Cơ hội để thương mại điện tử tăng tốc
Dịch Covid-19 ập đến khiến nhiều ngành nghề kinh doanh điêu đứng vì vắng khách. Tuy nhiên, đối với thương mại điện tử, các biện pháp phòng dịch lại trở thành “chất xúc tác” giúp ngành này khởi sắc. Nhằm tận dụng cơ hội khi sau dịch bệnh được kiểm soát, nhiều sàn thương mại điện tử tính chuyện tăng tốc phát triển.
Nhu cầu tăng mạnh từ phía khách hàng
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) khẳng định, những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng khoảng 30 – 35%/năm. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm tiến độ phát triển TMĐT được rút ngắn từ 1- 2 năm. TMĐT đã và đang bước sang trang mới.
Sau đại dịch Covid-19, nhiều bà nội trợ biết cách vào app (ứng dụng trên điện thoại thông minh) để mua hàng hóa, biết thanh toán trực tuyến,... TMĐT phát triển theo hướng đồng bộ giữa người mua và người bán. Dự báo thời gian tới sẽ có làn sóng mới từ TMĐT.
Chia sẻ về thị trường TMĐT thời gian qua, ông Trần Ngọc Thái Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tiki cho biết, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, doanh số Tiki đã tăng mạnh, trong đó có phần đóng góp rất lớn của một lĩnh vực mới toanh đó là hàng tươi sống. Lúc đầu, Tiki kết hợp với các siêu thị, doanh nghiệp… để giao hàng, nhưng sau đó thấy nhu cầu đặt hàng của người tiêu dùng quá lớn nên đã chủ động nhập các mặt hàng rau củ, trái cây, hải sản,… về để bán.
Theo đại diện của Lazada, quý II vừa qua, đơn vị ghi nhận số lượng truy cập gấp đôi mỗi ngày, gấp 2,5 lần số lượng người mua sắm, gấp hơn 3 lần số lượng đơn hàng được đặt trên nền tảng của sàn thương mại này. Trong những tháng vừa qua, nhu cầu mua sắm thực phẩm như: thịt, cá, trứng, rau xanh hay nhiều mặt hàng khác tăng rõ rệt.
Bà Phạm Thị Ái Vân (phường Linh Trung, Thủ Đức, TP HCM) nói: “Trước giờ tôi không thích mua hàng online vì không được nhìn thấy mẫu mã, chất lượng trước khi đưa tiền. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh, việc mua sắm khó khăn nên cái gì tôi cũng lên các sàn tìm hiểu. Đến hiện nay thì gần như nghiện mua hàng hóa trên các sàn TMĐT. Thậm chí, ngày vào mấy lần để tìm kiếm mua hàng giá rẻ”.
Đồng bộ giữa người bán và người mua
Ngay sau khi cả nước thực hiện chính sách bình thường mới, đặc biệt là TP HCM, nhiều sàn thương mại chạy đua giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, đồng thời mong muốn giữ chân khách hàng. Vì vậy, những ngày gần đây các sàn thương mại liên tục tung “mưa khuyến mãi”, giảm giá sập sàn, săn sale hàng hiệu, đại tiệc ngàn xu...
Đề cập đến chiến lược phát triển, ông Trần Ngọc Thái Sơn cho rằng, nhiệm vụ của doanh nghiệp (DN) là phục vụ khách hàng. DN có 2 sự lựa chọn: “Khách hàng tới tôi” hoặc “Khách hàng ở đâu tôi tới”. Tuy nhiên, với xu hướng TMĐT phát triển như hiện nay hiển nhiên DN phải quan tâm khách hàng hơn.
Ông Sơn khẳng định, bán hàng trên sàn TMĐT hiệu quả hơn nhiều. Trung bình 1 DN đưa hàng vào siêu thị chi phí 30 - 50%, chi phí thuê mặt bằng 15-20%, trong khi chi phí cho sàn TMĐT (bao gồm giao) hàng dưới 15%, có nhiều sàn 5%, 2%, 1% thậm chí 0%.
Hiện các DN sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cũng nhìn nhận việc đưa hàng hóa lên TMĐT là một yếu tố sống còn trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Còn khi bình thường mới trở lại, TMĐT giúp DN mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng doanh thu hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lan, đại diện một DN nhỏ chuyên may cặp học sinh trên địa bàn quận Tân Phú cho biết: “Từ trước đến giờ hàng hóa của chúng tôi đa phần đưa về các chợ, cửa hàng nhỏ. Sắp tới, tôi tính chuyện bán hàng trên các sàn thương mại. Lý do, dịch bệnh thấy mọi hoạt động thương mại giậm chân tại chỗ, riêng hàng hóa trên các sàn TMĐT vẫn ổn định lượng khách”.
Theo bà Lan, bán hàng online có nhiều lựa chọn cho DN như bán trên facebook, tiktok, zalo, website… và việc thanh toán, giao hàng ngày càng tốt hơn và đặc biệt là chi phí thấp. Đại diện Vecom cho biết, trong năm 2019, 2020 mỗi năm đơn vị đi 25-30 tỉnh, thành để hỗ trợ, tập huấn làm các chương trình.
Đến nay, Vecom đã thành công chương trình đưa làng dừa Bến Tre lên online phối hợp với sàn thương mại điện tửLazada; đưa sen hồng của Đồng Tháp lên sàn Tiki, Vecom phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa sàn TMĐT hỗ trợ cho du lịch online…
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho rằng, phát triển TMĐT là xu thế tất yếu trong hoạt động thương mại, đặc biệt là với người có thu nhập trung bình. Nhưng gần đây, số lượng người mua hàng giá trị cao trên TMĐT cũng ngày càng nhiều như xe máy, xe hơi, sản phẩm nghe nhìn… Điều này chứng tỏ TMĐT từng bước tạo niềm tin mua sắm đối với người tiêu dùng.