Chăm lo sức khỏe tinh thần sau dịch bệnh
Đại dịch Covid-19 hoành hành thời gian qua không chỉ gây tổn thất lớn về người và của, mà còn tác động mạnh đến tinh thần của nhiều người. Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân.
Vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng
Theo nhận định của giới chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, số lượng bệnh nhân tăng dẫn tới ảnh hưởng và khủng hoảng trầm trọng mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân. Các nghiên cứu khác nhau cho rằng, tại thời điểm cuối năm 2020 các vấn đề sức khoẻ tâm thần của người dân đã cao gấp 3 lần so với cuối năm 2019 (dịch bệnh chưa bùng phát). Trong đó, phản ứng tâm lý và tình trạng sức khoẻ tâm thần của người dân khá đa dạng, từ gia tăng nỗi lo sợ và khủng hoảng, căng thẳng, đến các triệu chứng rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm, ám ảnh sợ, stress sau sang chấn.
TS Lê Minh Công - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cho biết, một nghiên cứu tại Trung Quốc sau thời gian giãn cách xã hội vào năm 2020 với 1.210 người tham gia từ 194 thành phố chỉ rõ, có khoảng 53,8% bị ảnh hưởng đến tâm lý ở mức trung bình hoặc nặng do bối cảnh Covid-19; 31,3% có triệu chứng rối loạn trầm cảm, 36,4% rối loạn lo âu và 32,4% có khủng hoảng. Khảo sát trên 1.338 người tại TP HCM, trong thời gian giãn cách xã hội cho thấy, những cá nhân tham gia khảo sát đã bộc lộ các triệu chứng lo âu, trầm buồn, căng thẳng, bứt rứt trong người, cáu gắt,... Có khoảng 40% cá nhân được khảo sát có nhu cầu được tư vấn, hỗ trợ tâm lý.
Nhằm chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân, nhiều dự án hỗ trợ được hình thành. Đơn cử, Dự án “Psycare - Chăm sóc tinh thần mùa dịch” của Trường Đại học Sư phạm TP HCM. Dự án có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia tâm lý học, tâm lý giáo dục, tâm lý trị liệu, tâm lý lâm sàng, bác sĩ và các tình nguyện viên, điều phối viên ở khoa tâm lý học, các trung tâm tư vấn tâm lý, các bệnh viện ở TP HCM, Tiền Giang, Phú Yên, Đà Nẵng, Thái Nguyên... Các chuyên gia hỗ trợ tư vấn tâm lý cho người đang ở khu phong tỏa, giãn cách đặc biệt, khu cách ly hoặc bệnh viện dã chiến ở TP HCM.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM cũng cho ra đời chương trình “Vaccine tinh thần” với gần 500 nhân sự bao gồm các chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần, công tác xã hội, nhà thực hành tôn giáo... Rồi dự án “Chăm sóc sức khoẻ tâm thần trong đại dịch” với các hoạt động khám, tư vấn và tham vấn tâm lý theo hình thức từ xa do các bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý lâm sàng đảm nhận.
TS Công khẳng định, mặc dù nhiều dự án, chương trình hỗ trợ sức khỏe tâm thần được triển khai, song cần xây dựng một trung tâm phòng ngừa khủng hoảng cấp thành phố. Trung tâm này sẽ tiếp nhận và xử lý khủng hoảng ban đầu của người dân liên hệ. Các quốc gia phát triển và ngay cả các quốc gia khu vực châu Á đều có trung tâm này.
67% bệnh nhân Covid-19 cần được tư vấn, điều trị tâm lý
Theo kết quả khảo sát, đánh giá sức khỏe tinh thần của người bệnh tại các khoa điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (thành phố Thủ Đức) được thực hiện theo sự chỉ đạo của Ban Giám đốc bệnh viện, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 bị trầm cảm là 20%, rối loạn lo âu là 53,3%, stress là 16,7%. Đặc biệt, những bệnh nhân từng thở HFNC có tỉ lệ trầm cảm là 66,7%. Tương tự, những bệnh nhân từng thở ô xy qua mặt nạ, hoặc thở máy cũng có tỉ lệ rối loạn lo âu cao, lên tới 66,7%. Đồng thời, 67% bệnh nhân rất mong muốn được tư vấn, điều trị tâm lý trong suốt quá trình điều trị tại bệnh viện và sau khi xuất viện.
Trước nhu cầu thực tế đó, Ban Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 đã mời nữ tu - Tiến sĩ tâm lý Trì Thị Minh Thúy (chuyên gia trị liệu tâm lý thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM) đến khảo sát và tư vấn, hỗ trợ điều trị tâm lý cho các bệnh nhân Covid-19 tại đây.
Nhằm hỗ trợ người dân có đời sống sức khỏe, tinh thần tốt trong mùa dịch, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM cũng phối hợp với Sở Y tế và Hội Y học thành phố triển khai “Kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân theo chuyên khoa” thông qua Cổng thông tin 1022. Đáng lưu ý, tại kênh tư vấn chăm sóc sức khỏe này, người dân được tư vấn tâm lý trong dịch Covid-19.
Liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân, mới đây ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, UBND thành phố đã giao Trường Đại học Sư phạm thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, triển khai chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. Theo lãnh đạo TP HCM, sau đợt dịch bệnh Covid-19, tâm lý của nhiều người dân đã bị ảnh hưởng. Dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh đến tinh thần nhiều người. Đây là vấn đề của một đô thị lớn và cần sớm có biện pháp giải quyết.