉnh tiếp tục đầu tư thêm một số tuyến kè nữa để hạn chế tối đa việc sạt lở, giúp bà con yên tâm sản xuất” - bà Lan thông tin.

Đình Minh