Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020: Sẽ sửa đổi để hài hòa lợi ích doanh nghiệp
Đây là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp với một số hiệp hội doanh nghiệp xung quanh những nội dung tại dự thảo Nghị định Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Trước đó, đại diện 30 hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đã có thư kiến nghị về nội dung dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 (do Bộ Tài nguyên-Môi trường xây dựng). Trong đó kiến nghị nêu rõ, cần đơn giản, minh bạch hóa thủ tục cấp giấy phép môi trường và chuyển sang hậu kiểm thay vì chỉ tiền kiểm; cần sửa đổi hoặc bãi bỏ những quy định không phù hợp với thực tiễn Việt Nam, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đầu tư - kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài ra, kiến nghị bổ sung khung pháp lý phải rõ ràng nhằm quản lý “đóng góp tài chính để tái chế bao bì, sản phẩm và xử lý chất thải; điều chỉnh tỉ lệ tái chế bắt buộc để tái chế sản phẩm, bao bì, tỉ lệ đóng góp để xử lý chất thải cho phù hợp dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn Việt Nam; lùi lộ trình thực hiện đóng góp tái chế đến tháng 1/2025 để có thời gian xây dựng công nghiệp tái chế, chuẩn bị sẵn sàng cho việc áp dụng được khả thi, đồng thời giúp các doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Luật Bảo vệ môi trường đã quy định về việc này, các DN có nhãn xanh sẽ được hưởng nhiều chính sách từ việc có nhãn sinh thái, Nghị định sẽ quy định cụ thể hơn.
Về các thủ tục hành chính, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay, với Luật Bảo vệ môi trường thông qua thời gian và thủ tục hành chính đã giảm được 34%, Bộ Tài nguyên- Môi trường đứng thứ 5 trong các bộ, ngành thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và cắt giảm các thủ tục hành chính, doanh nghiệp và người dân được hưởng lợi từ những chính sách này.
Mặc dù các ý kiến của cộng đồng DN, chuyên gia đã được Bộ Tài nguyên – Môi trường tiếp thu và chỉnh sửa, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng, nhiều vấn đề của dự thảo cần làm lại, đơn cử như khoản 4, điều 28 của dự thảo quy định, nội dung chính của báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường đối với dự án nhóm III hoặc cơ sở đang hoạt động có tiêu chí về môi trường tương đương dự án nhóm III phải bảo đảm đơn giản hơn dự án đầu tư, cơ sở nhóm II…Tuy nhiên, quy định về việc phân biệt rõ từng nhóm dự án cũng như yếu tố “đơn giản hơn” không hề được làm rõ. Vì vậy, quy định này là rủi ro chính sách rất lớn cho DN, khi hoàn toàn có thể xảy ra trường hợp cơ quan quản lý “đặt tùy ý” các quy định không được làm rõ.
“Có thể cần phải xây dựng lại Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường thay vì tiếp tục sửa đổi. Với dự thảo này, nếu ban hành chỉ tăng thêm chi phí xã hội, tăng thêm quyền lực cho cơ quan Nhà nước, đó không phải là điều chúng ta cần”- TS Nguyễn Đình Cung - chuyên gia độc lập nhấn mạnh.
Còn theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó cục trưởng Cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận thức của người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng được nâng cao và rất sẵn sàng để thực thi các quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Tuy nhiên dự thảo quy định mức đóng góp cho hoạt động thu gom, tái chế bắt buộc (công cụ trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất – EPR) là 1% tổng giá trị lô hàng bao gồm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, tã lót, bìm, băng vệ sinh… là quá cao.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu và chỉnh sửa. Những vấn đề chung sẽ đưa vào trong Nghị định, những vấn đề chi tiết hơn và thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng sẽ đưa vào trong thông tư hướng dẫn. Bộ cũng mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp từ thực tiễn của các Hội, Hiệp hội để đưa ra những chính sách chung có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với tiến trình hội nhập và phát triển của đất nước, tạo sự công bằng về môi trường cho người dân Việt Nam ngang bằng với các nước phát triển.