Nông dân lao đao vì giá phân bón tăng cao
Vài tháng gần đây, giá phân bón liên tục tăng cao khiến đại lý khó bán được hàng, người nông dân thì lao đao do canh tác không có lãi, nhiều hộ đắn đo, không mặn mà tái sản xuất cho vụ mùa tiếp theo…
Giá phân bón tăng gấp đôi
Thời điểm này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đang vào vụ lúa Thu Đông. Theo tính toán của bà con nông dân, trong vụ lúa này, lợi nhuận sau thu hoạch không nhiều bởi giá phân bón tăng qúa cao.
Ông Nguyễn Công Dân (ấp Tường Thắng B, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long) cho biết, từ đầu vụ đến nay, phân bón liên tục tăng giá. Không biết cuối vụ được mùa thế nào, giá cả ra sao, nhưng thấy trước mắt là chi phí đầu vào đã đội lên khá cao. Nếu giá cả các mặt hàng này cứ tiếp tục tăng thì e là nông dân sẽ không có vốn nối vụ.
Ông Dân cho hay, từ đầu vụ Thu Đông này, giá phân bón tăng cao gấp đôi so vụ mùa trước. Đơn cử, giá phân urê trước là 360.000 đồng/bao tăng lên 800.000 đồng/bao, phân DAP giá 600.000 đồng/bao tăng lên 1 hơn triệu đồng/bao. Các loại phân hạt pha trộn sẵn khoảng 400.000 đồng/bao tăng lên 700.000 đồng/bao nhưng bà con nông dân thường mua phân đơn để pha trộn bón cho lúa, ít người mua phân pha trộn sẵn. Vì vậy, giá các loại phân đơn tăng, làm ảnh hưởng nhiều đến việc mua và tiêu thụ phân bón trên ruộng lúa của nông dân. Đồng thời, giá phân bón tăng đã làm tăng chi phí sản xuất lên từ 2,3 triệu - 2,5 triệu đồng/công, tăng gần 1,5 triệu đồng so với trước.
Giá phân tăng gấp đôi, chi phí nhân công lao động tăng trong khi giá lúa không tăng, chắc chắn trong vụ lúa Thu Đông năm nay, bà con nông dân không có lợi nhuận, bởi nhiều diện tích lúa khi bước vào giai đoạn đòng trổ, nhiều trận mưa lớn kéo dài nên ảnh hưởng đến việc lúa ngậm sữa. Bên cạnh đó, giá phân bón tăng đã ảnh hưởng rất nhiều đến mùa vụ sản xuất lúa, còn thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng lên từ 10 - 20%. Theo tính toán của ông Dân, 3ha đất lúa của gia đình ông, sau khi trừ chi phí không có lời nhiều, thậm chí lỗ vốn.
Ông Danh Sa Rây (nông dân ấp Kosthum, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) chia sẻ: gia đình ông làm hơn 2 ha mô hình lúa mùa trên đất nuôi tôm, 2 năm nay sản xuất giống ST24 do nhà nước khuyến cáo. Năm rồi năng suất chất lượng khá cao bán được giá nên năm nay tiếp tục làm giống này. Thời điểm này lúa đã gần 1 tháng tuổi phát triển khá tốt, nhưng bà con lo nhất là đến kỳ rải phân bón thúc cho lúa đẻ nhánh giá phân trên thị trường hiện nay lên cao gấp đôi so với mọi năm. Kinh nghiệm sản xuất, 1ha lúa sản xuất một vụ đến khi thu hoạch phải sử dụng khoảng 10 bao phân các loại. Giá phân lên cao, nếu không rải đủ lượng phân theo yêu cầu thì năng suất lúa không đạt, cuối vụ thu hoạch sẽ giảm lợi nhuận.
Theo một số công ty, doanh nghiệp kinh doanh phân bón, nguyên nhân tăng giá là nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng, đồng thời giá phân bón trên thế giới tăng mạnh kéo theo giá phân bón trong nước cũng “leo thang” khoảng 30 - 40%.
Cần giải pháp giảm giá phân bón
Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu, tính đến nay, vụ lúa Thu Đông vừa xuống giống gần hơn 34.000ha và trên 35.000 ha lúa trên đất tôm. Giá phân bón tăng cao khiến nông dân gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập và đời sống. Trước tình trạng này, nhiều hộ nông dân phải sản xuất cầm chừng trong khi đó không ít hộ lại đang tính toán tìm cách cắt giảm lượng phân bón để giảm chi phí đầu tư.
Ông Trần Văn Na – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngành nông nghiệp chia sẻ cùng bà con nông dân khi giá phân bón tăng, bởi ảnh hưởng nhiều đến canh tác lúa của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh và làm giảm động lực sản xuất vụ mới cũng như về lâu dài ảnh hưởng đến lợi nhuận, thu nhập của nông dân.
Sở NN&PTNT Bạc Liêu cũng đã kiến nghị đến Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương xem xét việc giá phân bón tăng. Đồng thời phối hợp ban ngành liên quan kiểm tra các cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp về chất lượng phân bón, giá niêm yết bán ra thị trường theo quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi bà con nông dân.
Theo ông Na, trước thực trạng giá phân bón tăng cao kỷ lục và chưa có dấu hiệu dừng lại, người nông dân nên tăng cường áp dụng mô hình sản xuất “3 giảm 3 tăng”. Ngoài ra, bà con cũng nên tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất.
Trên thị trường, giá phân Urea từ 840.000 - 860.000 đồng/bao (16.800 - 17.200 đồng/kg); DAP Trung Quốc từ 1.100.000 - 1.130.000 đồng/bao (22.000 - 22.600 đồng/kg); DAP nội địa 800.000 - 820.000 đồng/bao (16.000 - 16.400 đồng/kg); Kali miểng từ 670.000 - 690.000 đồng/bao (13.400 - 13.800 đồng/kg). Không chỉ phân bón tăng giá mà một số loại còn khan hàng, nhiều nông dân hoặc các đại lý phải đặt cọc trước mới mua được.