Bi hài ‘xác nhận quyền sử dụng đất’
Nhiều lô đất công ở nhiều vị trí đã được chính quyền cấp xã bán thu về hàng chục tỷ đồng, nhưng sau hàng chục năm người dân vẫn chỉ được nắm trong tay tờ giấy “xác nhận quyền sử dụng đất” được đóng dấu đỏ của chính quyền xã.
Ngày 16/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hải Dương (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/12/2019). Theo đó, sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của xã Tráng Liệt vào thị trấn Kẻ Sặt huyện Bình Giang (Hải Dương).
Từ khi được sáp nhập, tình hình phát triển kinh tế của thị trấn Kẻ Sặt cũng được đầu tư khang trang và quy mô hơn. Đồng nghĩa với đó là nhu cầu về chuyển nhượng đất đai, xây dựng cũng được nâng tầm. Nhiều vị trí thuộc xã Tráng Liệt cũ khi sáp nhập với thị trấn Kẻ Sặt trở nên sầm uất hơn, thuộc vào vị trí trung tâm của thị trấn. Lúc này, những nhu cầu về sử dụng đất, xây dựng lên cao, nhưng người sử dụng lại không đáp ứng được đúng quy định của pháp luật nên những bất cập, sai phạm trong sử dụng đất đã dần được “lộ sáng”. Thị trấn Kẻ Sặt thời gian gần đây đang nóng lên vì những ồn ào bởi những dấu hiệu và tình huống sai phạm đất đai từ hàng chục năm về trước.
Hàng chục năm về trước, tại xã Tráng Liệt đã diễn ra tình trạng chính quyền cấp xã bán nhiều vị trí đất công, thu tiền của dân, giao đất cho dân, nhưng đến hiện tại thì người dân vẫn không thể được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Việc sử dụng những phần đất đó của người dân đang được cho là sai phạm.
Tuy nhiên, khi nộp tiền và nhận đất, người mua đất chỉ nhận lại được phiếu thu của với chữ ký của Thủ quỹ xã kèm dấu treo của UBND xã Tráng Liệt (cũ) đóng phía trên góc trái tờ phiếu thu. Những vị trí đất được phản ánh sai phạm điển hình được chỉ ra: Trên tuyến đường Âu Cơ với khoảng 15 lô đất là đất trường học cũ; trên tuyến đường Minh Hiền với khoảng 28 lô đất, tuyến đường này có người mua 1 lô, 2 lô, 3 lô, thậm chí có hộ mua cả dãy với chiều dài mặt đường tới 45m chiều dài mặt tiền và đã xây dựng cho mục đích kinh doanh dịch vụ; trên tuyến đường Chu Văn An cũng là đất trường học được xẻ thành 10 lô được bán cho 3 chủ sở hữu; tại khu Ao Rùa xã đã dùng tiền ngân sách để san lấp với mục đích quy hoạch sử dụng mục đích công, nhưng rồi giao cho một công ty có tên Sao Khuê, công ty này sau đó đã chia nhỏ bán cho một số người dân.
Minh chứng cho những căn cứ phản ánh là chính xác, nhiều người dân đã cung cấp toàn bộ tài liệu trong quy trình bán đất - thu tiền của chính quyền xã: Phiếu thu đề ngày 22/6/2015 của bà P.T.H. với số tiền thu 200 triệu đồng, nội dung đặt cọc tiền mua đất Khu dân cư Khu Hạ; phiếu thu đề ngày 7/9/2012 của ông P.Đ.T. với số tiền 500 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS xã Tráng Liệt (Đợt 1); phiếu thu đề ngày 13/5/2013, thu của ông V.Đ.H. với số tiền 500 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền mua đất tại sân trường THCS xã Tráng Liệt; phiếu thu đề ngày 5/12/2013 của ông C.V.C. với số tiền 300 triệu đồng, nội dung tạm thu tiền thanh lý đất công… đều do Thủ quỹ là ông Trần Tuấn Hảo ký và có đóng dấu treo của xã. Hiện nay, tại những vị trí đất này đã được xây dựng, định hình như một khu dân cư, dịch vụ từ lâu.
Tuy nhiên, câu chuyện về việc xây dựng sau khi nộp tiền, được xã giao đất lại được phản ánh là được thực hiện theo cái gọi là “ngầm hiểu”. Người dân muốn xây dựng còn phải nộp khoản tiền phí xây dựng. Bên cạnh đó, khi những người đã mua đất này đề nghị làm thủ tục cấp GCNQSDĐ nhưng không được. Thay vào đó, chính quyền cấp xã đã “mạnh dạn” cấp cho người mua bản “xác nhận quyền sử dụng đất” có chữ ký và đóng dấu.
Đơn cử như trường hợp của ông P.Đ.T. được cấp tờ giấy “xác nhận quyền sử dụng đất” do Chủ tịch xã Nguyễn Đức Hùng ký và đóng dấu, đề ngày 30/9/2007.
Thời gian gần đây, khi những người mua có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ theo quy định nhà nước nhưng không được, nên đã phản ánh đến báo chí.
Tiếp nhận thông tin, ông Phạm Đỗ Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: Xã Tráng Liệt được sáp nhập vào thị trấn Kẻ Sặt từ cuối năm 2019. Trước thời điểm sáp nhập, ông Lâm đang làm Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt nên những việc bán đất công, thu tiền, xây dựng trái phép xảy ra ở xã Tráng Liệt (cũ) vào thời điểm trước đó nên ông không nắm được. Tuy nhiên, trước những thông tin phản ánh, ông Lâm tiếp nhận và sẽ giao cán bộ chuyên môn kiểm tra, thu thập tài liệu và sẽ thông tin lại với cơ quan báo chí.
Được biết, hiện ông Quách Văn Hưng đang giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực - Chủ tịch HĐND thị trấn Kẻ Sặt.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch UBND huyện Bình Giang: Trước đó, năm 2018 Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương cũng đã có thanh tra về những vấn đề đất đai liên quan đối với huyện, trong đó có những vấn đề liên quan tới xã Tráng Liệt (cũ) và chỉ ra nhiều sai phạm. Tuy nhiên, những vị trí đất được phản ánh lần này vẫn chưa được chỉ ra cụ thể, bởi thời điểm đó người dân “không chịu hợp tác”. Hơn nữa, do vào giai đoạn đang thực hiện sáp nhập, nên cũng bị gián đoạn. Ủy ban sẽ báo cáo Huyện ủy và sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan vào cuộc xác minh, xử lý. Sẽ giao Ủy ban kiểm tra Huyện ủy vào cuộc kiểm tra và thông tin cụ thể.
Nhiều người dân như ông P.Đ.T. (trú tại thị trấn Kẻ Sặt) phản ánh, khoảng từ năm 2012 đến năm 2017, chính quyền xã Tráng Liệt (cũ) đã bán rất nhiều đất cho người dân làm nhà ở. Những diện tích đất bán này là đất công như: đất trường học, đất sân vận động, đất nông nghiệp, đất cạnh đường giao thông, đất ao san lấp… Thời điểm đó do chính ông Quách Văn Hưng làm Chủ tịch xã. Để mua được những lô đất này, cách đây gần chục năm, người dân phải bỏ ra từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng tùy vào diện tích và vị trí lô đất.