Mùa nước về ở Đồng Tháp Mười
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, nhịp sống quen thuộc gắn với thiên nhiên của người dân miền biên giới Đồng Tháp Mười đã dần quay trở lại. Trên những cánh đồng mênh mông, ghe vỏ lãi hối hả ngược xuôi kiếm tìm những sản vật tự nhiên...
Được mùa cá heo
Dù không được nhiều người biết tới như cá linh nhưng nhiều năm qua, cá heo nước ngọt (loại cá da trơn, nhỏ) cũng là sản vật gắn liền với mùa nước nổi của người dân miền Tây Nam Bộ nói chung và vùng Đồng Tháp Mười nói riêng. Nếu cá linh thường xuất hiện nhiều vào thời gian đầu mùa nước (tháng 8) thì ngược lại, cá heo thường xuất hiện và có giá trị kinh tế vào cuối mùa nước (tháng 10, tháng 11). Lúc này, những con cá heo đã lớn, màu xanh ngọc ngả hồng sậm là món quà mà thiên nhiên dành cho nhiều người dân làm nghề sông nước. Nhiều ngư dân có thể kiếm cả chục ký cá heo, với giá trị kinh tế hàng triệu đồng mỗi ngày.
Cùng vợ chồng anh Nguyễn Văn Hồng, 45 tuổi, ngụ ở xã Vĩnh Châu B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đi ghe vào đồng gỡ dớn, chúng tôi trải nghiệm trọn vẹn một ngày mưu sinh trên đồng nước nổi. Anh Hồng bảo, mùa này cá heo nhiều nhưng không phải là loại thủy sản duy nhất khi gỡ dớn.
“Những ngày này tôi không bao giờ ở nhà, gần như chỉ trên ghe, trên đồng suốt. Năm nay nước lũ về muộn và thấp, cá ít hơn mọi năm. Tháng trước tỉnh giãn cách, nhớ đồng lắm nhưng không đi ghe được. Mọi năm mấy cánh đồng dọc kênh Phước Xuyên, kênh Trung Ương này có cả những xóm ghe, họ ở khắp nơi chạy về tụ lại vì khu vực này đầu nguồn biên giới, cá cua nhiều vô kể”, anh Hồng cho biết.
Chạy ghe chừng 30 phút trên những cánh đồng săm sắp nước nhòa lẫn cả vào kênh rạch, bờ bao là tới khu vực đóng dớn. Tại đây có hàng trăm tay dớn, của nhiều gia đình khác nhau, nằm san sát cách chừng vài trăm mét. Trên mỗi tay dớn người dân đều có đánh dấu ký hiệu, thường gắn mảnh vải màu, có khi là cụm lục bình héo khô để phân biệt. Ở vùng này, dớn là ngư cụ phổ biến mùa nước nổi vì nó phù hợp với địa hình đồng ruộng, dễ đánh bắt. Người dân chỉ đóng cọc quây lưới theo chiều nước, thuận túi dớn là cá vào.
Đưa bàn tay thoăn thoắt kéo dớn, đoạn lưới cuối cùng vừa nhô lên khỏi mặt nước, anh Hồng nở nụ cười nhẹ nhõm khi thấy đàn cá nặng tay quẫy đạp. “Tay này được không dưới 1 ký đâu. Đoạn này gần kênh, nước từ đồng chảy qua lại nên cá đi rất nhiều”, vừa nói, anh Hồng vừa dốc túi lưới đổ cá vào chiếc thau bằng nhôm đặt giữa ghe. Lúc này tới công việc của chị Bé Ba, vợ anh Hồng. Chị Ba dùng một chiếc kẹp nhỏ gắp những con cá heo bóng nhẫy chừng như ngón tay cái bỏ riêng. Mùa này, cá heo rất có giá, mỗi kg bán được 120 ngàn đồng.
Niềm vui hiếm hoi
Tôi đã từng nhiều lần đi theo ghe vào những cánh đồng mùa nước nổi cùng người dân vùng biên giới từ Long An, Đồng Tháp hay An Giang và nhận thấy, sản vật ngày càng hiếm và những người dân còn gắn bó với đồng nước cũng ngày một ít đi. “Những năm trước người ta vào đồng nhiều lắm. Có người dưới tận Cái Bè, Cai Lậy, Kênh Quận... họ cũng chạy ghe ngược lên vùng biên giới này để đóng dớn, giăng lưới, thả câu. Nhiều ghe tụ lại thành xóm, rất xôm tụ. Họ ở mấy tháng, tới khi đồng cạn nước mới rời đi. Càng mưa nhiều, nước lũ càng lớn thì ghe về càng đông. Nhưng năm nay do dịch bệnh không đi được và nước cũng thấp nên nhiều người không về”, chị Bé Ba tâm sự.
Theo chị Bé Ba, có lẽ do ít người đánh bắt nên ngày nào anh chị cũng có những tay lưới nặng trĩu cá. Chị kể thêm: “Mỗi tay lưới này đầu tư mất từ 350 tới 400 ngàn đồng. Rồi tiền dầu chạy, tiền vỏ lãi nữa. Ngoài cá heo có giá tốt thì cá tạp chỉ 20 ngàn đồng/kg. Nhưng cũng khá may mắn, từ đầu tháng tới nay ngày nào vợ chồng tôi cũng kiếm được 4-5 ký cá heo. Mùa nước năm nay chắc còn chừng gần một tháng nữa mới hết”.
Những năm gần đây, mùa nước nổi gần như đã không còn là nhịp sống quen thuộc của phần lớn người dân vùng Tây Nam bộ rộng lớn. Nguyên nhân bởi nhiều năm nước về ít, chỉ những cư dân đầu nguồn biên giới vùng Long An, Đồng Tháp hay An Giang là cảm nhận rõ về mùa nước nổi và những sản vật mà nước nổi đem tới.
Với người dân ở vùng hạ lưu như Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang... thì mùa nước nổi đang ngày càng hiếm hoi và thưa thớt hơn. Thậm chí dù nước vẫn về nhưng sản vật quen thuộc đã không còn nữa. Đó cũng là lý do khiến người dân gắn bó với những cánh đồng ngập tràn nước nơi đây thêm đặc biệt, hiếm hoi.