Thị trường lao động phải đa dạng và linh hoạt

Lê Bảo (thực hiện) 22/10/2021 07:04

Trong xu thế hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động và người lao động với doanh nghiệp đang là một trong những vấn đề nóng, được các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, yêu cầu đặt ra là phải phát triển một thị trường lao động đa dạng và linh hoạt, tạo nguồn lực có chất lượng cao cho nền kinh tế, đóng góp tích cực để nâng cao năng suất tổng hợp, nâng cao chất lượng tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ông Phạm Minh Huân.

PV: Ông đánh giá thế nào về bức tranh thị trường lao động hiện nay?

Ông Phạm Minh Huân: Những số liệu và báo cáo gần đây cho thấy, thị trường lao động đang đứng trước khủng hoảng trầm trọng. Ảnh hưởng dịch Covid-19 dẫn đến khủng hoảng là điều nhận thấy rõ. Tuy nhiên việc để hàng trăm ngàn lao động phải “vượt rào” về quê trong những ngày gần đây là bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch và quản lý lao động tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

Theo quy định, NLĐ ở đâu thì chính quyền địa phương nơi đó phải có trách nhiệm chăm lo đời sống cho họ. Nhưng đến nay, tại các khu công nghiệp lớn ở khu vực phía Nam, vấn đề an sinh xã hội cho NLĐ ngoại tỉnh vẫn chưa được thực hiện tốt. Do vậy, nhiều lao động sống ở đây cả chục năm nhưng vẫn là dân ngụ cư, không xác định sẽ gắn bó lâu dài. Khi dịch bệnh xảy ra, đồng lương ít ỏi, không thể cầm cự, NLĐ phải tìm mọi cách để về quê là tất yếu.

Một trong những giải pháp được các địa phương thực hiện là đảm bảo an sinh cho lao động hồi hương. Ông đánh giá thế nào về chính sách này?

- Về mặt lý thuyết đây là giải pháp tối ưu vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho địa phương đó. Nhưng thực tế lại rất khó thực hiện bởi để đảm bảo được an sinh xã hội, vấn đề cốt lõi là có việc làm ổn định.

Với những địa phương có khu công nghiệp - khu chế xuất, việc tạo việc làm không khó nhưng với những địa phương chưa phát triển khu công nghiệp - cụm công nghiệp thì sao? Theo tôi, chủ động chăm lo và điều chỉnh chính sách đãi ngộ trong và sau khi kiểm soát dịch Covid-19 được xem là giải pháp đúng đắn để “giữ chân” NLĐ. Đây mới là giải pháp tối ưu để tránh đứt gãy chuỗi sản xuất đồng thời khôi phục thị trường lao động.

Vậy theo ông làm sao để có thể thu hút NLĐ quay trở lại bởi thực tế đợt dịch vừa qua không ít NLĐ có tâm lý ngại quay trở lại?

- Như tôi đã nói, bùng phát dịch quá lớn là nguyên chính dẫn đến tâm lý muốn tháo chạy. Nhưng sau thời gian về quê, ổn định cuộc sống, NLĐ chắc chắn sẽ có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới để mưu sinh, họ có thể không quay lại sớm bởi còn phải tính toán về nhà ở, học tập của con cái...

NLÐ và DN có thể bị “lạc nhịp” trong giai đoạn hồi phục sản xuất trước mắt. Vì vậy, an sinh xã hội cần phải được coi là cầu nối. Bảo đảm an sinh xã hội cũng là giải pháp để chuỗi lao động không đứt gãy.

Nói cách khác, bên cạnh nỗ lực của DN trong thu hút, đãi ngộ, cần thiết phải có những chiến lược đầu tư, thu hút giữ chân NLĐ mang tính bền vững. Trong đó, việc đầu tư nhà ở xã hội, nhà cho người có thu nhập thấp, song song với việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp là một trong những giải pháp được nhiều người đón đợi.

Tại một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, lao động ngoại tỉnh là chủ yếu, song các công trình phúc lợi như nhà ở xã hội, nhà trẻ trong các khu công nghiệp vẫn còn rất nghèo nàn so với nhu cầu của NLĐ. Đây là sự mất cân đối giữa đóng góp của NLĐ và mức độ đầu tư ngược trở lại cho nhóm đối tượng này. Do đó, vấn đề cốt lõi hiện nay là địa phương cần nhìn nhận lại việc thiết kế và hoạch định chính sách, trong đó NLĐ cần được xem là đối tượng ưu tiên chứ không phải đối tượng ngụ cư.

Nếu chỉ sự nỗ lực của Nhà nước, địa phương thôi chưa đủ, vai trò DN rất quan trọng. Lâu nay DN vẫn coi phúc lợi xã hội, trách nhiệm xã hội là việc khuyến khích chứ không phải bắt buộc. Chính bởi vậy nhiều DN đã không quan tâm chăm lo đời sống tinh thần cho NLĐ. Cần phải thay đổi tư duy này bởi yếu tố con người là vấn đề cốt lõi quyết định sự thành bại của các DN.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bộ LĐTB&XH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động. Theo ông Huân, về lâu dài để xây dựng thị trường lao động bền vững, đầu tiên là phải kết nối được cung - cầu. Qua việc NLĐ từ các tỉnh về quê vừa qua cho thấy dữ liệu thông tin về thị trường lao động giữa các tỉnh, thành rất thiếu. Kết nối giữa NLĐ và DN vẫn mang tính tự phát. Do đó, nếu có hệ thống dữ liệu về thị trường lao động sẽ giúp ích rất nhiều trong việc điều tiết thị trường lao động giữa các vùng với nhau, dự báo được nhu cầu tuyển dụng.

Lê Bảo (thực hiện)