Để nghệ thuật kịch nói đến gần người trẻ

Minh Quân (thực hiện) 22/10/2021 12:02

Chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc và chào mừng 100 năm Sân khấu Kịch nói Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội vừa công diễn báo cáo vở “Tình mẹ” (kịch bản: Nhật Linh, đạo diễn: NSND Trần Tuấn Hải).

Nhân dịp này, Báo Đại Đoàn Kết đã trao đổi với diễn viên trẻ Quang Minh (nhân vật Sỏi - người con) vai chính trong vở diễn.

PV:“Tình mẹ” được biết là một vở diễn khó dựa trên truyện ngắn nổi tiếng “Mẹ điên” của tác giả Vương Tích Hằng. Là một diễn viên trẻ anh có phải chịu nhiều áp lực khi đảm nhận một vai diễn khá “nặng”?

Diễn viên Quang Minh: Trong vở kịch “Tình mẹ” tôi tham gia vai diễn người con mang tên Sỏi. Khi nhận được lời mời từ đạo diễn, tôi nhận lời luôn. Với tôi, đây là vai diễn khá thú vị vì tôi được thể hiện một nhân vật nhưng qua nhiều giai đoạn khác nhau. Giai đoạn đầu vở kịch là một cậu bé trẻ con, học sinh tiểu học. Giai đoạn sau là khi đã trưởng thành có những biến đổi về tâm sinh lý.

Ngoài ra, đây cũng là một nhân vật có “sức nặng” về tâm lý rất cao, đòi hỏi diễn viên phải đặt tâm huyết, thể lực và chuyên môn. Với vai diễn này tôi muốn thử sức mình sẽ làm được đến đâu. Nhất là vở kịch này sẽ tham gia Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc năm 2021. Đây cũng là cơ hội để một diễn viên trẻ như tôi được thể hiện mình với khán giả. Đặc biệt, mọi người sẽ thấy hình ảnh của Quang Minh hoàn toàn khác so với trên phim, trên truyền hình. Có thể ở trên phim tôi luôn xuất hiện với hình ảnh hài hước, vui vẻ, láu cá… thì ở trên sân khấu là một hình ảnh đầy tâm trạng, cảm xúc.

Anh đã có sự chuẩn bị gì cho vai diễn khá đặc biệt này?

- Khi đảm nhận vai chính trong vở diễn, với tôi bất kể một giây, một phút khi bước ra sân khấu đều phải tư duy là mình sẽ làm gì? Trong vở diễn có rất nhiều cảnh phải thể hiện tình cảm hai mẹ con với nhau và có hai cảnh rất khó khi biến chuyển tình cảm. Đó là nhân vật khi còn bé thấy xấu hổ, ghét người mẹ điên. Nhưng sau những biến cố thì nhân vật có những biến chuyển tâm lý từ ghét sang yêu. Chính bản thân tôi phải diễn làm sao thật là “ngọt”, không bị gãy, không bị phô.

Thêm một cảnh nữa là đoạn kết của vở khi người mẹ điên mất, nhân vật phải thể hiện tình cảm một cách mãnh liệt nhất, dữ dội nhất. Đối với bất kỳ một ai thì đề tài về tình mẫu tử luôn luôn đúng ở mọi thời đại. Khi nhắc đến tình mẫu tử thì ai cũng rung động cho dù câu chuyện này nhiều người đã biết. Thậm chí có người thấy mình ở trong đấy. Thông điệp xuyên suốt trong cả vở diễn là tình người, tình mẫu tử. Sẽ có rất nhiều tầng nghĩa từ các nhân vật ở nhiều thế hệ trong vở diễn. Nhưng tất cả đều tôn vinh hình tượng người mẹ, người phụ nữ Việt Nam.

Vì sao anh lại chọn sự thay đổi về hình ảnh, lối diễn xuất trong lúc này?

- Thực ra là không phải đến thời điểm này, tôi mới đầu tư vai diễn ở lĩnh vực sân khấu. Trước khi tôi tham gia phim truyền hình hay các tiểu phẩm trên Youtube tôi đã đảm nhận rất nhiều vai chính ở Nhà hát Kịch Hà Nội. Đây hầu hết là các vai diễn về nội tâm. Tuy nhiên, những vai diễn đó được thực hiện cách đây gần chục năm. Ở thời điểm đó tôi là một cậu sinh viên mới tốt nghiệp chưa có cái sự từng trải…

Thú thật, thời gian để tập cho vai diễn nhân vật Sỏi với tôi không nhiều và phải thực hiện trong điều kiện giãn cách vô cùng khó khăn. Nhưng với bản thân tôi không phải trước hay sau dịch mà mình không trau chuốt cho vai diễn. Bất kể một giây phút nào bước ra sân khấu thì tôi đều phải suy nghĩ đắn đo, nắn nót từng bước đi, từng câu nói.

Có một thực tế là hiện nay những người trẻ đang có ít cơ hội để thưởng thức các tác phẩm sân khấu, anh nghĩ sao về điều này?

- Bản thân ngoài công việc tại Nhà hát Kịch Hà Nội, tôi còn làm thêm công tác truyền thông. Khán giả hiện biết đến tôi đa phần là các bạn trẻ. Bản thân tôi khi thông báo sẽ tham gia vở “Tình mẹ” thì hầu hết khán giả trẻ đều không biết đang có một loại hình sân khấu kịch như vậy. Người trẻ bây giờ họ không tới nhà hát xem kịch mà họ thích xem phim ở rạp, trên truyền hình hay Youtube. Điều mà tôi mong muốn lúc này là mang sự ảnh hưởng của mình ở trên mạng xã hội quảng bá cho vở diễn nói riêng và kịch nói chung, để những khán giả trẻ hiểu được có một loại nghệ thuật kịch nói như vậy. Từ đó duy trì văn hoá nghệ thuật sân khấu. Đây là điều mà bản thân tôi tâm huyết từ những ngày đầu về Nhà hát Kịch Hà Nội cho đến bây giờ.

Có một thực tế, sân khấu kịch bán vé rất khó. Thậm chí hầu hết vé các vở diễn là vé tặng. Đây là một điều hết sức đáng buồn. Tuy nhiên, có một tín hiệu vui động viên cho các nghệ sĩ khi mà mọi người đến xem lại thấy được là hóa ra xem kịch cũng vô cùng hấp dẫn.

Theo tôi, về quảng bá mỗi người có một định hướng khác nhau, nhưng cách nào cũng đều là đúng đắn cả. Bởi có những nghệ sĩ có thế mạnh về mảng truyền hình, về các trang mạng xã hội. Nhưng tựu chung lại đều để mong muốn có thể kéo khán giả riêng của mình về với sân khấu. Do đó với tôi cách nào đi chăng nữa thì nó cũng rất thật đáng trân trọng.

Trân trọng cảm ơn anh!

Minh Quân (thực hiện)