Xã Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn , Thanh Hóa): Nộp lương để ‘chạy’ chế độ bãi ngang?

Nguyễn Chung 23/10/2021 12:55

Những ngày gần đây, nhiều người đã từng công tác tại xã Nghi Sơn, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bức xúc phản ánh với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về việc: Vào năm 2013, lãnh đạo xã này đã triển khai vận động, thu của mỗi cán bộ công chức, viên chức 1 tháng lương với lý do, để… “chạy” chế độ xã bãi ngang về cho địa phương.

Đóng góp tiền để hưởng chế độ?

Năm 2013, xã Nghi Sơn được Nhà nước công nhận là xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo Quyết định 539/QĐ-TTg ngày 1/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Việc được xét để hưởng chế độ, chính sách ưu việt của Nhà nước đối với Nghi Sơn là điều không phải bàn cãi.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại xã này thì cuối năm 2013, khi bắt đầu đến kỳ nhận truy lĩnh tiền chế độ, lãnh đạo xã khi đó là ông Nguyễn Ngọc Thương, Bí thư Đảng ủy xã (hiện là Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn) đã tiến hành nhiều cuộc họp bàn, chỉ đạo triển khai xuống các đơn vị vận động mỗi người phải nộp lại một khoản tiền tương đương với 1 tháng lương (từ 3 đến 10 triệu đồng). Lý do ông Thương đưa ra là để lấy kinh phí, “lo lót” cho việc xã được xét và đưa vào diện được hưởng chế độ bãi ngang.

Để xác minh thông tin, phóng viên đã tìm gặp các nhân chứng là những người đã từng công tác tại xã Nghi Sơn tại thời điểm năm 2013.

Ông T.N.T., nguyên là Hiệu trưởng Trường THCS Nghi Sơn (hiện nay đã chuyển công tác) tại thời điểm năm 2013, khẳng định: “Việc triển khai thu tiền để “chạy” chế độ bãi ngang là có thật. Chính ông là người được mời sang UBND xã để họp triển khai việc này.

“Bản thân tôi nộp 5 triệu đồng và toàn thể hơn 30 giáo viên trường tôi khi đó đều phải nộp. Người ít nhất là nộp 1-2 triệu đồng. Tại thời điểm đó, hình như có thông tin phản ánh lên huyện nên có người gọi cho tôi xác minh, tôi đều nói là có việc đó thật. Theo tôi được biết, lúc ấy không riêng gì cán bộ, giáo viên của trường mà tất cả các cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ y tế xã đều phải đóng!” - ông N. nói.

Là một trong những người có tên trong danh sách ký nộp tiền “chạy” chế độ bãi ngang, ông Nguyễn Nhật Luật - cán bộ địa chính xã Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, bức xúc: “Tại thời điểm 2013, tôi đang là cán bộ địa chính xã Nghi Sơn. Sau khi địa phương được hưởng chế độ bãi ngang, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Thương đã tổ chức nhiều cuộc họp để thống nhất chủ trương “cắt” lại của mỗi cán bộ 1 tháng lương để bù vào số tiền mà theo ông Thương nói, xã đã phải bỏ ra để “chạy” chế độ. Vì là ý của lãnh đạo xã, nên tôi cũng đã nộp 5,5 triệu đồng và ký nhận vào danh sách”.

Tương tự, trường hợp ông T.V.D., nguyên Trưởng Trạm Y tế xã Nghi Sơn (hiện đã chuyển công tác) cũng cho biết: “Vào cuối năm 2013, tôi cũng được UBND xã mời họp triển khai việc này. Vì đây là chủ trương của lãnh đạo xã, chúng tôi rất khó từ chối nên tôi nộp 10 triệu đồng, nhân viên của tôi, cả 4 người đều nộp, người thì nộp 10 triệu đồng, người ít nhất nộp 5 triệu đồng. Lý do mà ông Thương đưa ra trước các cuộc họp là triển khai thu tiền để “chạy” xã bãi ngang trước đó”. Khi phóng viên đưa ra bản danh sách có tên và chữ ký nộp tiền để xác minh, thì ông D. xác nhận, đây đúng là chữ ký của ông và không phải là bản danh sách được ngụy tạo.

Trong bản “Danh sách các đồng chí cán bộ thuộc khối Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ, các tổ chức đoàn thể, Trạm Y tế và các nhà trường THCS, tiểu học và khối mầm non nộp tiền bãi ngang năm 2013” mà chúng tôi có được, có tới 26 người ký nộp tiền. Người nhiều nhất là 10 triệu đồng, ít nhất cũng 5 triệu đồng. Đa số nhân chứng mà chúng tôi tiếp cận đều xác thực, đây là chữ ký của họ.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Nghi Sơn một mực khẳng định: Hầu hết những thông tin trên đều là sai sự thật, nhằm bôi nhọ lãnh đạo xã. Ngay cả bản danh sách và chữ ký nộp tiền bãi ngang cũng là do cắt ghép, tạo dựng.

“Lúc ấy tôi là Bí thư Đảng ủy xã thì không dại gì làm như vậy. Sau khi có thông tin về sự việc này, Thanh tra huyện đã tiến hành xác minh và có kết luận. Tuy nhiên, để khách quan, tôi đề nghị các anh đến UBND xã, làm việc trực tiếp với anh Tâm (ông Lê Khắc Tâm - Phó Chủ tịch xã Nghi Sơn - PV), anh Tâm sẽ cung cấp toàn bộ kết luận của Thanh tra về sự việc!”.

Tại UBND xã Nghi Sơn, ông Lê Khắc Tâm nói: “Vào thời điểm năm 2013, xã được hưởng chế độ bãi ngang. Sau khi cán bộ, công chức, viên chức của xã được nhận lương, lúc đó mọi người vui quá nên đã hô hào nhau góp tiền lại để tổ chức liên hoan. Bản thân ông Tâm cũng đã đóng góp 3 triệu đồng cho cuộc “liên hoan khủng” này. Khi chúng tôi đề cập đến bản danh sách nộp tiền bãi ngang năm 2013 của xã, ông Tâm đã khẳng định là bản thân không biết đến bản danh sách vừa nêu.

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Trương Bá Duyên, Phó Bí thư Thị Ủy Nghi Sơn. Sau khi nghe phóng viên trình bày lý do và đặt lịch làm việc về câu chuyện “thu tiền “chạy” xã bãi ngang”, ông Duyên đã tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng: Huyện cũng có nghe qua về vấn đề này, nhưng chưa tiến hành một buổi thanh tra nào với xã Nghi Sơn. “Không có thanh tra, kiểm tra thì làm gì có kết luận!” - ông Duyên khẳng định.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vào ngày 25/6/2021, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn đã ký Văn bản số 2453/UBND-TTra trả lời kiến nghị, phản ánh của các hộ dân xã Nghi Sơn, cho thấy có nội dung phản ánh ông Nguyễn Ngọc Thương thu tiền của cán bộ, giáo viên, y bác sĩ với số tiền 300 triệu đồng nhằm trục lợi cá nhân và hô vang là “chạy” xã bãi ngang. Song, tại văn bản này lại biện lí do rằng: “Nội dung phản ánh trên không cung cấp được chứng cứ, không có đối tượng cụ thể để xác minh”.

Theo tìm hiểu của phóng viên có nhiều người đang là cán bộ, công chức, viên chức khẳng định vào năm 2013 họ đã phải đóng tiền “chạy” xã bãi ngang theo yêu cầu của ông Thương.

Vấn đề này cần được Thanh tra tỉnh Thanh Hoá vào cuộc làm rõ, có câu trả lời và xử lý dứt điểm.

Nguyễn Chung