Phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện: Giải pháp đảm bảo lưới an sinh
Theo BHXH Việt Nam, dù các chỉ tiêu phát triển BHXH bắt buộc có giảm, nhưng nhờ tuyên truyền, vận động hiệu quả nên đã đạt “điểm sáng” về phát triển BHXH tự nguyện.
Những tín hiệu tích cực
Thất nghiệp do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc sinh năm 1984 ở Yên Sở, Hoàng Mai không chọn giải pháp tạm dừng tham gia BHXH mà ngay lập tức chuyển sang đóng BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 900.000 đồng/tháng. Chị lựa chọn hình thức đóng 3 tháng 1 lần, chuyển khoản cho đại lý thu. “Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng không lớn, hình thức đóng thuận tiện, tôi dự định sẽ đóng đến khi nào tìm được việc mới, lúc đó tôi được cộng nối luôn thời gian đóng BHXH mà không bị ngắt quãng”- chị Ngọc cho biết.
Lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện không chỉ là câu chuyện của chị Ngọc mà giờ là giải pháp được nhiều NLĐ chọn lựa. Đặc biệt trước tác động của dịch, tâm lý hưởng hưu non, không tham gia BHXH đã dần thay đổi, thay vào đó là tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già. Từ đầu năm đến nay, BHXH TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện. Tính đến hết tháng 8/2021, toàn TP đã có 51.952 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 8.616 người so với cùng kỳ năm 2020.
Có được kết quả trên, BHXH TP. Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và đổi mới trong công tác vận động tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện. Theo đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời không thể tổ chức lễ ra quân tuyên truyền về phát triển BHXH tự nguyện, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp. Tại những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện gọi điện thoại tư vấn tới những người dân chưa thực hiện tái tục BHXH tự nguyện, chưa gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn người dân nộp tiền thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ trực tuyến Ebanking của các ngân hàng...
Đối với những vùng thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-Ttg của Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho người dân, đồng thời tổ chức hội nghị khách hàng theo nhóm nhỏ, hoặc tư vấn 1-1 đảm bảo quy định về số người của chính quyền địa phương, lựa chọn khách mời để tuyên truyền, vận động, rà từng người tại các xã thực hiện mô hình thí điểm về phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để vận động người dân tham gia.
Không riêng Hà Nôi, trước diễn biến dịch Covid-19, BHXH các địa phương đã nỗ lực đổi mới với nhiều hình thức tuyên truyền, vận động để người dân tham gia chính sách BHXH. BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, ở nhiều tỉnh dù là “tâm dịch” nhưng vẫn đạt được mục tiêu về mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
Không ít thách thức
Đánh giá về công tác phát triển đối tượng, BHXH Việt Nam cho biết, mặc dù số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong tháng 9 đang có xu hướng tăng trở lại so với tháng 8 khi tình hình dịch bệnh dần được khống chế, hoạt động sản xuất kinh doanh dần phục hồi, nhưng công tác phát triển người tham gia trong 3 tháng cuối năm vẫn là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm lớn để hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Theo đó, trong những tháng cuối năm sẽ đẩy mạnh việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các quyền lợi về BHXH, BHYT cho người tham gia, thụ hưởng. Đồng thời tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngành BHXH Việt Nam với các ngành LĐTB&XH, Kế hoạch - Đầu tư, Thuế... để theo dõi chặt chẽ quá trình thành lập doanh nghiệp, khai trình lao động, thống kê lao động thuộc diện tham gia BHXH, BHYT, kê khai thu nhập tiền lương và quản lý người tham gia BHXH, BHYT đúng quy định; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, giảm thiểu tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên để có thể đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH (Nghị quyết số 28) đặt ra, theo Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, cần tích cực nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật BHXH để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thực hiện các nội dung cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt nhằm giảm số lượng người hưởng BHXH một lần, điều chỉnh cách tính lương hưu bảo đảm kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững, tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ.
Bên cạnh đó, cần bổ sung những người có nhu cầu và khả năng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa được Luật hóa (như: người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương, chủ hộ kinh doanh cá thể…); sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH đảm bảo đúng quy định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (quy định về căn cứ đóng BHXH của doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác).