Bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Trong khuôn khổ dự án lập hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam để đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, UBND thành phố Châu Đốc (An Giang) vừa phối hợp cùng Trường ĐH Văn hóa TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Bảo tồn và phát huy Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam Châu Đốc - An Giang”.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhằm thể hiện lòng tôn kính Bà Chúa Xứ - một trong sáu vị Thánh Mẫu theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Do dân làng Vĩnh Tế tôn sùng bà như vị thần làng nên đến dâng lễ, cầu mong bà phù hộ, độ trì, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho cá nhân, gia đình, cộng đồng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP HCM, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là lễ hội truyền thống được giữ gìn và thực hành qua nhiều thế hệ tại Châu Đốc - An Giang. Đây là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ. Lễ hội thể hiện bản sắc và sự kế tục của cộng đồng người Kinh trong tiến trình giao lưu tiếp biến văn hóa với người Hoa, Khmer, Chăm.
Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: Lễ khai hội, lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ tắm bà, lễ thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ túc yết, lễ xây chầu, lễ chánh tế và lễ hồi sắc. Năm 2014, Lễ hội đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP HCM) cho rằng, khi đề cập đến giá trị bảo tồn và phát huy lễ hội, chúng ta không thể nào không đề cập đến tính độc đáo của nó. Rõ ràng quá trình phát triển lịch sử đặc thù, thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam đã có nét đặc trưng duy nhất của thành phố Châu Đốc - An Giang. Bên cạnh đó, lễ hội có tính phù hợp của thời đại, đó là tính hài hòa và phù hợp với bối cảnh hiện đại ngày nay.
“Tôi cho rằng đây là vấn đề quan trọng trong lĩnh vực văn hóa cả về học thuật cũng như công tác quản lý. Trường ĐH Văn hóa TP HCM là cơ sở đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa và đã có rất nhiều nghiên cứu học thuật cũng như những khuyến nghị chính sách trong lĩnh vực này. Tôi tin rằng kết quả hội thảo sẽ là những thông tin hữu ích cho các bên liên quan trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của lễ hội” - bà Lan bày tỏ.
TS Lê Thị Minh Lý, Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, đối với hồ sơ Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam, một trong những thách thức là làm thế nào để nhận diện, miêu tả chính xác chủ thể của di sản và thể hiện vai trò của cộng đồng trong toàn bộ hồ sơ. Đây cũng là vấn đề khó mà các hồ sơ của Việt Nam trước đây đã từng gặp phải, nhất là đối với loại hình lễ hội, một dạng thức di sản tích hợp nhiều loại hình, có rất nhiều người tham gia rất khó nhận diện ai là chủ thể của di sản hiểu theo phạm vi hẹp đúng với tinh thần của khái niệm di sản văn hóa phi vật thể.
Cũng theo TS Lý: Việc xây dựng hồ sơ đề cử Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nên và phải có sự tham gia của các bên: Cộng đồng chủ thể nắm giữ, thực hành di sản, cộng đồng tham gia bảo vệ di sản, cơ quan quản lý, bảo vệ của địa phương, Nhà nước, cơ quan nghiên cứu hỗ trợ, các cơ quan có liên quan của địa phương, các tổ chức phi chính phủ… Vai trò, trách nhiệm, hoạt động của mỗi bên phải được phản ánh trong hồ sơ và việc thực hiện sẽ được đánh giá theo bộ khung/tiêu chí cụ thể của UNESCO trong từng lĩnh vực và hàng năm.
Lễ hội là sáng tạo văn hóa của cộng đồng, là di sản đã, đang được trao truyền, thực hành từ đời này qua đời khác, là niềm tin, bản sắc của người dân vùng núi Sam nói riêng và tỉnh An Giang, các tỉnh trong khu vực nói chung. “Tôi tin chắc rằng di sản này xứng đáng được ghi danh, tỏa sáng trong bức tranh chung Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại” - theo TS Lý.