Có tình trạng lạm dụng chức vụ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch
"Người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra".
Thiếu cơ chế kiểm soát việc phân cấp cho địa phương
Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, trong gần hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, gây tổn hại sức khỏe và cướp đi sinh mạng của hàng nghìn đồng bào ta.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức, đồng lòng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công, góp sức, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát dịch Covid-19, thực hiện mục tiêu kép, vừa bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế-xã hội dần đưa nước ta trở lại trạng thái bình thường mới.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, tiếp tục phát huy tinh thần làm việc “chủ động, đổi mới, sáng tạo, tâm huyết, đồng lòng”, đồng hành cùng với Chính phủ trong công tác phòng, chống đại dịch, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 6 Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; tích cực tham gia công tác ngoại giao vaccine; các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội chủ động nắm bắt tình hình kinh tế-xã hội ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Tuy nhiên, Ủy ban thấy rằng, các văn bản hướng dẫn, trả lời của các Bộ, ngành trung ương để giải quyết các vấn đề, vướng mắc, phát sinh ở địa phương đôi khi còn chậm, có văn bản còn chưa phù hợp với tình hình thực tiễn do được ban hành gấp, việc đánh giá tác động còn hạn chế.
“Vẫn còn tình trạng văn bản của chính quyền địa phương chưa bảo đảm tính thống nhất với hướng dẫn của Trung ương cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, giữa các địa phương; có tình trạng hiểu văn bản hướng dẫn không thống nhất, người thi hành công vụ hiểu sai, áp dụng sai hoặc thậm chí lạm dụng chức vụ, quyền hạn, vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh vẫn còn xảy ra.
Trong chỉ đạo, điều hành còn lúng túng, thiếu thống nhất; có lúc, có việc chưa cụ thể, nhất quán; một số địa phương còn chủ quan; công tác tuyên truyền chưa kịp thời, hiệu quả. Việc phân cấp cho các địa phương thời gian qua chưa thật chặt chẽ, thiếu cơ chế kiểm soát việc thực hiện”, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Một số cơ sở y tế thu phí xét nghiệm cao
Đáng chú ý, việc ứng phó với đợt dịch thứ 4 bộc lộ những hạn chế của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng. Ngoài ra, còn một số vấn đề trong quá trình thực hiện cần quan tâm. Cụ thể:
Một số địa phương chưa tuân thủ theo các hướng dẫn của Bộ Y tế về tiêm vaccine cho người dân. Xét nghiệm sàng lọc trên địa bàn một số tỉnh chưa triển khai kịp thời, hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm Covid-19, thu phí xét nghiệm cao, vẫn yêu cầu bắt buộc xét nghiệm khi đi khám chữa bệnh, gây bức xúc cho người dân.
Bà Nguyễn Thúy Anh cũng chỉ rõ, có tình trạng lây nhiễm chéo tại một số cơ sở cách ly tập trung, nhiều trường hợp cách ly y tế tại nhà không đáp ứng được yêu cầu theo hướng dẫn, gây nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Công tác đánh giá nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh chưa sát dẫn đến áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chưa phù hợp; chưa thực hiện nguyên tắc cách ly tạm thời ngay từ đầu để làm xét nghiệm rộng, căn cứ vào kết quả xét nghiệm để thu hẹp phạm vi cách ly.
Những bất cập cũng được bà Nguyễn Thúy Anh nhắc đến. Điển hình là việc nguồn máy móc, thuốc điều trị, vật tư giai đoạn đầu dịch khan hiếm làm giá tăng cao; các cơ sở y tế hạn chế mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế do sợ trách nhiệm nên chỉ chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước.
Việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch còn lúng túng, có lúc, có nơi còn chưa kịp thời.
Tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi phù hợp
Từ thực tế trên, Ủy ban Xã hội đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa vào Nghị quyết Kỳ họp Quốc hội hoặc Nghị quyết về kinh tế-xã hội giao Chính phủ thực hiện một số nhiệm vụ như: Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt là tế cơ sở, y tế dự phòng bảo đảm đủ năng lực dự báo, giám sát, phát hiện bệnh sớm, khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và các bệnh dịch mới nổi; Tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 an toàn, khoa học, hiệu quả cho nhân dân, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em ở các độ tuổi phù hợp; thúc đẩy nghiên cứu y sinh học, phát triển công nghiệp dược, vaccine, sinh phẩm, trang thiết bị y tế để chủ động trong phòng chống dịch. Nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành gói hỗ trợ nhà ở xã hội cho người lao động có thu nhập thấp, người lao động ở khu công nghiệp với các cơ chế phù hợp, hiệu quả.
Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Xã hội kiến nghị, Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá các văn bản, quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc sửa đổi, bổ sung đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật, khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, phù hợp với thực tiễn, phát huy hiệu lực, hiệu quả.
Đăc biệt, khẩn trương ban hành Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược này; nghiên cứu, tăng cường dự báo xu hướng Covid-19; chỉ đạo bộ, ngành, địa phương kịp thời ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, ứng phó với dịch Covid-19. Có biện pháp để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân, đơn vị có thành tích trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.