Hỗ trợ trẻ mồ côi, phụ nữ ảnh hưởng bởi dịch Covid-19: Cần sớm được triển khai

Lê Bảo 23/10/2021 07:18

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm lao động nữ, khiến nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Nhiều phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ thiếu hụt dịch vụ chăm sóc y tế, dinh dưỡng. Chính vì vậy, triển khai chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ mồ côi và phụ nữ bị ảnh hưởng dịch Covid-19 thời điểm này là rất cần thiết.

Đối tượng dễ bị tổn thương

“Gia đình tôi có 5 người. Chồng tôi làm nghề xây dựng. Tôi làm công nhân may mặc trong một cơ sở tư nhân. Vợ chồng tôi có 3 con, cháu lớn 9 tuổi, cậu út mới 3 tháng tuổi. Trước khi dịch bùng phát, tôi có thể mua 150 nghìn đồng tiền ăn và sữa mỗi ngày. Khi bắt đầu dịch, mỗi ngày, cả nhà chỉ dám chi tiêu 30.000 - 40.000 đồng” - chị Nguyễn Thị Hằng ở Bình Dương chia sẻ.

Đó là một trong số nhiều câu chuyện được nêu ra tại báo cáo khảo sát “Đánh giá nhanh về tác động Kinh tế - Xã hội của dịch Covid-19 đối với các hộ gia đình dễ bị tổn thương ở Việt Nam” được công bố mới đây.

Thống kê của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, tính đến đầu tháng 10/2021, dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường lao động. Đáng chú ý, dịch đã đẩy lao động nữ đứng trước nguy cơ mất việc làm, giảm thu nhập đáng kể. Theo đó tỷ lệ lao động gia đình tăng gấp đôi, khoảng 19,6% so với 8,6% ở nam giới. Thu nhập bình quân của phụ nữ khoảng 4,8 triệu đồng và mức này thấp hơn so với nam giới (khoảng 6,8 triệu đồng).

Ảnh hưởng của dịch cũng tác động lớn đến trẻ em, theo thống kê sơ bộ trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, có hơn 2.600 trẻ mồ côi. Phần lớn các em đến từ các tỉnh thành phía Nam như TP HCM (1.584 em), Bình Dương (233 em), Long An (85 em), Đồng Tháp (72 em).

Con theo bà Park Mi Hyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam, thì trong bối cảnh của đại dịch Covid-19, phụ nữ di cư dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác. Họ phải đối mặt với khả năng bị mất việc cao hơn, bị trả lương thấp, bị mất phụ cấp thu nhập và các mạng lưới an toàn về kinh tế - xã hội khác…

Sớm triển khai hỗ trợ phụ nữ và trẻ em

Xuất phát từ thực tế trên Bộ LĐTB&XH đã xây dựng Dự thảo tờ trình ban hành Nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, lao động nữ là F0, đang mang thai hoặc sinh con tính từ ngày 23/1 đến 31/12 được hưởng 2 triệu đồng/người. Dự kiến, khoảng 2.000 người sẽ thụ hưởng với tổng kinh phí 4 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Trong khi đó, nữ nhân viên y tế tuyến đầu tại nơi thực hiện chỉ thị 16, cơ sở điều trị, tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 1/5 đến 31/12 được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH có khoảng 100.000 người sẽ được hưởng với kinh phí dự kiến khoảng 100 tỷ đồng từ ngân sách trung ương.

Bộ LĐTB&XH cũng đề xuất hỗ trợ 4.615 bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hằng tháng. Mức hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi mẹ và trích từ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Bên cạnh đó, trẻ mồ côi do đại dịch tính từ ngày 23/1 đến 31/12 cũng được đề xuất hỗ trợ. Dự kiến có 80 em mồ côi cả cha lẫn mẹ được hỗ trợ 20 triệu đồng/em và 2.500 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ nhận 5 triệu đồng/em. Kinh phí hơn 14 tỷ đồng trích từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam. Hiện nay, để hỗ trợ trẻ mồ côi, Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam có chính sách hỗ trợ kịp thời giúp các em ổn định cuộc sống. Theo đó, tính đến nay, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 28 tỉnh, thành phố để hỗ trợ 7,78 tỷ đồng cho 1.556 em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi em. Ngoài kinh phí hỗ trợ cho trẻ em mồ côi, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã hỗ trợ tiền mặt và hiện vật cho 12.800 em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với tổng kinh phí trên 7 tỷ đồng.

Bộ LĐTB&XH cho biết, trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội do cách ly xã hội kéo dài, không có người thân thường xuyên chăm sóc, cần sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ngoài chính sách chung cho trẻ em mồ côi đã có. Đề xuất trên đã nhận được sự đồng tình của các chuyên gia bởi các số liệu gần đây cho thấy, đây là nhóm đối tượng đang chịu nhiều tổn thương nặng nề do ảnh hưởng của dịch, cần sự hỗ trợ kịp thời để sớm bắt nhịp với trạng thái bình thường mới của toàn xã hội.

Bộ LĐTB&XH đã chỉ đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam huy động nguồn lực để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch thông qua lời kêu gọi tài trợ: Cùng chung tay hỗ trợ trẻ em trong đại dịch. Ngày 21/10, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã tiếp nhận tài trợ từ các đơn vị với tổng số tiền là 11 tỷ 287 triệu đồng. Dự kiến, đến hết ngày 31/12, sẽ có 2.500 trẻ em mồ côi do dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam với tổng kinh phí hỗ trợ trên 14 tỉ đồng.

Lê Bảo