Huấn luyện viên dạy múa trổ tài làm bánh ẩm xứ Phù Tang

Thảo Vy 21/10/2021 16:20

Những chiếc bánh ẩm nhỏ xinh của xứ sở hoa anh đào được chị Cao Thùy Dương (33 tuổi, TP Đà Nẵng) “thổi hồn” tạo nên khiến nhiều người thích thú.

Xuất phát từ niềm đam mê làm bánh, từ đầu năm 2021, chị Dương, huấn luyện viên dạy múa đã mày mò học cách tạo hình loại bánh Wagashi (loại bánh được coi là đỉnh cao ẩm thực ở đất nước mặt trời mọc).

Chị Cao Thùy Dương là một huấn luyện viên dạy múa thế nhưng lại có niềm đam mê làm bánh ẩm xứ Phù Tang. Ảnh: NVCC.

Trước khi bắt tay vào thực hiện, chị chưa từng nghĩ bản thân lại có thể làm nên điều kỳ diệu này. Bởi theo như lời chị nói, loại bánh wagashi rất khó để thực hiện.

Thế nhưng bằng chính lòng quyết tâm kiên trì học hỏi, chị Dương đã tạo nên được nhiều mẻ bánh thơm ngon khiến bạn bè, người thân thích thú. Những chiếc bánh của chị không chỉ tạo hình hoa văn bắt mắt mà còn là một tác phẩm nghệ thuật bởi sự trang trí cầu kỳ, độc đáo hiếm người thực hiện.

Khi chia sẻ hình ảnh những chiếc bánh ẩm lên mạng xã hội, chị không ngờ lại được mọi người đón nhận tích cực, dành nhiều lời khen. Đó chính là động lực để chị tiếp tục theo đuổi đam mê “thổi hồn” vào bột và cho ra đời những chiếc bánh ẩm đẹp mắt.

Những chiếc bánh ẩm được tạo hình đẹp mắt, công phu. Ảnh: NVCC

Trò chuyện với Đại Đoàn Kết Online, chị Dương cho biết, để tạo nên một chiếc bánh wagashi vừa đẹp vừa ngon đúng vị, thợ làm bánh phải thực hiện qua nhiều công đoạn, quá trình thực hiện đòi hỏi tính tỉ mỉ, kỹ lưỡng, đặc biệt không được nóng vội.

Để tạo hình nên những chiếc bánh nhỏ, xinh cần phải trải qua 3 công đoạn. Ảnh: NVCC.

Theo chị Dương, để tạo hình một chiếc bánh ẩm chuẩn vị Nhật, người thợ cần phải trải qua 3 bước. Trước tiên là công đoạn sơ chế đậu, làm sạch, nấu và xay nhuyễn để lắng đọng ra tinh bột đậu. Yêu cầu của tinh bột đậu là vỏ bánh phải trắng và mịn để màu bánh khi ra lò sẽ tươi sáng. Đối với phần nhân đậu đỏ cũng thực hiện tương tự sẽ cho ra lượng tinh bột tùy theo số lượng chuẩn bị từ trước đấy.

Lượng tinh bột sau khi được sên lại. Ảnh: NVCC.

“Sở dĩ cả 2 nguyên liệu đều là dạng tinh vì khi làm ra thành phẩm, miếng bánh cho vào miệng sẽ mềm mịn, khi ăn sẽ có cảm giác bánh tan dần trong miệng”, chị Dương lý giải.

Sau khi có tinh đậu, người làm bánh sẽ tiến hành trộn thêm đường và nếp rồi sên lên thành hỗn hợp dẻo mịn. Phần tinh bột màu trắng sẽ pha thêm màu thực phẩm để tạo hình.

Chị Dương tỉ mỉ tạo hình cho những chiếc bánh. Ảnh: NVCC.

Công đoạn cuối cùng là tạo hình cho những chiếc bánh. Thợ làm bánh phải cho nhân vào bánh, sau đấy dùng dụng cụ bằng gỗ tạo hình cho từng loại bánh. Bộ dụng cụ làm bánh có nhiều loại, phải kể đến như: thanh tam giác chia cánh, cây đẩy cánh hoa cúc, đũa nhọn, đũa kim, kéo bấm…khuôn cắt bằng kim loại, khuôn gỗ.

Làm bánh mất rất nhiều thời gian. Ảnh: NVCC.

“Tạo hình bánh có nhiều loại, thông thường sẽ sử dụng các mẫu phổ biến như: hoa đào, bọ cuốn lá, hoa cúc, hoa lan, thủy tiên, cuộn len, Temari, cúc thược dược, lá phong… Việc tạo hình bánh phụ thuộc vào sở thích của mỗi người, tôi thường lấy ý tưởng theo mùa hoặc từ thiên nhiên cho những chiếc bánh của mình”, chị Dương cho hay.

Những chiếc bánh ẩm lấy cảm hứng từ thiên nhiên. Ảnh: NVCC.

Chị Dương nói loại bánh này có tên gọi là Nerikiri - thuộc Namagasi, có độ ẩm trên 30%. Thời gian để tạo hình một chiếc bánh mất khoảng 10 - 15 phút, cần thao tác nhanh vì để lâu bánh tiếp xúc không khí sẽ bị khô.

Bánh ẩm hay còn gọi là Wagashi được coi là đỉnh cao của ẩm thực của đất nước mặt trời mọc. Ảnh: NVCC.

Dù chỉ mới học làm bánh thế nhưng chị Dương chỉ mất khoảng 1 tiếng để cho ra đời những chiếc bánh chuẩn vị. Hiện tại, chị đã thực hiện khoảng 200 chiếc bánh với đủ mẫu mã khác nhau, đa phần là bánh ngọt.

Bánh ẩm được trình bày đẹp mắt, mang tính thẩm mĩ cao không chỉ đơn thuần là ngon miệng. Ảnh: NVCC.

Với chị, thế giới làm bánh vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách. Bởi để có thể mang thế giới xung quanh, vận dụng kết hợp kiến trúc họa tiết từ thiên nhiên “thổi hồn” vào bột và đường không phải điều dễ dàng.

Thông qua những buổi làm bánh, chị Dương học được cách kiên trì nhẫn nại với bản thân. Trong tương lai, để “nuôi” đam mê tạo hình bánh ẩm, chị sẽ mở lớp dạy làm bánh, bên cạnh đó chị dự định mở thêm một quán trà, bánh và cà phê kết hợp cho khách hàng thưởng thức.

Thảo Vy