Phân bổ 20,6 tỷ đồng hỗ trợ 4 tỉnh, thành phố phòng chống dịch Covid-19
Trong tuần qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại một số tỉnh, thành phố, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội đã tiến hành rà soát và phân bổ tiền và hiện vật trị giá 20,619 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ số tiền 2 tỷ đồng cho tỉnh Phú Thọ; phân bổ hiện vật trị giá 18,619 tỷ đồng cho các cơ sở y tế tại tỉnh Quảng Nam, Yên Bái và thành phố Hà Nội.
Hơn 20.875,6 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch
Theo thống kê sơ bộ của Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, tính từ ngày 1/5/2021 đến nay, tổng số kinh phí và hiện vật ủng hộ qua UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức thành viên và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 lên tới trên 20.875,6 tỷ đồng, tăng thêm 229,2 tỷ đồng so với số liệu thống kê ngày 14/10/2021.
Trong đó, ủng hộ qua hệ thống MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là 12.087,1 tỷ đồng với số tiền mặt là 5.158,2 tỷ đồng; hiện vật quy ra tiền là 6.928,9 tỷ đồng. Số tiền ủng hộ qua Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 là 8.788,5 tỷ đồng.
Từ số kinh phí và hiện vật tiếp nhận được, Tiểu ban đã phân bổ, hỗ trợ và chi mua vaccine phòng Covid-19 với tổng số tiền là 17.861,3 tỷ đồng, chiếm 85,5% so với tổng nguồn lực tiếp nhận. Trong đó, đã phân bổ 3.882.904 phần quà Đại đoàn kết và túi quà an sinh, tăng 22.856 phần quà so với số liệu thống kê ngày 14/10/2021 và hỗ trợ mua thiết bị vật tư y tế, hỗ trợ lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch,… với trị giá là 10.798,3 tỷ đồng; Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 đã chi 7.063 tỷ đồng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Với vai trò và trọng trách của mình, thời gian tới Tiểu ban tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương tập trung nắm tình hình người dân đi từ vùng dịch di chuyển trở về quê hương sau khi các địa phương ở phía Nam thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội để có các giải pháp theo dõi, hỗ trợ người dân gặp khó khăn.
Tiếp tục phân bổ kinh phí, nguồn lực đã vận động được cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ nhân dân vượt qua khó khăn.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, doanh nhân, tập thể, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19 và kinh phí phòng, chống dịch Covid-19.
Tiếp tục vận động các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ; vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan, chiến sĩ các lực lượng vũ trang hưởng lương ngân sách nhà nước ủng hộ 1 ngày lương (không vận động lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch).
Triển khai vận động các tầng lớp Nhân dân ủng hộ kinh phí phòng, chống Covid-19 thông qua giải pháp thanh toán trực tuyến như: Payoo, Ví điện tử MoMo, Zalo Pay…
Cùng với đó, tiếp tục triển khai hoạt động phân bổ, hỗ trợ kinh phí, vật chất, trao tặng phần quà an sinh… theo các chương trình, phong trào đã phát động.
Tập trung triển khai phân bổ nguồn lực cho các địa phương để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp nắm tình hình địa bàn, đối tượng cần hỗ trợ an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người dân từ các tỉnh vùng dịch Covid-19 trở về quê hương.
Triển khai hoạt động giám sát việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn, thực hiện các gói hỗ trợ an sinh xã hội theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Kịp thời động viên, hỗ trợ công nhân, người lao động sớm trở lại làm việc
Nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vừa qua, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có công văn đề nghị Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, MTTQ các cấp cần tiếp tục phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đến cán bộ Mặt trận các cấp của địa phương nhằm đảm bảo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện công tác phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của Nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới.
Song song với đó cần tăng cường phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận vận động Nhân dân nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh; phát huy tinh thần đoàn kết sáng tạo của các tầng lớp nhân dân trong lao động, sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế.
Công văn cũng nêu rõ việc Mặt trận cần chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở; tuyên truyền, vận động và giám sát, phản biện việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương, như: giám sát, phản biện việc xác định cấp độ dịch của địa phương; giám sát, phản biện việc áp dụng các biện pháp áp dụng theo cấp độ dịch.
Giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 của các cơ quan có thẩm quyền của địa phương…, hạn chế tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh, đời sống xã hội.
Tại các địa phương, MTTQ các cấp phối hợp với chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị-xã hội thiết lập đường dây nóng tại Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp để tiếp nhận, xử lý thông tin khẩn cấp về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại địa phương; về đảm bảo đời sống, an sinh xã hội; về an ninh trật tự, an toàn xã hội…
Phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận tích cực triển khai Nghị quyết số 06/NQ-MTTW-ĐCT ngày 3/7/2020 của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX “Về đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế-xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19” để tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ trì, phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức các hoạt động thiết thực, phù hợp với từng địa phương, như: vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ kinh phí, vật tư y tế, hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm để hỗ trợ người yếu thế, người khó khăn, người trở về nhất là từ Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động để kịp thời vận động, động viên, hỗ trợ công nhân, người lao động sớm trở lại làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp.