Giải bài toán cung - cầu

Hải Đăng 22/10/2021 12:12

Số người thiếu việc làm trong quý III năm 2021 lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thu nhập bình quân tháng của lao động quý III năm 2021 là 5,2 triệu đồng, giảm 877 nghìn đồng so với quý trước và giảm 603 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 nhiều người trở về quê, để lại nỗi lo đứt gãy nguồn lực lao động cho doanh nghiệp (DN). Giai đoạn này cả DN và người lao động (NLĐ) đều gặp rất nhiều khó khăn. Do đó để việc phục hồi sản xuất, kinh doanh được hiệu quả, bên cạnh những chính sách, quyết định kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, rất cần có sự chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và bản thân NLĐ. Và điều cơ bản nhất là sự thay đổi, thích nghi khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”.

Có thể thấy, thời điểm này, nhiều DN đã có những thay đổi trong phương thức tổ chức làm việc, sản xuất, kinh doanh nhằm thu hút lao động. Theo TS Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để đảm bảo nguồn cung lao động, các DN cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân; thực hiện tốt các giải pháp an sinh xã hội như chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động; tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động.

Để không đứt gãy nguồn lực lao động, DN cần kết nối với tổ chức Công đoàn, để có chính sách thu hút người lao động sớm trở lại làm việc; Chính quyền và các đoàn thể ở địa phương nơi cư trú của công nhân lao động phối hợp thông tin về sức khỏe cũng như cam kết của DN và địa phương nơi làm việc để người lao động, gia đình và con em của họ an tâm.

Còn về phía NLĐ, cần có tính tự chủ, tính kỷ luật, chịu trách nhiệm, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó lâu dài với DN. Đặc biệt, các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, công nghệ thông tin, linh hoạt thích ứng, tinh thần vượt khó là những ưu thế để NLĐ được lựa chọn tuyển dụng và làm việc hiệu quả trong giai đoạn “bình thường mới”.

Theo Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh, đến nay, đã có 151.000 NLĐ quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Qua đó, nâng tổng số lao động làm việc tại hơn 1.400 DN đang khởi động lại là 215.000 người, tập trung ở lĩnh vực thương mại - dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, chế biến...

Từ nay đến cuối năm 2021, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 60.000 lao động và đầu năm 2022, ngay sau Tết Nguyên đán, cần thêm 120.000 lao động phục vụ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh... Đây sẽ là cơ hội để NLĐ trở lại thành phố có việc làm ổn định. Ở chiều ngược lại, các quan sát cho thấy không ít người cũng đang từ quê trở lại các trung tâm kinh tế trọng điểm.

DN cần nhân lực để sản xuất kinh doanh, NLĐ cần việc làm, cần sinh kế. Đó là quy luật cung cầu tất yếu. Song thời điểm này, việc khôi phục thị trường lao động là một thách thức lớn. Chỉ khi NLĐ và DN hài hòa lợi ích, chia sẻ được rủi ro thì bài toán thiếu hụt lao động mới có lời giải. Điều đó thể hiện qua sự đồng lòng của các DN, ý chí vượt khó vươn lên của đội ngũ NLĐ.

Được biết, Bộ LĐTBXH đang khẩn trương xây dựng đề án khôi phục và phát triển thị trường lao động, là một bộ phận cấu thành chương trình khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để hỗ trợ lao động trở lại làm việc tại các đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, chuyển đổi nghề bền vững; phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế… Đây được cho là thời cơ để đẩy mạnh cơ cấu lại thị trường lao động gắn với cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế.

Hải Đăng