Hòa Bình: Nhiều dự án chậm tiến độ
Tỉnh Hòa Bình đang có 13 dự án chậm tiến độ. Đối với 13 dự án thương mại nhà ở chậm tiến độ có liên quan đến quy định, hướng dẫn về phân lô, bán nền. Lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cùng các sở ngành liên quan đã nhiều lần tổ chức họp bàn để thống nhất và đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng, có hướng giải quyết.
Ông Trần Hải Lâm, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cho biết: Theo kế hoạch phát triển nhà ở của tỉnh giai đoạn 2017-2021 được phê duyệt, một số huyện và TP Hòa Bình của tỉnh Hòa Bình đã trình nhiều nội dung về phát triển nhà ở. Hiện nay, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình đã được UBND tỉnh chấp thuận kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn để lập “Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2022-2030. Tỉnh Hòa Bình đang có 13 dự án chậm tiến độ. Đối với 13 dự án thương mại nhà ở chậm tiến độ có liên quan đến quy định, hướng dẫn về phân lô, bán nền theo Nghị định số 148/2020/NĐ-CP này, lãnh đạo tỉnh Hòa Bình cùng các sở ngành liên quan đã nhiều lần tổ chức họp bàn để thống nhất và đã xin ý kiến của Bộ Xây dựng, có hướng giải quyết.
Qua rà soát, có 13 dự án nhà ở đã ký hợp đồng nhưng chậm tiến độ so với thời gian hiệu lực thực hiện hợp đồng. Các dự án chậm tiến độ hầu hết đều do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chưa có sự thống nhất trong quy định về khu vực được phân lô, bán nền đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định tại khoản 17, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP (ngày 18/12/2021 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và khoản 7, Điều 4, Nghị định số 11/2013/NĐ-CP, ngày 14/1/2013 của Chính phủ quy định về quản lý đầu tư phát triển đô thị).
Đáng chú ý là Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đảo Ngọc (tại phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình) được biết đến là một trong những dự án thương mại nhà ở chậm tiến độ. Theo kế hoạch, dự án phải được thực hiện trong 24 tháng kể từ ngày 10/5/2019 và hoàn thành trong tháng 5/2021, nhưng đến nay không thể đạt tiến độ. Theo báo cáo của UBND TP Hòa Bình, tổng diện tích thu hồi đất 36,1ha của 49 hộ gia đình, cá nhân. Trong quá trình kiểm kê đất và tài sản trên đất, có 1 hộ không đồng ý kiểm kê, đề nghị đo đạc lại diện tích. Chủ đầu tư đã đo đạc lại nhưng hộ gia đình này vẫn không đồng ý với kết quả đo đạc, giải quyết lại. Bên cạnh đó, cũng tại dự án này còn có khoảng 1,4ha hiện bị chồng lấn với Tiểu dự án 02 - Dự án Sửa chữa và nâng cấp an toàn đập tỉnh Hoà Bình (hồ Đồng Bến) và 2 hộ thuộc xã Mông Hóa có diện tích chồng lấn với diện tích thuộc Dự án Đường cao tốc Hòa Bình - Hòa Lạc.
Chủ tịch UBND TP Hòa Bình - ông Bùi Quang Điệp, khẳng định: Cấp ủy, chính quyền TP Hòa Bình luôn coi trọng và quyết liệt chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ban hành 85 quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án với số tiền trên 500 tỷ đồng để chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, đối với các dự án nhà ở thương mại, thành phố đang nỗ lực kiểm kê để triển khai phương án bồi thường theo đúng quy định của pháp luật. Đơn cử như Dự án Khu nhà ở Hoàng Vân (phường Thịnh Lang) hiện đã phê duyệt được 5/9ha; Dự án Nhà ở Sudico đã phê duyệt bồi thường 43 tỷ đồng. Ngoài ra còn một số dự án đã cơ bản hoàn thành kiểm kê, kiểm đếm để chuẩn bị chi trả.
Ông Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình cho biết: Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với những dự án chậm tiến độ, Sở TN&MT đã có văn bản nhắc việc. Tuy nhiên, Sở Xây dựng là cơ quan ký hợp đồng với các Chủ đầu tư nên Sở Xây dựng cần đôn đốc các Chủ đầu tư có diện tích đã GPMB lớn lập hồ sơ xin giao đất theo giai đoạn để có căn cứ tính tiền thu. Đối với các đơn vị đã thống nhất được dự án cần khẩn trương lập để thực hiện các thủ tục giao đất.